Phiên giải trình của Hội đồng dân tộc về tình hình thực hiện Nghị định 116/2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong LLVT công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn

13/01/2017

Sáng 13/1, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng dân tộc tổ chức phiên giải trình về tình hình thực hiện Nghị định 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến chủ trì phiên giải trình. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban dân tộc phối hợp giải trình. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban dân tộc phối hợp giải trình.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến chủ trì phiên giải trình       Ảnh: Đình Nam

Tại Phiên giải trình, các đại biểu cho ý kiến về những vấn đề được quan tâm như: việc quy định các tiêu chí xác định xã đặc biệt khó khăn, xác định phạm vi, địa bàn, đối tượng được thụ hưởng chính sách chưa thống nhất, còn chồng chéo; việc chỉ đạo, hướng dẫn các văn bản còn lúng túng và chậm; hiệu quả chính sách chưa tương xứng so với nguồn lực ngân sách đã triển khai thực hiện; việc phối hợp chưa đồng bộ giữa các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương trong quá trình thực hiện; công tác tuyên truyền chính sách chưa hiệu quả; công tác kiểm tra, giám sát, tổng kết đánh giá kết quả chưa thường xuyên, chậm và thiếu thống nhất trong xử lý các bất cập, sai phạm.

Việc hướng dẫn thực hiện trợ cấp lần đầu và trợ cấp chuyển vùng còn chưa rõ ràng

Theo báo cáo của Bộ nội vụ về tình hình triển khai thực hiện Nghị định 116/2010/NĐ-CP, trong giai đoạn 5 năm từ 2011-2015, tổng số đối tượng được hưởng chính sách theo Nghị định 116 là 1.616.326 lượt người, tổng mức kinh phí thực hiện chi trả là 24.817.058 triệu đồng.

Trong đó, trợ cấp lần đầu và trợ cấp chuyển vùng đối với cán bộ, công chức, viên chức đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn từ 3 năm trở lên đối với nữ và từ 5 năm trở lên đối với nam được hưởng trợ cấp như sau: trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở; trường hợp có gia đình chuyển đi theo thì ngoài trợ cấp lần đầu, còn được trợ cấp tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên trong gia đình cùng đi và hưởng trợ cấp chuyển vùng bằng 12 tháng lương cơ sở cho hộ gia đình; và chỉ thực hiện một lần mức trợ cấp nêu trên trong cả thời gian công tác ở vùng.

Đại biểu Tống Thanh Bình - Lai Châu phát biểu

Về vấn đề này, đại biểu Tống Thanh Bình – Lai Châu cho rằng, việc hướng dẫn thực hiện trợ cấp lần đầu và trợ cấp chuyển vùng còn chung chung, không nêu rõ ràng về điều kiện được hưởng, dẫn đến một số địa phương hiểu, áp dụng và xác định đối tượng được hưởng chưa đồng nhất, chưa chính xác. Với điều kiện xác định hưởng trợ cấp từ 3 năm trở lên với nữ và 5 năm trở lên với nam, trong quá trình triển khai thực hiện cho thấy, Nghị định chưa hướng dẫn chi tiết, khi đối tượng mới chuyển từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn thì tiếp tục hưởng luôn trợ cấp hay phải hết thời hạn trên mới được hưởng trợ cấp. Nếu các đối tượng này được hưởng trợ cấp lần đầu thì có phải làm bản cam kết công tác với thời hạn như Nghị định đã quy định hay không. Đại biểu nhận thấy, khi đối tượng mới đến công tác tại vùng khó khăn, còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất và tinh thần, vì vậy nên được hưởng luôn trợ cấp từ lúc đó.

Cùng chung nhận định, đại biểu Bùi Sỹ Lợi – Thanh Hóa đề nghị Bộ Tài chính làm rõ, tại sao ban hành Nghị định hướng dẫn mà không giám sát được thực tế có nơi cán bộ được hưởng lương vượt chính sách. Có nơi, cán bộ đến được hưởng trợ cấp ngay, nơi thì nữ sau 3 năm, nam sau 5 năm. Chức năng hướng dẫn của Bộ đã thực hiện như thế nào?

Chịu trách nhiệm giải trình, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nêu rõ: Việc thanh toán tiền trợ cấp lúc nào, trả ngay hay sau 3 năm 5 năm, đây là 1 bất cập trong việc hướng dẫn của nghị định 116 và thông tư 08 (Chính phủ đã ban hành thông tư 08 để hướng dẫn thực hiện Nghị định 116). Cả hai đều không có quy định về thời điểm thanh toán nên có địa phương trả ngay 1 lần sau khi cán bộ chuyển đến, có địa phương để 3 năm, 5 năm sau mới thanh toán. Việc này không thống nhất, cần xử lý cho phù hợp. Thông tư 08 hướng dẫn thực hiện Nghị định 116, nên trước mắt có thể sửa Thông tư 08, thống nhất trả trợ cấp lúc nào. Không nhất thiết phải sửa Nghị định vì sửa Thông tư sẽ dễ dàng hơn.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân chịu trách nhiệm giải trình

