XÁC ĐỊNH RÕ MỤC TIÊU TRỌNG TÂM ĐỂ PHÁT TRIỂN VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

18/06/2019

Ngày 17/6 tại Thành phố Thái Nguyên, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức hội thảo góp ý báo cáo đánh giá việc thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2011 -2020 và mục tiêu nhiệm vụ của giai đoạn 2021-2030, kế hoạch 5 năm 2021-2025. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến chủ trì Hội thảo.

Hội thảo góp ý báo cáo đánh giá việc thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2011 -2020 và mục tiêu nhiệm vụ của giai đoạn 2021-2030, kế hoạch 5 năm 2021-2025

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao những nội dung được đưa ra trong dự thảo báo cáo đánh giá việc thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2020 và mục tiêu nhiệm vụ cũng như các kiến nghị cho chính sách dân tộc trong giai đoạn tới. Tuy nhiên nhiều đại biểu cho rằng cần phải xác định rõ định hướng phát triển vùng dân tộc miền núi, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của vùng này để xác định ưu tiên phát triển.

Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng đã đến lúc cần thay đổi tư duy, không phải cứ miền xuôi có gì là khu vực dân tộc thiểu số miền núi có cái đó mà cần phải xem liệu có phù hợp với đặc điểm địa hình miền núi vùng đó hay không và đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số ông Kiên cho rằng cần phải ưu tiên bảo vệ biên giới bảo tồn văn hoá dân tộc và phát triển kinh tế du lịch gắn với bảo tồn văn hoá vì vậy việc đánh giá hoàn thiện nhiệm vụ của tổ chức Đảng cũng không phải chỉ có nhiệm vụ phát triển kinh tế vì nếu thế các địa phương này sẽ chú trọng phát triển công nghiệp mà không quan tâm việc bảo vệ môi trường rừng.

Đồng quan điểm về vấn đề này Gs.TS Phạm Hồng Quang - Giám đốc Đại học Thái Nguyên cũng cho rằng có những vùng giữ rừng sẽ tốt hơn là phát triển công nghiệp, vấn đề phên dậu an ninh quốc phòng còn tuỳ thuộc vào sức mạnh quân sự của quốc gia nhưng chắc chắn vấn đề an ninh nguồn nước và biến đổi khí hậu thì vùng miền núi phía Bác có vai trò quan trọng nên ông cũng mong rằng cần có các nghiên cứu chiến lược  để xác định trọng tâm phát triển của từng vùng.

Một số đại biểu cho rằng việc thực hiện chính sách thời gian qua còn rất nhiều bất cập giữa mục tiêu và tình hình thực hiện chính sách dân tộc, nếu không tập trung nguồn lực thì khoảng cách giữa đồng bào dân tộc thiểu số miền núi sẽ ngày càng kéo dãn ra. Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế thì cần phải có sự phân định vùng dân tộc thiểu số khoa học hơn, thu hẹp vùng này để tập trung đầu tư. Về nội dung này, TS Nguyễn Hải Hữu  - Nguyên Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phân tích rằng trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế nhưng hiện nay có đến hơn 5000 xã khó khăn thì không thể tập trung đầu tư được. Vì vậy cần phải tập trung đầu tư vào các xã dân tộc thiểu số miền núi chứ không phải cho chính sách dân tộc nói chung.

Trong điều kiện thực tế hiện nay là đồng bào dân tộc thiểu số ít được tham gia vào quyết định chính sách dân tộc trong khi nhận thức nhận thức của cả hệ thống chính trị đối với đồng bào dân tộc và tầm quan trọng của chính sách dân tộc còn hạn chế. Các cấp, ngành cần hiểu rõ đặc điểm của từng dân tộc để có những chính sách cụ thể chứ không áp dụng các chính sách giống nhau cho các dân tộc khác nhau, chỉ khi hiểu được từng dân tộc với các đặc thù văn hoá xã hội riêng biệt thì mới có sự đầu tư nguồn lực hợp lý. Việc bố trí nguồn lực cũng phải linh hoạt hơn, tạo điều kiện để các địa phương chủ động lồng ghép chứ với cơ chế như hiện nay việc đầu tư manh mún, không hiệu quả. Nhiều đại biểu cũng cho rằng mặc dù chủ trương của Đảng là ban hành các chính sách dân tộc nhằm phát triển toàn diện nhưng thời gian vừa qua chủ yếu là chính sách hỗ trợ do nhiều bộ ngành thực hiện nên chỉ mang tính ngắn hạn, giải quyết tình thế, trám vào chỗ trống chứ chưa có chiến lược lâu dài cho từng vùng, từng dân tộc và chính sách chung. 

Phát biểu kết luận hội nghị, Ông Hà Ngọc Chiến thống nhất với những nội dung bất cập mà các đại biểu đã nêu và cho rằng đây là những hạn chế cần được làm sâu sắc trong báo cáo. Mặc dù chủ trương, đường lối của Đảng trong công tác dân tộc rất được chú trọng và rõ ràng nhưng  trong quá trình thực hiện, nhận thức của hệ thống chính trị trên một số lĩnh vực dân tộc còn hạn chế, có cả nguyên nhân từ chính nhận thức của đồng bào dân tộc nên dẫn đến đầu tư chưa đúng với nhu cầu và đặc điểm văn hoá của đồng bào dân tộc. Đồng thời cũng cần phân định vùng dân tôc thiểu số một cách khoa học, làm sao để vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn thu hẹp hơn, tập trung nguồn lực đầu tư có hiệu quả. 

Ông Hà Ngọc Chiến cũng cho rằng những ý kiến phân tích về những tồn tại bất cập trong chính sách dân tộc đóng góp vào hội thảo là rất quan trọng và chính vì những khó khăn như vậy nên thời gian tới chính sách dân tộc cần có sát thực tế hơn trong đó xác định mục tiêu là rút ngắn khoảng cách phát triển cũng như thu nhập bình quân giữa đồng bào dân tộc, miền núi và miền xuôi với những chỉ tiêu cụ thể chứ khu vực miền núi không thể tiến kịp miền xuôi. Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng công tác đào tạo, có chiến lược bố trí lại dân cư để đầu tư hạ tầng, đổi mới tư duy về công tác dân tộc; phải có những giải pháp đột phá với các cơ chế đặc thù, phát huy tính sáng tạo của người dân cũng là những nội dung cần được thực hiện trong thời gian tới. Về mặc lập pháp, cần làm rõ việc quốc hội quyết định chính sách dân tộc. Gắn việc thực hiện chính sách dân tộc với các chiến lược phát triển vùng và quan tâm bảo tồn văn hoá các dân tộc.

Phan Xanh - Sỹ Cường