Cùng dự về phía tỉnh Hà Giang có các đồng chí: Lý Thị Lan, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang; Chúng Thị Chiên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh.
Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc, Quốc hội khóa XV làm việc với lãnh đạo huyện Yên Minh.
Những năm qua, được sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh Hà Giang, sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương đã chủ động, tích cực phối hợp, triển khai thực hiện chính sách, dự án giảm nghèo trên địa bàn các xã biên giới đồng bộ và hiệu quả. Từ các chính sách hỗ trợ, huyện đã ưu tiên nguồn vốn tập trung xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. Do đó, người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ dân tộc thiểu số đã hưởng đủ các chính sách, dự án giảm nghèo; hệ thống cơ sở hạ tầng được tăng cường đầu tư, hoàn thiện, đời sống người dân từng bước được nâng lên, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm đạt 6%/năm. Thu nhập bình quân đầu người của huyện Yên Minh năm 2021 đạt 18,64 triệu đồng/người/năm, trong đó 4 xã biên giới gồm: Phú Lũng 28,8 triệu đồng/người/năm; Thắng Mố 18 triệu đồng/người/năm; Bạch Đích 26,9 triệu đồng/người/năm; Na Khê 18 triệu đồng/người/năm. Các xã biên giới đã hoàn thành tổng số 58 tiêu chí Nông thôn mới, riêng xã Phú Lũng đã đạt chuẩn năm 2016. Nhân dân các dân tộc đoàn kết, tích cực tham gia, phối hợp với các lực lượng vũ trang giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia…
Đoàn giám sát kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách cho học sinh tại trường PTDT Bán trú THCS Thắng Mố.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Yên Minh đã nêu những khó khăn về cơ sở hạ tầng giao thông, nguồn vốn đầu tư phát triển hạn chế, thiếu giáo viên, một số chế độ chính sách của giáo dục tại xã đạt chuẩn Nông thôn mới bị cắt, giảm gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân… Đồng thời, đề xuất, kiến nghị với T.Ư xem xét tăng định mức hỗ trợ chung cho các huyện nghèo, xã nghèo, xã biên giới để đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững; ban hành chính sách riêng hỗ trợ phát triển KT – XH các xã, thôn biên giới; nghiên cứu triển khai hình thức cho vay đầu tư có thu hồi, mở rộng phạm vi với hộ khá, trung bình để thúc đẩy phát triển kinh tế…
Đoàn công tác tặng quà cho học sinh trường PTDT Bán trú THCS Thắng Mố.
Sau khi khảo sát thực tế và nắm bắt khái quát tình hình địa phương, đồng chí Nguyễn Lâm Thành đánh giá từ năm 2016 đến nay, tình hình phát triển KT – XH và đời sống nhân dân trên địa bàn huyện đã từng bước được nâng lên. Công tác đảm bảo an ninh trật tự, kiểm soát biên giới được duy trì và giữ vững. Bên cạnh đó, chia sẻ những khó khăn về địa hình, hệ thống giao thông, tác động của cơ chế, chính sách trong lĩnh vực giáo dục của địa phương. Đối với phương hướng thời gian tới, đoàn công tác đề nghị huyện tiếp tục tập trung thực hiện tốt các nguồn vốn đầu tư của các Chương trình mục tiêu Quốc gia. Đối với đề xuất, kiến nghị của huyện, đoàn công tác sẽ tổng hợp báo cáo trình Quốc hội và Chính phủ, làm căn cứ, cơ sở để xây dựng hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển KT – XH, gắn với đảm bảo QP – AN khu vực biên giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.