Các ý kiến đều nhất trí với tên gọi và các điều khoản thiết kế trong dự thảo Luật và tán thành cao với các nội dung quy định về: trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (Điều 8 - Chương VI); thẩm quyền của Tòa án giải quyết các vụ án hành chính (Điều 27), trừ các vụ án hành chính có tính chất bí mật nhà nước theo danh mục do Chính phủ quy định; thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện ra Tòa án; ngoài ra, còn quy định ba loại khiếu kiện mang tính đặc thù riêng (khoản 2, khoản 3, khoản 4 - Điều 27)... Việc quy định như trên đã loại bỏ được một số quy định bắt buộc phải qua thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện và thể hiện được tính khoa học, thực tiễn của Luật. Các ý kiến cũng cho rằng, dự án Luật cần có chế tài cụ thể đối với người lưu giữ chứng cứ mà không cung cấp, không giao nộp để Tòa án giải quyết vụ án đúng thời hạn theo quy định; nên quy định đối thoại là thủ tục bắt buộc, đồng thời quy định cụ thể, rõ ràng về quy trình, thủ tục đối thoại cũng như giai đoạn tiến hành đối thoại; cần xem xét, cân nhắc trên cơ sở đánh giá thực tiễn để quy định thời hiệu khiếu kiện đối với từng loại khiếu kiện cho phù hợp...