ĐOÀN CÔNG TÁC HỘI ĐỒNG DÂN TỘC KHẢO SÁT, THĂM VÀ TẶNG QUÀ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC Ơ ĐU

26/06/2019

Sau Hội thảo đánh giá tình hình thực hiện chính sách pháp luật phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc rất ít người, sáng ngày 25/6, Đoàn công tác Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến chủ trì khảo sát, thăm và tặng quà tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, địa bàn có 101/103 hộ là người dân tộc Ơ Đu, là dân tộc thiểu số ít người nhất trong 54 dân tộc ở Việt Nam.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cùng Đoàn công tác gặp gỡ, trao đổi với đồng bào dân tộc Ơ Đu

Trước đây người Ơ Đu sinh sống ở hai bên bờ sông Nậm Nơn, Nậm Mộ nhưng khi xây dựng thuỷ điện Bản Vẽ, một số gia đình đã chuyển sang bản Tái định cư Văng Môn, xã Nga My. Qua khảo sát và báo cáo của Bản Văn Môn cho thấy đời sống của đồng bào dân tộc Ơ Đu vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 53,3%, thu nhập bình quân của các hộ khoảng 600-700 nghìn/tháng. Hiện nay đã có khoảng 20 người dân Ơ Đu tốt nghiệp đại học cao đẳng nhưng chỉ mới bố trí được việc làm cho 8 người.

Người Ơ Đu sử dụng tiếng Thái, tiếng Khơ Mú và tiếng Việt, còn tiếng Ơ Đu thì đang bị mai một dần, hiện nay chỉ có ông Lo Thanh Bình (71 tuổi) là còn có thể nói được nhiều tiếng Ơ Đu. Do những người còn lại chỉ biết rất ít nên ông Bình không sử dụng do đó cũng đang dần quên nhiều từ.

Ông Lo Văn Tình, Bí thư Chi bộ thôn Văng Môn - xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cho biết dự kiến sắp tới đây thực hiện chủ trương về việc phát triển dân tộc Ơ Đu, sau khi khảo sát ở vùng đồng bào dân tộc Ơ Đu sống ở Lào hiện còn sử dụng tiếng Ơ Đu thường xuyên, thôn đã đề xuất chương trình bảo tồn tiếng nói, theo đó có thể mời người Ơ Đu cư trú ở Lào sang dạy ngôn ngữ hoặc là cử một số người sang Lào để học tiếng Ơ Đu sau đó về dạy cho đồng bào nhằm bảo tồn bản sắc văn hoá của người Ơ Đu một cách bền vững hơn. Đây cũng là mong muốn của nhiều người dân tại thôn Văng Môn và đặc biệt cũng là các cấp lãnh đạo, cấp uỷ Đảng và Chính quyền các cấp ở huyện Tương Dương.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến tặng quà các già làng, trưởng bản, người có uy tín ở bản Văn Môn

Phát biểu tại buổi khảo sát, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đánh giá cao những cố gắng của bà con ở bản Văng Môn, đặc biệt là trong việc tạo điều kiện cho các cháu được đến trường và học tập lên các cấp học, không có hôn nhân cận huyết, nhiều nét văn hoá đặc sắc được gìn giữ và phát huy. Tuy nhiên ông Hà Ngọc Chiến cũng bày tỏ lo lắng rằng nếu không bảo tồn ngôn ngữ tiếng Ơ Đu thì tiếng nói của đồng bào có thể hoàn toàn biến mất. Đề nghị các cấp chính quyền ở địa phương nghiên cứu phương án để bảo tồn tiếng nói Ơ Đu, bởi ngôn ngữ và văn hoá thể hiện nét riêng của dân tộc. Ông Chiến nhấn mạnh, văn hoá còn thì dân tộc còn, đồng bào dân tộc cần gìn giữ những nếp sống, truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc mình, đồng thời đấu tranh bài trừ các phong tục tập quán lạc hậu; phải luôn có sự giao lưu tiếp nhận văn hoá tiên tiến của các dân tộc khác làm giàu nền văn hoá của dân tộc mình.

Ông Hà Ngọc Chiến cũng cho biết sẽ có đề nghị với Chính phủ với Đảng, nhà nước tiếp tục có quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người nói chung và đồng bào dân tộc Ơ Đu nói riêng,  khi xây dựng Đề án tổng thể phát triển vùng đồng bào Dân tộc thiểu số miền núi sẽ thống nhất đề cập tới vấn đề là: với một số dân tộc thiểu số rất ít người và một số dân tộc trên 10 ngàn người nhưng có khó khăn đặc thù thì cần phải có chính sách phù hợp, tạo điều kiện gìn giữ văn hoá dân tộc để hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, ông Hà Ngọc Chiến cùng Đoàn công tác đã trao các phần quà của Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; của Uỷ ban Dân tộc và đại diện các cơ quan, doanh nghiệp cho các hộ gia đình tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương Dương, tỉnh Nghệ An./.

Phan Xanh