Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi)
Tham dự hội thảo còn có các chuyên gia về rừng và đất đai; đại diện Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục quản lý đất đai; đại diện cộng đồng các dân tộc và một số đại biểu Quốc hội.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết, bên cạnh những thành tựu quan trọng đã đạt được, quá trình thực thi Luật bảo vệ và phát triển rừng 2004 đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế chưa đủ khả năng ngăn chặn được tình trạng phá rừng, suy giảm chất lượng rừng tự nhiên, bảo vệ và phát triển rừng chưa phát huy được bản sắc văn hóa, sinh kế và cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số…, gây ra tình trạng tranh chấp lấn chiếm rừng và đất rừng. Sản xuất lâm nghiệp bị chia cắt, thiếu liên kết, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp; thu nhập của người làm nghề rừng chưa được đảm bảo.
Để có cơ sở góp ý chỉnh sửa Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) phù hợp với tình hình thực tế và đồng bộ với Hiến pháp và các bộ luật khác, đồng thời phù hợp với nguyện vọng của cử tri, Hội đồng Dân tộc tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi)” với mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học, đại diện cộng đồng các dân tộc về những nội dung của Dự thảo liên quan đến đối tượng là cộng đồng các dân tộc sống dựa vào rừng. Mục đích của Hội thảo nhằm cung cấp thêm thông tin, bằng chứng thực tiễn về những nội dung của Dự thảo Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số sống dựa vào rừng cho các đại biểu Quốc hội nói chung và đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số ở các tỉnh nhằm chuẩn bị ý kiến thảo luận Dự thảo Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV.
Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đã có những điều chỉnh, bổ sung tích cực đáp ứng được nguyện vọng của người dân và phù hợp với thực tiễn quản lý rừng của chủ rừng là hộ gia đình, cộng đồng dân cư làng bản. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò tham gia tự nguyện của hộ gia đình và cộng đồng dân cư các dân tộc, dự thảo cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số nội dung về những quy định liên quan đến hộ gia đình và cộng đồng dân cư thôn bản, buôn, làng các dân tộc có cuộc sống phụ thuộc vào rừng; Quy định liên quan khác tác động đến quyền tiếp cận rừng của cộng đồng dân cư các dân tộc và chiến lược bảo vệ phát triển rừng bền vững gắn với ổn định xã hội và những vấn đề khác của Luật cần phải điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế và đồng bộ với quy định của Hiến pháp và các đạo luật liên quan.
Các đại biểu cho rằng, Luật cần xác lập rõ ràng và cụ thể vai trò của hộ gia đình và cộng đồng dân cư thôn bản trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đối tượng này có thể sống tốt bằng nghề rừng như nông dân các vùng đồng bằng đã sống tốt bằng nghề nông. Bên cạnh đó, nhà nước cần đảm bảo các điều kiện tốt nhất về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi về vốn và kỹ thuật cũng như cần ổn định đầu ra cho hàng hóa, lâm sản, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc sống nhờ rừng.
Các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về việc bổ sung khái niệm rừng cộng đồng liên quan đến rừng tín ngưỡng tâm linh, gắn với không gian văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện tại trong điều 5 về phân loại rừng tại Dự thảo luật chưa có khái niệm rừng cộng đồng, đây là khái niệm quan trọng, không thể bỏ sót. Đồng thời, nhiều đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng lại dự thảo Luật, tránh chồng chéo với các luật khác như Luật đất đai, Luật đầu tư, Luật đa dạng sinh học, Luật quy hoạch.
Phát biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo, các đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số cũng bày tỏ mong muốn đất rừng phải gắn với người dân, những người gắn bó mật thiết với rừng. Đảng và Nhà nước cần có chính sách giúp đồng bào các dân tộc bảo vệ rừng, phục hồi rừng thủy điện, tăng diện tích trồng rừng, nhất là trồng cây bản địa nhằm đảm bảo sống được bằng nghề rừng. Các đại biểu cũng mong muốn được công nhận cộng đồng dân cư ở làng bản là người chủ các khu rừng ở làng bản; người dân là lực lượng nòng cốt bảo vệ, quản lý rừng; đồng thời, hợp pháp hóa quyền sở hữu của cộng đồng dân cư đối với các khu rừng văn hóa tâm linh, rừng bảo vệ nguồn nước, rừng chung.
Phát biểu kết thúc Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học, đại diện cộng đồng các dân tộc tại Hội thảo. Ban soạn thảo cũng như Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ tiếp thu các ý kiến, góp phần quan trọng vào quá trình hoàn thiện Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).