Tham dự Hội thảo có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, Thường trực Hội đồng dân tộc, các đại biểu đại diện một số Ủy ban của Quốc hội, bộ, ngành Trung ương; các tỉnh miền núi, vùng cao cả nước.
Hội thảo về phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nêu rõ, việc phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao được thực hiện từ năm 1993 và phân định vùng dân tộc và miền núi theo trình độ phát triển được thực hiện từ năm 1996 đến nay. Từ hai hình thức phân định này, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương đã áp dụng vào việc xây dựng, triển khai những cơ chế, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, có hiệu quả, giải quyết các khó khăn đặc thù cho các địa bàn này, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số, miền núi với các vùng miền khác trên cả nước.
Tuy nhiên, hai hình thức phân định trên cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Đơn cử, việc phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao được triển khai thực hiện 24 năm, nhưng chưa được tổng kết, đánh giá về tính phù hợp và những nội dung, tiêu chí cần bổ sung, sửa đổi. Việc thực hiện phân định có sự bất hợp lý, chưa đúng với quy luật và mục tiêu ưu tiên, đầu tư hỗ trợ nguồn lực của nhà nước vào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Cụ thể, nhìn vào số lượng khu vực 3, thôn, bản đặc biệt khó khăn - các đơn vị thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 không giảm hàng năm, mà ngày càng tăng lên. Hầu như ở địa phương nào cũng có tâm lý không muốn thoát khỏi diện thụ hưởng của Chương trình 135 do Nhà nước đầu tư, ngân sách Trung ương hỗ trợ.
Kết quả phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao; phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển chưa được quán triệt; chỉ đạo một cách thống nhất bằng một văn bản có hiệu lực pháp luật cao, trở thành các căn cứ, yêu cầu để các bộ, ngành, địa phương thực hiện, xây dựng các định mức cấp phát, phân bổ ngân sách, áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trên địa bàn cấp xã đang tồn tại nhiều cách phân loại, phân định, đánh giá đơn vị hành chính. Mỗi bộ chủ quản đều đưa ra một số tiêu chí chung, nhưng mục đích kết quả phân loại, phân định lại khác nhau, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện, gây thất thoát ngân sách, thắc mắc giữa các đối tượng, địa bàn trong vùng.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý tập trung thảo luận, làm rõ tính khoa học, mức độ phù hợp của các tiêu chí phân định; đánh giá kết quả phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao, giai đoạn 1993 - 2015; phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển, giai đoạn 2005 - 2015; tác động, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; đề xuất khả năng, lựa chọn cách tiếp cận phù hợp về phân định đơn vị hành chính xã, huyện, tỉnh miền núi, vùng cao; phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển. Đồng thời, phân tích, làm rõ những khó khăn, bất cập, làm cơ sở cho việc cơ cấu lại các chính sách miền núi, dân tộc và kiến nghị, đề xuất những việc cần triển khai liên quan đến phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao trong giai đoạn tiếp theo.