PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 3 CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC

18/05/2022

Chiều 18/5, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Dân tộc tiếp tục tổ chức chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 3. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm chủ trì Phiên họp.

 

Toàn cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Hội đồng Dân tộc. 

Tại Phiên họp, các đại biểu nghe Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry báo cáo tóm tắt hoạt động của Hội đồng Dân tộc từ kỳ họp thứ 2 đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV; nghe Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân báo cáo tóm tắt kết quả giám sát chuyên đề “Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 20216-2021” của Hội đồng Dân tộc; nghe Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan báo cáo kết quả khảo sát “Tác động của việc phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển”, theo Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 612 của Ủy ban Dân tộc.

Báo cáo hoạt động của Hội đồng Dân tộc từ kỳ họp thứ 2 đến trước kỳ họp thứ 3

Báo cáo hoạt động của Hội đồng Dân tộc từ kỳ họp thứ 2 đến trước kỳ họp thứ 3, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho biết, trong bối cảnh bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Hội đồng Dân tộc tiếp tục nghiên cứu đổi mới, cải tiến cách thức, phương pháp làm việc. Ngay từ đầu khóa, Thường trực Hội đồng Dân tộc đã xây dựng chi tiết kế hoạch hoạt động của Hội đồng Dân tộc và kế hoạch hoạt động của các Tiểu ban, bảo đảm duy trì chế độ họp định kỳ hàng tháng để đánh giá kết quả hoạt động trong tháng, xác định rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp khắc phục đối với những vấn đề tồn tại, phân công rõ trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi từng nội dung cho cá thành viên Thường trực Hội đồng Dân tộc.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry báo cáo hoạt động của Hội đồng Dân tộc từ kỳ họp thứ 2 đến trước kỳ họp thứ 3.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cũng nêu rõ một số hạn chế, bất cập như một số hoạt động thực hiện chưa đạt được theo kế hoạch đề ra: Đi công tác cơ sở địa phương, hoạt động giám sát, khảo sát, tổ chức hội thảo chuyên môn; triển khai còn chậm so với kế hoạch. Chất lượng một số hoạt động, nội dung một số báo cáo, văn bản góp ý chưa sâu, toàn diện....

Đề cập đến nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho biết, từ kỳ họp thứ 2 đến nay, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống của xã hội của đất nước; hoạt động của cả hệ thống chính trị phải thay đổi, thích ứng, nhất là việc tổ chức hội nghị, họp trực tuyến, thông tin qua mạng… Công tác tham gia thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, Nghị quyết còn bị động do hồ sơ tài liệu đến Hội đồng Dân tộc còn chậm và thời gian yêu cầu hoàn thành gấp. Việc cung cấp thông tin đến đại biểu còn chậm do hệ thống thông tin điện tử của Quốc hội còn đang trong quá trình cải tạo, nâng cấp chưa đồng bộ và tiện sử dụng.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry đã đề xuất một số phương hướng, nhiệm vụ từ sau kỳ họp thứ 3 đến hết năm 2022 liên quan đến công tác lập pháp; công tác giám sát, khảo sát; tham mưu Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; thực hiện chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, kết luận của Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH.

Việc chậm/chưa ban hành các văn bản quy định chi tiết đã tác động đến công tác triển khai thi hành luật và chính sách dân tộc

Báo cáo kết quả giám sát về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân cho biết, các văn bản thuộc đối tượng giám sát đã được ban hành đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục và căn cứ pháp lý để ban hành văn bản. Cơ bản các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đều đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản và đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý nhà nước.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân 

Tác động, ảnh hưởng trong việc chậm, chưa ban hành các văn bản quy định chi tiết, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân nêu rõ, vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tổ chức triển khai, thi hành luật nói chung và chính sách dân tộc nói riêng, đặc biệt là ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng thụ hưởng chính sách, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống đồng bào DTTS cũng như tình hình kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN. Vấn đề xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan để xảy ra chậm trễ trong việc triển khai thi hành, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành trong báo cáo của Chính phủ vẫn chưa chỉ ra cụ thể.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân nêu rõ, qua giám sát, trong giai đoạn 2016-2021 có 13/25 văn bản quy định chi tiết có liên quan đến công tác dân tộc ban hành chậm; còn 6 Điều tại 5 Luật chưa được quy định chi tiết đã tác động không nhỏ đến hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, quyền lợi chính đáng của người dân và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Đề cập nguyên nhân chủ quan của những hạn chế nêu trên, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân cho rằng, một số bộ, ngành còn thiếu chủ động trong việc đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản pháp luật, chính sách liên quan đến vùng đồng bào DTTS&MN, chưa nắm rõ về trách nhiệm của mình. Nguyên nhân khách quan là do nguồn lực chưa tương xứng với tầm quan trọng, tính chất khó khăn của hoạt động xây dựng pháp luật nói chung và chính sách dân tộc nói riêng, nhất là khâu khảo sát, đánh giá tác động của chính sách đối với người dân vùng DTTS&MN. Từ đó, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với Chính phủ, với các Bộ, cơ quan ngang bộ nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Kết quả khảo sát tác động của việc phân định vùng DTTS&MN theo trình độ phát triển đến việc thực hiện chính sách dân tộc

