Toàn cảnh Hội thảo
Đoàn Chủ tịch gồm có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm; Ủy viên Trung ương Đảng, PGS.TS Phạm Tất Thắng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; TS.Trần Văn Túy - nguyên Trưởng Ban Công tác đại biểu; nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry; Viện trưởng Viện Kinh tế, Văn hóa, TS.Nguyễn Quốc Hưng.
Tham dự Hội thảo, về phía đại diện các cơ quan Quốc hội có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry, Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban Xã hội, đại diện Ủy ban Kinh tế, đại diện Văn phòng Quốc hội, các đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ.
Về phía đại diện các bộ, ngành có: Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ Hoàng Thị Hạnh; Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo; Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh; đại diện lãnh đạo các tỉnh chiến khu Việt Bắc; Giám đốc các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Phú Thọ, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh; các nhà khoa học, các chuyên gia du lịch, các Hiệp hội và doanh nghiệp du lịch...
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định Việt Nam có 7 vùng du lịch, trong đó chiến khu Việt Bắc là khu vực gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang. Với bề dày truyền thống lịch sử cách mạng hào hung, chiến khu Việt Bắc lưu giữ hệ thống hơn 1000 di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng, cùng các di tích cách mạng với các địa danh gắn liền với lịch sử của Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, có giá trị ý nghĩa sâu sắc về nhiều mặt.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, các giá trị văn hóa đặc sắc trong đời sống, văn hóa, tín ngưỡng chiến khu Việt Bắc khiến khu vực này càng thêm hấp dẫn. Đồng thời nhấn mạnh, những giá trị đặc sắc đó đang được thế hệ sau bảo tồn, gìn giữ phát huy và ngày càng đóng vai trò, chiếm vị thế quan trọng trong đời sống văn hóa xã hội đặc biệt, đối với ngành du lịch thì những giá trị này đã và đang trở thành một nguồn lực to lớn để khai thác phát triển du lịch, đóng góp vào công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, từ đó phát triển kinh tế - xã hội đồng bào các dân tộc miền núi tại các tỉnh chiến khu Việt Bắc.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc Hội thảo.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ, Hội thảo nhằm kêu gọi trí tuệ để đại diện các bộ, ngành, đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, chuyên gia, các đơn vị, tổ chức liên quan đóng góp sáng kiến, ý tưởng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng chiến khu Việt Bắc để phát triển du lịch nói riêng và bào tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số nói chung, góp phần thực hiện có hiệu quả nội dung Dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia “phát triển kinh tế - xã hội đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi” tại các tỉnh chiến khu Việt Bắc.
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho biết, trong những năm quam du lịch 6 tỉnh chiến khu Việt Bắc đã đạt được những kết quả khả quan, tốc độ tăng trưởng khá cao cùng với sự hinh thành một số địa bàn du lịch trọng điểm, đóng góp nhất định vào sự phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng cũng như phát triển chung của cá nước. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry chỉ rõ, du lịch vùng chiến khu Việt Bắc thời gian qua phát triển chủ yếu dựa vào việc khai thác các tài nguyên du lịch sẵn có của mỗi địa phương, việc thu hút vốn đầu tư chủ yếu dựa vào phát triển hệ thống cơ sở lưu trú và ăn uống. Các sản phẩm du lịch chưa được đầu tư nhiều, nên còn khá đơn điệu và trùng lặp ở nhiều địa phương, thiếu dịch vụ bổ sung; công tác liên kết hợp tác, xúc tiến quảng bá và đào tạo nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế, chưa hiệu quả.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho rằng, muốn liên kết, hợp tác có hiệu quả trong phát triển du lịch vùng chiến khu Việt Bắc, trước hết việc liên kết, hợp tác giữa các tỉnh trong nội vùng có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Việc liên kết, hợp tác này trước hết nhằm phát huy được các lợi thế so sánh của mỗi địa phương về tiềm năng và các nguồn lực phát triển du lịch, đồng thời bổ sung khắc phục cho nhau những hạn chế, tồn tại… Thông qua việc liên kết, hợp tác sẽ làm phong phú và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, có chất lượng cao cho toàn vùng. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry đã đề xuất một số định hướng cho hoạt động liên kết phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng vùng chiến khu trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho rằng, muốn liên kết, hợp tác có hiệu quả trong phát triển du lịch vùng chiến khu Việt Bắc, trước hết việc liên kết, hợp tác giữa các tỉnh trong nội vùng có ý nghĩa quan trọng hàng đầu.
Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi thảo luận vào 2 nội dung chính:
Một là, thống nhất các quan điểm, nội hàm về liên kết phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, cách mạng, chỉ ra được những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đồng thời đề xuất các chính sách và giải pháp phù hợp để thể chế hóa chủ trương và pháp luật của Đảng và Nhà nước nhằm khai thác và phát huy tối ưu tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy liên kết phát triển du lịch gắn với phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, cách mạng, đóng góp tích cực cho bảo tồn.
Hai là, chia sẻ kinh nghiệm, thành công của một số mô hình liên kết phát triển du lịch trong nước và quốc tế, đúc rút bài học kinh nghiệm cho liên kết phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử chiến khu Việt Bắc. Đồng thời tập trung vào vấn đề đang thu hút sự quan tâm rất lớn hiện nay của ngành du lịch và các địa phương vùng chiến khu Việt Bắc là liên kết, khôi phục du lịch sau tác động của dại dịch Covid-19 với các chính sách tháo gỡ khó khăn cũng như định hướng liên kết phát triển sao cho hiệu quả nhằm góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ du lịch của 6 tỉnh vùng chiến khu Việt Bắc, nâng cao đời sống, kinh tế, an sinh xã hội của cộng đồng địa phương, từng bước góp phần phát triển du lịch Việt Nam.
Tại Hội thảo, đại diện 6 tỉnh chiến khu Việt Bắc đã báo cáo thực trạng, quan điểm và định hướng phát triển du lịch của từng tỉnh, từ đó đề xuất các giải pháp phát triển du lịch gắn với bảo tồn các di tịch lịch sử. Một số địa phương chia sẻ kinh nghiệm cũng như đúc rút bài học kinh nghiệm cho liên kết phát triển du lịch.
Các chuyên gia, nhà khoa học cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như nhân lực du lịch trong vùng còn yếu, thiếu tính chuyên nghiệp; hoạt động liên kết giữa các địa phương trong vùng còn lỏng lẻo, thiếu hiệu quả nên năng lực cạnh tranh còn thấp và không phát huy được tổng thể lợi thế về tài nguyên để phát triển du lịch. Hoạt động đầu tư mới chỉ tập trung ở một số địa bàn có điều kiện tương đối phát triển và đang có lượng khách lớn. Nhiều địa bàn có tiềm năng du lịch hấp dẫn nhưng chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng du lịch.
Các đại biểu cũng chỉ ra nguyên nhân chính của những tồn tại nêu trên là do chưa khơi dậy, khai thác, phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh; chưa có sự liên kết mạnh mẽ để phát triển du lịch giữa các địa phương trong và ngoài khu vực. Việc liên kết này là rất phù hợp và tạo nhiều cơ hội để phát triển du lịch do vị trí địa lý tiếp giáp cận kề, giao thông kết nối thuận tiện, sản phẩm du lịch bổ trợ cho nhau. Từ đó, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp cụ thể để phát triển du lịch vùng chiến khu Việt Bắc như phối hợp trong chính sách khuyến khích đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, xúc tiến quảng bá điểm đến, xây dựng thương hiệu du lịch cho vùng chiến khu Việt Bắc thông qua việc quảng bá hình ảnh du lịch của vùng chiến khu Việt Bắc ra quốc tế. Đồng thời cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ở Trung ương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch…), với các cơ quan đại diện ngoại giao, truyền thông hàng không, công ty lữ hành lớn trong nước và ngoài nước để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch của mỗi địa phương và toàn vùng. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch. Đồng thời các ý kiến cũng đề xuất giải pháp đào tạo nguồn nhân lực để liên kết phát triển du lịch vùng chiến khu Việt Bắc.
Ủy viên Trung ương Đảng, PGS.TS Phạm Tất Thắng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương phát biểu kết luận Hội thảo.
Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS Phạm Tất Thắng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương cho biết, sau buổi làm việc tích cực, khẩn trương, Hội thảo đã tập trung trí tuệ, tâm huyết của gần 100 đại biểu, chuyên gia, các nhà khoa học, các trường đại học, các Hiệp hội du lịch... Các ý kiến tham luận sâu sắc, đánh giá vai trò quan trọng của Hội thảo này, tham luận gửi tới Hội thảo được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, có giá trị. Các ý kiến đều thống nhất với báo cáo trung tâm của Hội thảo, đồng thời các ý kiến cũng nêu nhiều nội dung cụ thể, phong phú về phát triển du lịch vùng chiến khu Việt Bắc. PGS.TS Phạm Tất Thắng nhấn mạnh 6 vấn đề cần lưu ý sau đây:
Thứ nhất, cơ sở lý luận và thực tiễn để phát triển du lịch, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của liên kết trong phát triển du lịch, bài học kinh nghiệm cho phát triển du lịch vùng chiến khu Việt Bắc.
