KHAI MẠC PHIÊN HỌP THỨ 26 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Dự phiên họp về phía Chính phủ và các bộ, ngành có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; đại diện lãnh đạo các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lao động, Thương binh và Xã hội; Tài chính; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ngân hàng Chính sách xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo...
Toàn cảnh Phiên họp
Trước khi tiến hành thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát trình bày báo cáo kết quả của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030" (gọi tắt 3 Chương trình mục tiêu quốc gia).
Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Đoàn giám sát đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo, thành lập, phân công tổ giúp việc, các tổ, đoàn công tác, tiến hành giám sát trực tiếp Chính phủ, 11 bộ, ngành và 15 tỉnh đại diện cho các vùng, miền và mức độ thụ hưởng các chương trình. Tổ chức nhiều cuộc làm việc với các Bộ, ngành, Chính phủ; sử dụng tối đa kết quả kiểm toán, thanh tra và ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương.
Đoàn giám sát nhận định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành của Quốc hội và sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tình hình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) bước đầu đạt được một số kết quả tích cực, bám sát mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phạm vi, nguyên tắc trong Nghị quyết của Quốc hội; cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội vùng nông thôn, miền núi được cải thiện nhiều; công tác kiểm tra, giám sát liên ngành và riêng từng Chương trình được tăng cường.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày báo cáo kết quả của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Ban Chỉ đạo chung các CTMTQG đã kiện toàn theo Nghị quyết của Quốc hội thống nhất 01 Ban Chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương. Công tác lập kế hoạch và phân bổ vốn thực hiện các Chương trình đã được Chính phủ giao về các địa phương theo quy định của Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công. Thông qua hoạt động giám sát, sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ đã có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt là các bộ, ngành, địa phương về nhận thức, nhận diện đối với 3 CTMTQG, là cơ sở quan trọng để tiếp tục đổi mới một cách toàn diện theo tinh thần Nghị quyết của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội...
Qua giám sát cũng cho thấy, các cơ quan bộ, ngành liên quan còn hạn chế trong quản lý và tổ chức thực hiện các Chương trình, nhất là việc ban hành văn ản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền quản lý. Ban Chỉ đạo chung cho 3 CTMTQG các cấp tuy đã được kiện toàn, thành lập song cơ chế quản lý, chỉ đạo, lãnh đạo vẫn theo tính chất ngành dọc của từng cơ quan; hiệu quả phối hợp liên ngành (theo chiều ngang) chưa thật sự chuyển biến rõ nét, nhất là giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo và phối hợp giải quyết những công việc liên quan đến quản lý và tổ chức thực hiện 3 CTMTQG.
Còn có sự trùng lặp về địa bàn, hiện thực hiện cả 3 CTMTQG; Nguồn vốn bố trí chưa tương xứng so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra; Việc nắm bắt các vấn đề, hướng dẫn, hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình ở cơ sở (nhất là cấp xã, huyện nghèo) chưa kịp thời; Nhiều dự án, tiểu dự án chưa thực hiện hoặc chưa phát huy được hiệu quả; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, thu nhập, mức sống của người dân chưa đạt như mong đợi....
Báo cáo giám sát cũng phân tích nguyên nhân, nêu rõ trách nhiệm, bài học kinh nghiệm và đề ra các giải pháp, kiến nghị cụ thể với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành địa phương liên quan tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình này.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội tiếp tục thông tin.