Còn chồng chéo trong chính sách hỗ trợ cán bộ

Tại phiên giải trình, nhiều đại biểu quan tâm tới vấn đề chồng chéo trong chính sách hỗ trợ cán bộ công tác tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Bạc Liêu nêu rõ, song hành cùng Nghị định 116 còn có 2 Nghị định liên quan bao gồm: Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và Nghị định số 64/2009/NĐ-CP ngày 30/7/2009 về chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Vậy tại sao khi Nghị định 116 ra đời không gộp lại 2 Nghị định kia mà trong quá trình thực hiện cùng tồn tại 3 Nghị định dẫn đến sự bất cập về đối tượng và địa bàn chưa đồng bộ gây ra sự thiếu công bằng cho các đối tượng. Trên thực tế, có những đối tượng hưởng trùng lắp 3 chính sách, có những đối tượng chưa được hưởng trợ cấp nào. Đại biểu cũng đặt câu hỏi, khi sửa Nghị định này, vẫn để tồn tại 3 Nghị định hay chỉ thống nhất tại 1 Nghị định?

Giải trình về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ nội vụ Lê Vĩnh Tân thừa nhận, trong quá trình xây dựng Nghị định, Bộ Nội vụ đã lấy ý kiến các bộ ngành và địa phương; nhưng chưa rà soát các chính sách trước đây nên còn tồn tại sự chồng chéo. Các vùng có điều kiện khó khăn ngoài chính sách 116 thì còn rất nhiều chính sách đã được thực hiện.

Do đó, cần có đánh giá cụ thể về việc triển khai thực hiện chính sách 116, bởi có vùng chỉ thực hiện 1 chính sách 116, nhưng có vùng thực hiện cả chính sách 116 và các chính sách ưu đãi trước đó; có trường hợp mới chuyển đến vùng đặc biệt khó khăn đã được hưởng chính sách 116, có trường hợp phải sau 3 năm với nữ hoặc 5 năm với nam mới được hưởng; có trường hợp mới được hưởng chính sách 116 đã chuyển đi khỏi vùng đặc biệt khó khăn; có trường hợp chuyển đến vùng khó khăn để hưởng hỗ trợ, sau đó lại chuyển sang vùng khó khăn khác để tiếp tục nhận hỗ trợ; do thiếu hướng dẫn rõ ràng nên có địa phương chi nhầm...Những bất cập ấy dẫn tới việc thất thoát ngân sách nhà nước.

Từ đó, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị các Bộ, ngành liên quan cần có tổng kết nghiêm túc về việc thực hiện các nghị định liên quan tới chính sách ưu đãi ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, tổng hợp lại thành một chính sách, quy định rõ từng đối tượng được hưởng, có chế tài cụ thể để xử lý sai phạm.

Thu hồi số tiền chi sai như thế nào

Về vấn đề có sự trùng lặp về đối tượng, chính sách trên địa bàn, dẫn đến chi sai, gây thất thoát ngân sách, đại biểu Quàng Văn Hương - Sơn La, đại biểu Phương Thị Thanh - Bắn Kạn cùng chung quan điểm: tổng số kinh phí chi trả cho việc trùng lặp này trong 5 năm là bao nhiêu, số chi trả không đúng thì thu hồi như thế nào? Phải giải quyết thế nào với các trường hợp hiện nay chưa được hưởng để đảm bảo công bằng. Trách nhiệm của các Bộ ngành như thế nào trong việc hướng dẫn không đúng dẫn đến hậu quả này?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, việc xác định ai chi sai, chi sai bao nhiêu là rất khó, bởi ở đây còn có sự chồng chéo giữa các Nghị định. Bộ Nội vụ nhận sai trong việc kiểm tra tổ chức thực hiện và công tác hướng dẫn chưa được sát sao trong thời gian qua. Bộ sẽ chịu trách nhiệm bằng cách giúp Chính phủ sửa đổi, bổ sung xây dựng Nghị định mới để khắc phục những tồn tại nêu trên.

Tuy nhiên, những vấn đề chi sai sẽ có giải pháp thống kê chi tiết. Bộ Nội vụ đề nghị các bộ ngành có liên quan cũng như các địa phương có báo cáo đầy đủ. Bên cạnh đó, cần tổng kết 5 năm thực hiện, nêu ra những vấn đề còn tồn tại. Từ đó có cách điều chỉnh rõ ràng cho từng vấn đề để điều chỉnh cho hợp lý.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh, phiên giải trình đã góp phần đánh giá, làm rõ thêm kết quả đạt được, những tồn tại, bất cập; đề ra những giải pháp khắc phục triệt để, không chỉ vì mục đích bổ sung hoàn thiện chính sách mà còn hướng tới mục tiêu con người, đảm bảo sự công bằng trong chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đối tượng công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị Chính phủ tổng kết toàn diện, nghiêm túc việc triển khai thực hiện Nghị định 116 và các Nghị định liên quan, đánh giá tác động toàn diện về kinh tế, xã hội trong quá trình thực hiện trong 5 năm qua. Trên cơ sở tổng kết, xây dựng một Nghị định mới thay thế Nghị định 116, quy định rõ tiêu chí xác định vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đối tượng thụ hưởng chính sách, chính sách phụ cấp, các mức phụ cấp, trợ cấp cụ thể...Trước mắt, từng Bộ ngành trên cơ sở chức năng của mình cần hướng dẫn kịp thời cho các địa phương tiếp tục thực hiện Nghị định 116.

Vân Ngọc