Thứ hai, đánh giá tổng quan về tiềm năng du lịch và các sản phẩm du lịch tại vùng chiến khu Việt Bắc, thực trạng liên kết phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, cách mạng vùng chiến khu Việt Bắc.
Thứ ba, vai trò của liên kết phát triển du lịch của 6 tình vùng chiến khu Việt Bắc trong liên kết vùng, tập trung vào văn hóa đặc trưng, truyền thống của vùng này.
Thứ tư, thực tiễn việc khai thác, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng tại Tây Bắc và chiến khu Việt Bắc để phát triển du lịch, những ưu tiên đầu tư khai thác giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng của 6 tỉnh vùng chiến khu Việt Bắc.
Thứ năm, kinh nghiệm liên kết phát triển sản phẩm du lịch gắn với phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng trong vùng với các tỉnh khác.
Thứ sáu, đề xuất nhiều giải pháp cụ thể để liên kết phát triển du lịch vùng chiến khu Việt Bắc.
Qua các ý kiến thảo luận, PGS.TS Phạm Tất Thắng mong muốn Quốc hội đề xuất cơ chế, chính sách phát triển vùng chiến khu Việt Bắc, nên có cơ quan thống nhất để liên kết phát triển du lịch vùng này, trong đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đóng vai trò quan trọng. PGS.TS Phạm Tất Thắng khẳng định, các ý kiến tại Hội thảo là những tài liệu, cơ sở quan trọng để các cơ quan hữu quan xây dựng việc liên kết một cách khoa học, xây dựng định hướng chính sách liên kết phát triển du lịch chiến khu Việt Bắc hiệu quả, khả thi./.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
TS.Nguyễn Quốc Hưng - Viện trưởng Viện Kinh tế, Văn hóa điều hành Hội thảo.
TS.Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch đề cập đến vấn đề khai thác, phát huy các giá trị văn hoa, lịch sử cách mạng chiến khu Việt Bắc để phát triển du lịch.
TS.Nguyễn Ngọc Bảo - Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam trình bày tham luận phát triển du lịch văn hóa theo mô hình HTX, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng chiến khu Việt Bắc.
PGS.TS Trần Đức Thanh trình bày về cơ sở lý luận về liên kết phát triển du lịch và phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Hoàng Việt Phương đề cập đến thực trạng liên kết phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng của địa phương.
TS.Hoàng Ngọc Đường - Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Kạn nêu một vài suy nghĩ về liên kết phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng chiến khu Việt Bắc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến trình bày về thực trạng liên kết phát triển du lịch của địa phương, đề xuất giải pháp trong thời gian tới.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Cao Bằng Hoàng Thị Bình trình bày về một số sản phẩm du lịch và thế mạnh của tỉnh Cao Bằng.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Phúc Hà đóng góp ý kiến tại Hội thảo.
TS.Nguyễn Xuân Cường - nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, chiến khu Việt Bắc là vùng có tiềm năng, đặc biệt, đặc sắc và quy mô phát triển du lịch rộng lớn. Liên kết vùng chính là chìa khóa để phát triển du lịch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Trần Duy Hưng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu cho Chính phủ kế hoạch của tỉnh Bắc Kạn, có giải pháp hỗ trợ liên kết giữa các tỉnh trong vùng, Đồng thời đề nghị Chính phủ và Quốc hội cần có cơ chế đầu tư hạ tầng cho giao thông liên vùng, đầu tư, hỗ trợ tôn tạo các di tích lịch sử.
Thứ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh cho rằng cần thống nhất cao ai là người điều phối, đề xuất thí điểm các sản phẩm liên kết vùng, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ du lịch trong nước và trên thế giới. Đồng thời cần có tiếng nói của Quốc hội, có khung pháp lý, giao Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch trong đó Tổng cục Du lịch với vai trò hướng dẫn, dẫn dắt, điều phối, đào tạo nhằm liên kết trong vùng, liên kết các tỉnh, liên kết trong nước và quốc tế.
Một số ý kiến đại biểu đề xuất giải pháp đào tạo nguồn nhân lực để liên kết phát triển du lịch vùng chiến khu Việt Bắc.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản chỉ ra một số tồn tại, hạn chế hiện nay và đề xuất giải pháp liên kết phát triển du lịch.