TẠO SỰ ĐỒNG THUẬN CAO ĐỐI VỚI NHỮNG CHÍNH SÁCH CẦN XÂY DỰNG TRONG LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HĐND

18/10/2023

Tại Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập khẩn trương xây dựng Báo cáo tổng kết thi hành Luật để làm rõ những vấn đề trong thực tiễn, nhất là những khó khăn, vướng mắc, những bất cập, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, làm cơ sở vững chắc cho sự cần thiết xây dựng Luật và tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao đối với những chính sách cần xây dựng trong Luật.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG DỰ VÀ CHỈ ĐẠO PHIÊN HỌP LẦN THỨ NHẤT BAN CHỈ ĐẠO, TỔ BIÊN TẬP LẬP ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HĐND

PHIÊN HỌP THỨ NHẤT BAN CHỈ ĐẠO, TỔ BIÊN TẬP ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Toàn cảnh Phiên họp thứ nhất

Hoạt động giám sát thời gian qua còn hạn chế, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn và nguyện vọng của Nhân dân

Mới đây, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Trưởng Ban Chỉ đạo, Thường trực Hội đồng Dân tộc tổ chức Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Phát biểu chỉ đạo Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được ban hành ngày 20/11/2015, có hiệu lực thi hành từ 01/7/2016. Qua 07 năm tổ chức thi hành đến nay cho thấy, các quy định của Luật đã tạo cơ sở pháp lý khá đầy đủ và toàn diện phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, góp phần đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận thấy, qua hoạt động giám sát đã đưa ra nhiều kiến nghị đóng góp vào hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế chính sách và quản lý điều hành, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận thấy, hoạt động giám sát thời gian qua cũng còn những mặt hạn chế nhất định, chưa thực sự đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn và nguyện vọng của Nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dự và phát biểu chỉ đạo Phiên họp

Thứ nhất, một số hoạt động giám sát có nội dung chưa gắn kết chặt chẽ với hoạt động xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, địa phương;

Thứ hai, một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn, một số hoạt động đã được quy định nhưng chưa triển khai thực hiện hoặc thực hiện chưa hiệu quả;

Thứ ba, một số hoạt động đổi mới khác với quy định nhưng đã báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi triển khai và phát huy hiệu quả trong thực tiễn, cần được luật hóa (như việc “hỏi nhanh, đáp gọn” trong hoạt động chất vấn; việc Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch, đề cương giám sát của Đoàn giám sát của Quốc hội; việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề);

Thứ tư, chất lượng một số hoạt động giám sát chưa cao; nhiều nội dung nghị quyết, kết luận, kiến nghị còn chung chung, chưa có định lượng, mốc hoàn thành, chưa phân định rõ trách nhiệm người đứng đầu, dẫn đến khó theo dõi giám sát việc thực hiện, khó quy trách nhiệm, chưa bảo đảm việc giám sát đến cùng;

Thứ năm, việc xây dựng kế hoạch, chương trình và điều hòa hoạt động giám sát còn những hạn chế, ảnh hưởng nhất định đến hoạt động thường xuyên của các đối tượng chịu sự giám sát;

Thứ sáu, việc tổ chức hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội còn gặp khó khăn;

Thứ bảy, hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội chủ yếu theo chương trình giám sát của Đoàn, chưa có hoạt động giám sát riêng.

UBTVQH đề xuất lập đề nghị, bổ sung dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024

Trước tình hình trên, ngày 14/11/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 370/KH-UBTVQH15 triển khai thực hiện Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 ngày 03/8/2022 của Đảng đoàn Quốc hội về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; trong đó, xác định Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, xem xét đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và chủ trì soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, ngày 17 tháng 4 năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có kết luận (Thông báo số 2196/TB-TTKQH của Tổng Thư ký Quốc hội) về phương án phân công cơ quan giúp lập đề nghị, chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Theo đó, giao Hội đồng Dân tộc là cơ quan chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập đề nghị, bổ sung dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; đồng thời là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, còn Ủy ban Pháp luật của Quốc hội là cơ quan thẩm tra. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan tiến hành soạn thảo và thẩm tra dự án Luật này càng sớm càng tốt.

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương hoan nghênh Hội đồng Dân tộc đã rất nghiêm túc, khẩn trương, tích cực thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Với tinh thần trách nhiệm cao và cách làm khẩn trương, khoa học, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, đến nay Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập đã hoàn thành được các dự thảo văn bản: Tờ trình đề nghị xây dựng Luật; Báo cáo đánh giá tác động của chính sách; Đề cương chi tiết dự thảo Luật.

Đồng thời cho rằng, đây là sự cố gắng hết sức của Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập. Mặc dù Báo cáo tổng kết thi hành Luật chưa hoàn thiện nhưng đã xây dựng ngay Kế hoạch tổng kết việc thi hành Luật từ khi được ban hành đến nay (Kế hoạch số 1074/KH-BCĐ ngày 14/7/2023), kèm theo đề cương tổng kết để hướng dẫn, phối hợp với các cơ quan, Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan và Hội đồng nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội của các địa phương trong cả nước tổ chức tổng kết. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là vấn đề hết sức quan trọng, vì việc xây dựng các chính sách của Luật phải xuất phát và dựa trên cơ sở thực tiễn thi hành Luật, từ những khó khăn, vướng mắc, những bất cập, tồn tại, hạn chế và những yêu cầu của tình hình, thực tiễn đặt ra.

5 vấn đề cần lưu ý thực hiện tốt để đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, còn Ủy ban Pháp luật của Quốc hội là cơ quan thẩm tra. Đồng thời yêu cầu các cơ quan tiến hành soạn thảo và thẩm tra dự án Luật này càng sớm càng tốt.

Để việc lập đề nghị, bổ sung dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập lưu ý tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Một là, cần xác định rõ, đây là dự án Luật do Ủy ban Thường vụ Quốc hội trực tiếp chỉ đạo, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chủ trì soạn thảo, do vậy việc lập hồ sơ đề nghị phải thể hiện sự mẫu mực cả về chất lượng nội dung, hồ sơ, thủ tục và tiến độ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách đề xuất trong hồ sơ đề nghị phải đảm bảo cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn.

Từ đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ, chủ động sáng tạo, bám sát thực tiễn và sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tinh thần vừa hết sức khẩn trương để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, vừa phải hết sức thận trọng, những vấn đề đã rõ, đã chín thì đề xuất chính sách đưa vào, những vấn đề chưa rõ, chưa chín, chưa được thực tiễn kiểm nghiệm thì tiếp tục nghiên cứu.

Hai là, đề nghị khẩn trương xây dựng Báo cáo tổng kết thi hành Luật để làm rõ những vấn đề trong thực tiễn, nhất là những khó khăn, vướng mắc, những bất cập, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, làm cơ sở vững chắc cho sự cần thiết xây dựng Luật và tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao đối với những chính sách cần xây dựng trong Luật.

Theo đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị phải tập hợp đầy đủ các ý kiến của Chính phủ, ý kiến góp ý của Văn phòng Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bộ, ngành, địa phương liên quan trong quá trình tổng kết cũng như hoàn thiện Hồ sơ và giải trình đầy đủ các nội dung tham gia của các bên liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập khẩn trương xây dựng Báo cáo tổng kết thi hành Luật để làm rõ những vấn đề trong thực tiễn, nhất là những khó khăn, vướng mắc, những bất cập, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, làm cơ sở vững chắc cho sự cần thiết xây dựng Luật và tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao đối với những chính sách cần xây dựng trong Luật.

Ba là, đây là nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó, nhất là trong điều kiện của Hội đồng Dân tộc chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc chủ trì xây dựng một dự án Luật. Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập phải hết sức cầu thị, học hỏi kinh nghiệm của các Ủy ban, cơ quan của Quốc hội và các đơn vị chức năng có nhiều kinh nghiệm.

Đồng thời cần coi trọng việc tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học; sau mỗi cuộc họp, hội thảo phải rút ra được những gì có ích cho việc xây dựng Luật. “Tinh thần là luôn tôn trọng lắng nghe ý kiến góp ý, họp bàn, phân tích thật thẳng thắn nội dung nào giữ nguyên, nội dung nào chỉnh sửa, cái gì tiếp thu, cái gì không tiếp thu, lý giải rõ nguyên nhân vì sao, phải dựa trên cơ sở khách quan, dân chủ, chặt chẽ, không xuê xoa, nể nang, né tránh nhưng cũng không bảo thủ”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Thứ tư, để đảm bảo hiệu quả công tác, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị việc phối hợp, phân công nhiệm vụ cần hết sức hợp lý, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân, có tiến độ thời gian cụ thể, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các nội dung nhiệm vụ, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, nhất là việc phối hợp với các cơ quan tư pháp như Bộ Tư pháp, các Viện nghiên cứu, trường Đại học liên quan đến dự án Luật này.

Mặt khác, thực tiễn rút ra từ việc xây dựng các dự thảo Luật vừa qua cho thấy, phải kịp thời báo cáo, xin ý kiến Lãnh đạo Quốc hội, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để có sự chỉ đạo kịp thời.

Thứ năm, đề nghị các thành viên trong Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập là lãnh đạo, cán bộ các đơn vị, địa phương cần phát huy tinh thần trách nhiệm, bố trí công việc hợp lý để tích cực tham gia đóng góp công sức, trí tuệ và kinh nghiệm của mình trong việc lập đề nghị xây dựng dự án Luật. Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đây là trách nhiệm được giao, nhưng đồng thời cũng là sự tin tưởng, tín nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói chung và Hội đồng Dân tộc nói riêng./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác