ĐOÀN GIÁM SÁT QUỐC HỘI GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA TẠI TRÀ VINH

25/07/2023

Chiều 25/7, Đoàn giám sát của Quốc hội do Chủ tịch Hội đồng dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm làm Trưởng đoàn có buổi giám sát chuyên đề việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

ĐOÀN CÔNG TÁC CỦA QUỐC HỘI THĂM VÀ TẶNG QUÀ GIA ĐÌNH CHÍNH SÁCH, HỘ KHMER KHÓ KHĂN TẠI TRÀ VINH

ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ĐƠN VỊ TỈNH TRÀ VINH TIẾP XÚC CỬ TRI HUYỆN TIỂU CẦN

Đó là các Chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Báo cáo với đoàn giám sát của Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng cho biết, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh, đến nay đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên; hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ đáp ứng cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Toàn tỉnh hiện có 85/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 08/09 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 03 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,88%, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3,50%; công tác giải quyết việc làm, tạo việc làm mới cho 23.000 lao động...

Toàn cảnh cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội với UBND tỉnh Trà Vinh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Trà Vinh còn gặp một số khó khăn trong triển khai thực hiện như việc ban hành và triển khai cụ thể hóa các quy định của văn bản Trung ương đối với 03 Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, chưa hoàn thành, một số văn bản tỉnh đang xây dựng kịp thời. Việc tổ chức triển khai thực hiện dự án, tiểu dự án thành phần thuộc các Chương trình, tiến độ giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm do vướng mắc về điều kiện quy định của Chương trình. Công tác kiểm tra, giám sát có thực hiện nhưng chưa thường xuyên, chưa liên tục từ tỉnh đến cơ sở; thực hiện giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số chỉ đạt 1,31%, chưa đạt mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao.

Tỉnh Trà Vinh kiến nghị xem xét, điều chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giai đoạn 2021 - 2025 vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ 3% xuống còn lại 1%/năm. Do thực tế số hộ nghèo của 59 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đầu năm 2022 là 6.581 hộ, chiếm tỷ lệ 3,91% so với tổng số hộ dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên khả năng giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số 3% trong năm 2022 cũng như những năm tiếp theo của giai đoạn 2022 - 2025 là không phù hợp với thực tế. Xem xét tăng mức hỗ trợ đất ở, nhà ở của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo thực hiện phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan phát biểu tại cuộc làm việc.

Riêng đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Trà Vinh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét nâng mức hỗ trợ tiền ăn cho người học nghề để thu hút, khuyến khích người lao động đăng ký học nghề và an tâm tham gia học tập. UBND tỉnh kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, thiết kế hệ thống phần mềm theo dõi nguồn vốn, báo cáo tiến độ giải ngân vốn thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để thuận lợi cho việc theo dõi, quản lý.

Tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn giám sát đề nghị tỉnh Trà Vinh làm rõ thêm một số vấn đề như việc triển khai vốn đầu tư công các chương trình trong thời gian tới, nhất là trong giai đoạn 2024-2025; giải pháp, nguồn lực triển khai thực hiện nông thôn mới; các cơ chế lồng ghép, phối hợp thực hiện để triển khai hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khi Trà Vinh là địa phương có tỷ lệ người đồng bào Khmer chiếm 32%,…

Đoàn giám sát cơ bản nhất trí với nhiều kiến nghị của tỉnh, nhất là việc việc triển khai Chương trình dân tộc thiểu số và miền núi do đây là lần đầu tiên thực hiện đồng thời cả 03 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi mới được thực hiện lần đầu.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm thay mặt đoàn giám sát đề nghị tỉnh rà soát lại các khó khăn, vướng mắc, nhất là từ các huyện, xã và bổ sung kiến nghị, đề xuất (nếu có) để Đoàn giám sát tổng hợp, xem xét; bổ sung các văn bản tỉnh mới ban hành liên quan đến việc triển khai thực hiện. Bổ sung nội dung việc giải quyết các kiến nghị của các bộ, ngành đối với các kiến nghị của tỉnh, nêu rõ có bao nhiêu văn bản đã trả lời? Có bao nhiêu văn bản đã giải quyết được kiến nghị của tỉnh? Nếu chưa giải quyết được cần nêu rõ lý do?... Trong thời gian tới, tỉnh tăng cường việc theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của tỉnh.

Trong thực hiện chính sách xã hội, chính sách dân tộc của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, rà soát lại các tiêu chí về nông thôn mới, đề xuất với cấp có thẩm quyền điều chỉnh tiêu chí cho phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên của địa phương, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số; giải quyết, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh, không để phát sinh phức tạp, ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; quan tâm các đối tượng thực hiện; xử lý nghiêm khắc với việc né tránh, thiếu trách nhiệm trong công việc. Ngoài ra, Đoàn giám sát cũng đề nghị tỉnh sớm hoàn thiện báo cáo, kiến nghị, các vướng mắc đề xuất trước ngày 1/8/2023 để đoàn tổng hợp trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Bộ ngành Trung ương liên quan xem xét, tháo gỡ./.

Linh Có

Các bài viết khác