Báo cáo kết quả khảo sát “Tác động của việc phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển”, theo Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 612 của Ủy ban Dân tộc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan nêu rõ, việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS&MN tại Quyết định 861 và Quyết định 612 là căn cứ pháp lý để xác định phạm vi, đối tượng, địa bàn trong triển khai thực hiện chính sách dân tộc, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Các đại biểu tham dự Phiên họp.

Ngay sau khi Quyết định 861 và Quyết định 612 được ban hành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã chỉ đạo cơ quan phụ trách công tác dân tộc triển khai tuyên truyền nội dung 02 Quyết định tới các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, xã có liên quan để cán bộ, nhân dân trên địa bàn vùng DTTS&MN nắm rõ mục đích, ý nghĩa, bản chất của việc phân định vùng DTTTS&MN theo trình độ phát triển để thực hiện chương tình mục tiêu quốc gia với mục đích đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để người dân hiểu, cùng nhau chia sử với những nơi còn khó khăn hơn.

Thực trạng hiện nay, vùng DTTS&MN vẫn là vùng còn rất nhiều khó khăn, xuất phát điểm kinh tế - xã hội thấp, trình độ sản xuất còn nhiều hạn chế, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; cơ sở hạ tầng được đầu tư chưa đồng bộ, thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội…

Thực hiện Quyết định 861 và Quyết định 612, giai đoạn 2021-2025, một số địa phương có số xã khu vực III và thôn đặc biệt khó khăn giảm rất nhiều so với giai đoạn 2016-2020, dẫn đến việc người DTTS&MN trước đây thuộc vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn sẽ không tiếp tục được hưởng các chính sách, đặc biệt là những chính sách về an sinh xã hội. Tổng số đối tượng bị tác động ảnh hưởng rất lớn, ước tính ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm hàng chục ngàn tỷ mỗi năm.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan đã đề cập đến tác động, ảnh hưởng của Quyết định 861 và Quyết định 612 đến thực hiện các chính sách dân tộc như chính sách hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế; tác động đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo; chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2020….

Các quy định liên quan đến công tác dân tộc còn chung chung

Cho ý kiến vào các báo cáo, đa số các đại biểu cơ bản đồng tình với 3 báo cáo nêu trên và cho rằng báo cáo rõ ràng, đầy đủ, tổng hợp được nhiều ý kiến.

Đóng góp vào Báo cáo kết quả giám sát về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021, một số ý kiến đại biểu cho rằng, nhận thức của một bộ phận lãnh đạo, tham mưu chính sách về công tác dân tộc chưa sâu sắc, toàn diện, đầy đủ về nội dung, yêu cầu của công tác xây dựng pháp luật, trong đó có quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến công tác dân tộc, vùng DTTS&MN, dẫn đến còn có quy định của pháp luật được ban hành nhưng khó thực thi. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ, thiếu nhất quán trong xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, phân bổ nguồn lực và tổ chức thực hiện chính sách.

Có ý kiến đại biểu nhận thấy, các quy định liên quan đến công tác dân tộc còn chung chung, mang tính định hướng chính sách đối với vùng đồng bào DTTS&MN. Một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về chính sách dân tộc chưa đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng tác động của chính sách, nhất là tác động về kinh tế, xã hội, văn hóa, phong tục, tập quán… của đồng bào DTTS…

Một số đại biểu cho rằng, các quy định pháp luật về lĩnh vực dân tộc còn chồng chéo, mâu thuẫn; tính khả thi, dự báo chưa cao, ảnh hưởng đến tỉnh ổn định của hệ thống pháp luật.

Góp ý vào báo cáo kết quả khảo sát tác động của việc phân định vùng DTTS&MN, các đại biểu cho rằng, việc cắt giảm chính sách đột ngột, nhất là chính sách hỗ trợ mua thẻ BHYT, hỗ trợ khám, chữa bệnh, chính sách hỗ trợ giáo dục… sẽ gây khó khăn cho nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình đông người, việc mua thẻ bảo hiểm y tế cho tất cả mọi người trong gia đình là khó thực hiện, khả năng tham gia chính sách bảo hiểm y tế thấp. Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, do đối tượng được thụ hưởng trải rộng ở nhiều bậc học nên khi chính sách bị cắt giảm làm ảnh hưởng không nhỏ đến các đối tượng là trẻ em học mầm non, học sinh, sinh viên… Do đó, đề nghị Chính phủ và các bộ ngành quan tâm hơn nữa đến vấn đề này.

