PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 6 CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC

03/04/2023

Sáng 03/04, tại Tp.Cần Thơ, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 6 với nhiều nội dung được thảo luận. Trong đó tập trung cho ý kiến vào các nội dung phục vụ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và xem xét, cho ý kiến một số nội dung quan trọng liên quan đến công tác dân tộc.

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN THĂM, CHÚC TẾT CHÔL CHNĂM THMÂY TẠI CẦN THƠ

Quang cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Hội đồng Dân tộc

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm và Bí thư Thành ủy Thành phố Cần Thơ Lê Quang Mạnh; đại diện các cơ quan của Quốc hội; lãnh đạo Ủy ban Dân tộc; Bộ Công An; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và đại biểu của các tỉnh, thành phố.

Phát biểu chỉ đạo Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, hội nghị tổ chức vào dịp đồng bào dân tộc Khmer đang chuẩn bị đón tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2023. Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất và chúc đồng bào dân tộc Khmer đón tết Chôl Chnăm Thmây an lành, đầm ấm, vui tươi, hạnh phúc.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, đề ra và triển khai nhiều chủ trương, chính sách dân tộc, góp phần tạo sự ổn định, phát triển, nâng cao mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc. Điều này được thể hiện rõ qua Chương trình của Chính phủ và triển khai giám sát giữa kỳ của Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án Tổng thể và Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành các Nghị quyết về phát triển các vùng trong cả nước, trong đó đều đề cập đến yêu cầu về phát triển kinh tế, xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo Phiên họp

Vì vậy, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong năm 2022 và 03 tháng đầu năm 2023, việc gì đã làm, đang làm và chưa làm. Trong đó, chú trọng đánh giá thêm về tình hình an ninh, trật tự, bảo vệ biên giới, an ninh quốc phòng vùng Tây Nam bộ; xác định rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế; những khó khăn, thách thức; trên cơ sở đó thảo luận xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung trong năm 2023, nghiên cứu có kiến nghị cụ thể các giải pháp, cơ chế, chính sách để thực hiện phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh - trật tự, an sinh xã hội, đặc biệt thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Tại Phiên họp này, Hội đồng Dân tộc có nhiều nội dung được thảo luận, trong đó cho ý kiến vào các nội dung phục vụ cho Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Vì vậy, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu quan tâm một số nội dung sau:

Thứ nhất, về vấn đề thẩm tra, tham gia thẩm tra các dự án Luật phục vụ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, theo dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ thông qua 06 dự án Luật gồm: Luật Bảo vệ người tiêu dùng; Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật Giao dịch điện tử; Luật Đấu thầu (sửa đổi) và trình Quốc hội cho ý kiến 06 dự án Luật và 01 Nghị quyết.

Sau Phiên họp toàn thể này, Hội đồng Dân tộc sẽ tổ chức 02 Hội thảo chuyên đề để phục vụ xây dựng báo cáo tham gia thẩm tra Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Đây là 02 dự án Luật có tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Do vậy, trong quá trình thảo luận, khi cho ý kiến các dự án luật, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần tập trung đi thẳng vào các vấn đề thực tiễn đặt ra, tính đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số để tham gia thẩm tra, góp ý, cùng xây dựng hoàn thiện dự thảo Luật có chất lượng, thực chất để trình ra Quốc hội.

Thứ hai, về hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, phạm vi giám sát chuyên đề việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia lần này rất rộng, liên quan nhiều đối tượng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi, hộ nghèo, khó khăn trên cả nước. Vì vậy, đề nghị đại biểu tập trung thảo luận làm rõ kết quả hoạt động của Đoàn giám sát, tình hình xây dựng, hoàn thiện báo cáo của Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương. Qua đó, xác định những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn ở giai đoạn hiện nay và thảo luận các biện pháp đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ.

Về Báo cáo kết quả giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc năm 2022 theo Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 ngày 22/7/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc báo cáo các đại biểu đầy đủ để nghiên cứu, tham gia ý kiến về việc triển khai hoạt động giám sát, kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất, nhất là kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan, cá nhân có liên quan.

Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Hội đồng Dân tộc được tổ chức tại Tp.Cần Thơ

Trước đó, phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh, các nội dung triển khai tại Phiên họp toàn thể lần này hết sức quan trọng để phục vụ cho Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV và hoàn thành nhiệm vụ công tác của Hội đồng Dân tộc từ nay đến hết năm 2023. Trong đó, nhiều nội dung quan trọng cần được xem xét, cho ý kiến và có một số nội dung liên quan trực tiếp đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Vì vậy, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị các đại biểu tham dự cần tập trung đánh giá, phân tích, nhận xét kết quả thực hiện chính sách dân tộc năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023; kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Bên cạnh đó, trao đổi, chia sẻ, nắm bắt thông tin về tình hình an ninh, trật tự và công tác bảo vệ biên giới, tình hình an ninh quốc phòng vùng Tây Nam bộ.

Đồng thời, thảo luận về tình hình kết quả thực hiện bước đầu giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”; trao đổi, thảo luận về kết quả giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc năm vừa qua.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc Phiên họp

Bên cạnh những nội dung này, thời gian Quý II và từ nay đến đến cuối năm, khối lượng công việc của Hội đồng Dân tộc là khá lớn, nhiều nhiệm vụ có tính chất quan trọng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhận thấy, nên cần thiết được trao đổi, thảo luận tại Phiên họp này để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thành nhiệm vụ theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.

Tại Phiên họp sáng nay, các đại biểu đã thảo luận làm rõ kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong năm 2022 và 3 tháng đầu năm nay; kiến nghị thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thảo luận về tình hình kết quả thực hiện bước đầu giám sát chuyên đề 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Chiều cùng ngày, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội sẽ tổ chức Hội thảo tham vấn nghiên cứu, phục vụ xây dựng Báo cáo tham gia thẩm tra dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)./.

Bích Ngọc - Công Tràng

Các bài viết khác