Qua thực tiễn triển khai chính sách pháp luật về trợ giúp pháp lý tại tỉnh Cao Bằng và Hà Giang theo Luật trợ giúp pháp lý nói chung và Quyết định 32/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nói riêng trong thời gian qua đã khẳng định được tính đúng đắn trong chủ trương của Đảng và Nhà nước về xóa đói giảm nghèo, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, thể hiện tính ưu việt của pháp luật xã hội chủ nghĩa. Việc thực hiện Quyết định 32/2016/QĐ-TTg giúp cho việc tham gia tố tụng của các trợ giúp pháp lý viên và các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết công việc một cách chính xác, khách quan, công bằng và đúng pháp luật, góp phần tích cực thực hiện cải cách tư pháp, mở rộng điều kiện để thực hiện nguyên tắc tranh tụng trước tòa.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Quyết định 32/2016/QĐ-TTg vẫn còn những khó khăn, bất cập như kinh phí hỗ trợ cho viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước còn thấp, số lượng được đào tạo còn hạn chế. Đối với các tỉnh có số lượng người dân tộc thiểu số đông như Cao Bằng, Hà Giang, đội ngũ thực hiện trợ giúp pháp lý đa phần không biết tiếng dân tộc, dẫn đến hạn chế chất lượng vụ việc. Công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý còn chưa hiệu quả, một bộ phận đồng bào chưa biết đến quyền trợ giúp pháp lý của bản thân...
Qua cuộc khảo sát, đồng chí Cao Thị Xuân - Phó Chủ tịch HĐDT đánh giá cao việc chuẩn bị nội dung, thành phần làm việc, thể hiện trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Cao Bằng và Hà Giang đến công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Ủy ban nhân dân các tỉnh đã triển khai thực hiện Quyết định 32/2016/QĐ-TTg bài bản, nghiêm túc, có kế hoạch cụ thể cho từng công việc. Về những kiến nghị, đề xuất của của hai tỉnh, Đoàn khảo sát đã tiếp thu để kiến nghị với Chính phủ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình hiện nay. Đoàn khảo sát cũng đề nghị các tỉnh khắc phục những khó khăn, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, năng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của Trung tập Trợ giúp pháp lý để Luật Trợ giúp pháp lý 2017 thực sự đi vào cuộc sống của nhân dân.