Có ý kiến đề nghị cần tăng cường khảo sát để nắm bắt tình hình, thực trạng khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số, quan tâm đến sinh kế của người dân liên quan đến các chính sách phát triển rừng, nâng mức khoán bảo vệ rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng… Đồng thời quan tâm đến văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.

Cũng tại Phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu nêu về vấn đề phân định vùng DTTS&MN, vùng cao. Đồng thời cho biết, trong tháng 5, Ủy ban Dân tộc sẽ hoàn thành báo cáo đánh giá chủ trương của Bộ Chính trị, và báo cáo trong tháng 6 tới. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh mong muốn Ủy ban Dân tộc được phép tham gia các Đoàn công tác của Quốc hội, các Đoàn giám sát, đoàn khảo sát (nếu có) liên quan đến công tác dân tộc. Bên cạnh đó, kiến nghị cần tích cực triển khai các nội dung quy chế phối hợp: cơ chế phối hợp cung cấp thông tin, phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, quy chế phối hợp giữa 3 cơ quan: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Dân tộc và Hội đồng Dân tộc để tạo sự thống nhất, đồng bộ giữa các cơ quan Trung ương khi triển khai thực hiện các chính sách liên quan đến công tác dân tộc.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê KĐăm cho biết, Phiên họp đã hoàn thành toàn bộ nội dung đề ra với việc đóng góp ý kiến vào 6 Báo cáo và các văn bản góp ý vào các dự án Luật.

Phát biểu kết luận Phiên họp toàn thể, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê KĐăm cho biết, Phiên họp đã hoàn thành toàn bộ nội dung đề ra với việc đóng góp ý kiến vào 6 Báo cáo và các văn bản góp ý vào các dự án Luật. Các đại biểu tham dự với tinh thần trách nhiệm cao, tích cực, góp ý vào nhiều nội dung quan trọng.

Về đánh giá chung tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN 6 tháng đầu năm 2022, các đại biểu cơ bản nhất trí và góp ý đánh giá thêm về bối cảnh, tác động và diễn biến mới khi nước ta mở cửa trở lại, đảm bảo lưu thông hàng hóa, phân bổ nguồn lực lao động, đặt vấn đề thêm về khó khăn trong hoạt động sản xuất, tạo sinh kế. Đây là vấn đề lớn được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê KĐăm đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, ổn định đời sống nhân dân. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của các đại biểu đánh giá cụ thể hơn về những tác động, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân, đảm bảo tiến độ thực hiện chính sách dân tộc trong giai đoạn mới, hoàn thiện các báo cáo một cách đầy đủ, kỹ lưỡng./.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên họp chiều 18/05:

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương điều hành nội dung Phiên họp toàn thể chiều 18/05.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân nêu rõ, qua giám sát, trong giai đoạn 2016-2021 có 13/25 văn bản quy định chi tiết có liên quan đến công tác dân tộc ban hành chậm; còn 6 Điều tại 5 luật chưa được quy định chi tiết đã tác động không nhỏ đến hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, quyền lợi chính đáng của người dân và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

 Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry nêu rõ một số hạn chế, bất cập như một số hoạt động thực hiện chưa đạt được theo kế hoạch đề ra: Đi công tác cơ sở địa phương, hoạt động giám sát, khảo sát, tổ chức hội thảo chuyên môn; triển khai còn chậm so với kế hoạch. Chất lượng một số hoạt động, nội dung một số báo cáo, văn bản góp ý chưa sâu, toàn diện....

Đại biểu Hoàng Thị Đôi - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La đánh giá cao 3 Báo cáo tại Phiên họp chiều 18/05.

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, Báo cáo kết quả giám sát ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021 rõ ràng, đầy đủ, tập hợp được các ý kiến gọn, rõ. Đồng thời đánh giá cao tính cầu thị của Uỷ ban Dân tộc thông qua việc ban hành văn bản giai đoạn này.

Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh -  Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Cần Thơ cho rằng, chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy làm công tác dân tộc hiện nay chưa đảm bảo, còn nhiều hạn chế.

Đề cập về báo cáo kết quả việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021, đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnhThừa Thiên Huế cho rằng, diễn đạt đôi chỗ trong báo cáo không rõ nghĩa, bị trùng lặp và dài, đề nghị nên đánh thứ tự tác động tiêu cực thành những ý chính và đánh giá lại tác động cho rõ ràng hơn.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đề nghị tăng cường khảo sát để nắm bắt tình hình, thực trạng khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số, quan tâm đến sinh kế của người dân, nhất là các chính sách phát triển rừng, nâng mức khoán bảo vệ rừng....

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hầu A Lềnh giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu nêu về vấn đề phân định vùng DTTS&MN, vùng cao. 

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác