Hội đồng Dân tộc họp phiên toàn thể lần thứ 11

15/05/2015

Ngày 15/5, phiên họp toàn thể của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã khai mạc tại Nhà Quốc hội. Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước chủ trì phiên họp.

Tại phiên họp này, các đại biểu sẽ nghe báo cáo của Ủy ban Dân tộc đánh giá tình hình dân tộc, công tác dân tộc 04 tháng đầu năm 2015 và kế hoạch trung hạn 2016 - 2020; xem xét báo cáo hoạt động của Hội đồng Dân tộc từ kỳ họp thứ tám đến kỳ họp thứ chín của Quốc hội khóa XIII; thảo luận và phối hợp thẩm tra nhiều dự án luật sẽ được Quốc hội cho ý kiện và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9 tới đây như dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam (sửa đổi), Bộ luật hình sự (sửa đổi), Luật ban hành văn bản pháp luật,…

Báo cáo của Ủy ban Dân tộc cho biết: Năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, công tác dân tộc, chính sách dân tộc và vùng dân tộc thiểu số đã được Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành quan tâm và tập trung chỉ đạo thực hiện.

Tuy nhiên, trong năm 2015 một số chính sách dân tộc hết hiệu lực nhưng mục tiêu chưa hoàn thành, đối tượng thụ hưởng còn lớn; vốn cấp năm 2015 chỉ đạt 32%.

Một trong những nguyên nhân khiến cho hiệu quả thực hiện các chính sách dân tộc chưa cao được là do nội dung một số chính sách còn trùng lắp về địa bàn và đối tượng thụ hưởng, mục tiêu của chính sách lớn nhưng thời hạn thực hiện ngắn và nguồn lực không đảm bảo;

Cơ chế thực hiện chính sách còn bất cập; sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong xây dựng chính sách và phân bổ nguồn lực chưa chặt chẽ.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước chỉ ra hạn chế hiện nay là có quá nhiều các chính sách về dân tộc và công tác dân tộc. Nhiều chính sách có nội dung trùng nhau, một số chính sách nội dung khác nhau nhưng lại có mức chi giống nhau và một số nội dung chỉ nhằm mục đích giải ngân. Do đó các bộ, ngành cần phải rà soát tổng thể các chính sách dân tộc, phân định rõ các chính sách vùng và chính sách dân tộc.

Qua đánh giá thực tiễn, Ủy viên Hội đồng Dân tộc Chu Lê Chinh chỉ ra 3 nội dung trong các chính sách dân tộc được thực hiện tương đối tốt là chính sách đại đoàn kết dân tộc, niềm tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước, giữ chủ quyền biên giới quốc gia và môi trường rừng.

Bên cạnh đó, nội dung về bảo đảm đời sống kinh tế của đồng bào và công tác cán bộ vẫn còn chậm chuyển biến. Đại biểu kiến nghị Ủy ban Dân tộc cần nghiên cứu ban hành Luật dân tộc; tiếp tục quy hoạch, đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số; sớm khắc phục những hạn chế  của các chính sách dân tộc hiện hành để giai đoạn 5 năm tới chính sách dân tộc được tinh gọn, hiệu quả; quá trình thực hiện các chính sách cần lưu ý giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Thảo luận về nội dung kế hoạch xây dựng chính sách giai đoạn 2016 - 2020, Ủy viên thường trực Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng nhiều nội dung trong kế hoạch xây dựng ngân sách trung hạn 5 năm giai đoạn 2016 – 2020 còn trùng lắp và chưa phù hợp. Do đó, cần phải xem xét xây dựng chính sách mới và bố trí nguồn lực đối với những nội dung thật cần thiết và phù hợp.

Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu đề nghị cần có những chương trình tổng thể mà không nên đi vào chi tiết những tiểu dự án để có được chính sách dân tộc tập trung, chống dàn trải.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị Ủy ban Dân tộc cần phối hợp rà soát tổng thể các cơ chế, chính sách dân tộc hiện có; làm rõ mối quan hệ giữa Ủy ban Dân tộc với các cơ quan chủ trì triển khai các chính sách về dân tộc và mối quan hệ giữa các Bộ, ngành trong triển khai thực hiện.

Trong xây dựng chính sách cần nghiên cứu những chính sách tác động để đồng bào các dân tộc tự mình vươn lên, thúc đẩy nguồn lực nội sinh trong đồng bào, nâng cao dân trí đồng bào; chú trọng công tác cán bộ dân tộc thiểu số…

Dự kiến phiên họp sẽ diễn ra đến 19/5.

Tin và ảnh: Bảo Yến