Ngày 9.5, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, QH đã thảo luận Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2007; Tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008.
Cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ, các ĐBQH đánh giá cao việc Chính phủ thẳng thắn thừa nhận những bất cập, yếu kém trong công tác quản lý, điều hành. Tuy nhiên, nhiều ĐB cho rằng Báo cáo của Chính phủ cần chỉ rõ trách nhiệm cụ thể của từng Bộ, ngành và cá nhân khiến tình trạng lạm phát tăng cao vào cuối năm 2007 và những tháng đầu năm 2008, làm đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là người nghèo, nông dân và những người lao động có thu nhập thấp. Không chỉ dừng lại ở việc chỉ rõ trách nhiệm của Chính phủ, một số ĐB cho rằng QH cũng phải nhận trách nhiệm của mình khi thông qua những mục tiêu không sát thực tế. ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) thẳng thắn: Dự báo của Chính phủ không sát thực tế; Ủy ban thẩm tra của QH làm việc không đến nơi đến chốn; QH sẽ có những biểu quyết không sát thực tế nếu các ĐBQH tiếp tục quá tin vào Báo cáo của Chính phủ, vào Ủy ban thẩm tra; Đề nghị các ĐBQH phát huy tinh thần trách nhiệm, tránh tình trạng có ai đó nghĩ hộ mình, lo hộ mình. ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đồng tình, cho rằng QH nên có thời gian thảo luận để nâng cao trách nhiệm của cơ quan hành pháp vì không đạt chỉ tiêu trong Nghị quyết của QH, trách nhiệm của QH còn cao hơn; Chỉ tiêu là do Chính phủ đề xuất nhưng QH mới là cơ quan quyết định.
Khẳng định 8 giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững của Chính phủ là khá toàn diện, đầy đủ, tuy nhiên, nhiều ĐB còn băn khoăn về tính khả thi của những biện pháp này. ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cho rằng dù toàn diện và nghiêm túc nhưng các biện pháp này chỉ có thể thực hiện thành công nếu có sự phân công cụ thể trách nhiệm cho từng Bộ, ngành, từng đơn vị vào từng thời điểm cụ thể. ĐB Nguyễn Minh Thuyết nhận định: 8 giải pháp của Chính phủ rất toàn diện nhưng toàn diện quá, nhiều khi lại không sẵn sàng; Đảm bảo an sinh xã hội mới là giải pháp quan trọng, nên tập trung thực hiện mục tiêu này chứ không nên “gồng” lên để giữ giá. ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) băn khoăn, giải pháp đã có, “toa thuốc” đã kê nhưng vấn đề là triển khai có đồng bộ không? Bức xúc trước tình trạng yếu kém trong công tác dự báo, nhiều ĐB cho rằng Chính phủ cần phải bổ sung những giải pháp nâng cao chất lượng của công tác này trong thời gian tới. ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế) đi vào cụ thể: Chính phủ cần thành lập ban chuyên trách về công tác dự báo cho tình hình phát triển kinh tế xã hội để đối phó kịp thời với những biến động khó lường.
Liên quan đến đề nghị của Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2008 từ 8,5%-9% xuống còn 7%, các ĐBQH còn nhiều ý kiến trái ngược nhau. Một số ĐB đồng tình, cho rằng điều chỉnh là cần thiết vì: Thời gian tới tác động tiêu cực từ tình hình kinh tế thế giới sẽ còn tiếp tục; Các giải pháp mạnh chống lạm phát sẽ làm cho “sức khỏe” nền kinh tế và tăng trưởng yếu đi; Điều chỉnh là động thái phát đi tín hiệu cho cộng đồng quốc tế thấy Chính phủ đang nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, không chạy theo tăng trưởng. Đồng tình nhưng các ĐB này đề nghị Chính phủ cần giải trình rõ cơ sở điều chỉnh. ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) nhấn mạnh, Chính phủ cho rằng từ nay đến cuối năm do gặp nhiều khó khăn nên tỷ lệ tăng trưởng bình quân cả năm sẽ ở mức 7%, vậy đề nghị Chính phủ nói rõ khó khăn đó cụ thể là gì để QH cùng thảo luận, xem xét. Trong khi đó, một số ĐB khác không đồng tình. ĐB Dương Trung Quốc cho rằng, nên giữ nguyên chỉ tiêu đã thông qua tại Kỳ họp thứ Hai, dành thời gian từ nay đến cuối năm xem xét, nghiên cứu để đưa ra những giải pháp cơ bản cho thời gian sau, không nên điều chỉnh theo kiểu chạy theo tình thế. Theo ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau), cần xác định rõ chỉ tiêu trong Nghị quyết của QH mang tính định hướng hay pháp lệnh; Nếu chỉ là định hướng thì không nên quá nặng nề. Một số ý kiến khác lại cho rằng tỷ lệ tăng trưởng bao nhiêu không thật sự quan trọng, quan trọng là cách làm... ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) so sánh hình tượng: Nên nhìn vào dư chấn và động đất là nguyên nhân gây sóng thần chứ đừng nhìn vào sóng thần.
Đi đôi với điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, một số ĐB cho rằng cũng cần lượng hóa chỉ tiêu tăng giá tiêu dùng. Theo, ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), nên công bố công khai chỉ số giá tiêu dùng năm 2008 để doanh nghiệp và nhân dân cùng chia sẻ với Nhà nước. ĐB Trần Du Lịch lại nhận định sẽ rất khó đưa ra con số chỉ số giá tiêu dùng cụ thể vì tình hình kinh tế thế giới chắc chắn sẽ còn nhiều biến động, vì vậy QH nên ra Nghị quyết quy định phấn đấu đạt chỉ số giá tiêu dùng tháng sau phải thấp hơn tháng trước, tạo dựng niềm tin trong nhân dân, chứ không nên đưa ra con số khó thực hiện.
Tình trạng nhiều tập đoàn kinh tế sử dụng vốn nhà nước không hiệu quả, đầu tư vào những lĩnh vực không thuộc chức năng trong thời gian qua khiến nhiều ĐB rất bức xúc. ĐB Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh, Chính phủ cần quy định bằng văn bản pháp lý việc các tập đoàn kinh tế phải đầu tư 70% vốn vào lĩnh vực thuộc chức năng, tránh tình trạng đem tiền của nhà nước đầu tư không hiệu quả, đẩy lạm phát tăng cao.
Trước tình trạng lạm phát gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, đặc biệt là nông dân, các ĐB đề nghị Chính phủ: Quan tâm nhiều hơn nữa đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân; Đánh thuế 0% đối với các nguyên liệu đầu vào sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp; Bãi bỏ quy định cấm sử dụng phương tiện thô sơ ở khu vực nông thôn... ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đăk Lăk) đề nghị nghiêm cấm chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất sử dụng cho các khu nông nghiệp, làm sân golf... nhằm đảm bảo an ninh lương thực.
Bên cạnh đó, các nội dung như: Làm thế nào giảm nhập siêu; Bội chi ngân sách; Chủ trương hỗ trợ giá xăng dầu, điện, than; Tạo việc làm; Giáo dục; Khoảng cách giàu nghèo... cũng được các ĐB đề cập đến trong phiên thảo luận.
Phát biểu tổng kết phiên thảo luận, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên khẳng định, 43 ý kiến của các ĐBQH phát biểu tại hội trường và các ý kiến gửi cho Đoàn thư ký cho thấy tinh thần xây dựng cao, bao quát mọi lĩnh vực, thể hiện ý chí nguyện vọng của cử tri trên các vùng miền cả nước. Về những vấn đề Chính phủ trình QH liên quan đến nhiệm vụ năm 2008, QH nhất trí điều chỉnh mục tiêu nhiệm vụ theo hướng ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát, đặc biệt quan tâm đến đời sống người nghèo, người có thu nhập thấp... Về các giải pháp chống lạm phát, QH đồng tình giải pháp của Chính phủ nhưng lưu ý một số vấn đề: Nắm vững tình hình, điều chỉnh bổ sung phù hợp các giải pháp, chú ý đến các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội... Thay mặt QH, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên đề nghị Thủ tướng tiếp thu, xem xét những ý kiến đóng góp của các ĐBQH đêè từ đó tiếp tục hoàn thiện các giải pháp chống lạm phát, ổn định nền kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững.