Quốc hội thảo luận về 3 dự án Luật

13/05/2008

Hôm nay (12/5), Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, nghe và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của các dự án Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước; Luật trưng mua, trưng dụng tài sản và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

(VOV)_ Đối với dự thảo Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, đa số các đại biểu Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết sớm ban hành Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước nhằm góp phần ngăn ngừa tham nhũng, chống lãng phí và sử dụng tài sản công không đúng mục đích; tán thành với tên gọi, phạm vi, đối tượng điều chỉnh và những nội dung cơ bản của dự thảo luật. Những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận là phạm vi điều chỉnh của Luật, trách nhiệm quản lý nhà nước về tài sản nhà nước, có nên cho thuê tài sản nhà nước, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại các đơn vị sự nghiệp công…

Nên thành lập Cục Công sản

Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về tài sản nhà nước, nhiều ý kiến đề nghị phân định rõ quản lý nhà nước về tài sản nhà nước và quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Có ý kiến đề nghị quy định một số tài sản khác có giá trị lớn nên giao Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng; ý kiến khác đề nghị bỏ quy định phân cấp khai thác tài sản nhà nước vì không phù hợp.

Đại biểu Phạm Thị Loan (đoàn Hà Nội) cho rằng tài sản Nhà nước là tài sản của toàn dân, do Chính phủ quản lý, đầu tư, tổ chức kiểm soát và xử lý, tuy nhiên phải được phân giao cụ thể để làm rõ trách nhiệm của từng đối tượng. Trong đó bao gồm: Tổ chức đầu tư, quản lý, kiểm soát, sử dụng; Đối tượng trực tiếp sử dụng; Cơ quan quản lý về giá trị tài sản và thực trạng.

Điều 8, 9 của dự thảo Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước nêu rõ quy định trách nhiệm cho Bộ Tài chính quản lý sử dụng, tổ chức thực hiện công tác quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; trong đó điều 9 quy định các Bộ, cơ quan ngang bộ quyết định đầu tư, mua sắm. Tuy nhiên theo đại biểu Phạm Thị Loan, giao cho Bộ Tài chính công việc này là quá nặng và thực tế nếu không cẩn thận, sẽ dẫn đến việc Bộ Tài chính “vừa đá bóng vừa thổi còi”, đồng thời nếu quy định chung chung như vậy sẽ thấy có thể dẫn đến tình trạng đầu tư tràn lan và không có một bộ phận tập trung quản lý.

Đại biểu Phạm Thị Loan đề xuất, nên tách chức năng này của Bộ Tài chính giao cho Bộ Kế hoạch- Đầu tư thành lập Cục Công sản để tổ chức, hướng dẫn và trực tiếp hướng dẫn cho các cơ quan ban ngành về tổ chức đầu tư cũng như kiểm soát, xác định những vấn đề nảy sinh và xử lý. Bộ Tài chính là cơ quan kiểm soát về giá trị tài sản, về thực trạng và tham mưu cho Chính phủ về đầu tư cũng như chủ trương đầu tư. Việc làm này cũng góp phần giải quyết vấn đề thiếu một cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp về vấn đề này.

Tài sản nhà nước- cho thuê hay không?

Liên quan đến vấn đề sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành quy định không cho cơ quan nhà nước cho thuê tài sản nhà nước; có ý kiến đề nghị cho thuê tài sản nhà nước tại các cơ quan nhà nước, nhưng cần quy định cụ thể thẩm quyền cho thuê, loại tài sản được cho thuê, thủ tục cho thuê...

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị đối với tài sản nhà nước là hội trường, phương tiện vận tải do cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội quản lý, sử dụng hiện đang cho thuê cần phải được thu hồi để điều chuyển cho cơ quan,  tổ chức khác. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trường hợp dùng tài sản của cơ quan nhà nước sử dụng không hết công suất cho cơ quan, tổ chức khác sử dụng theo đúng mục đích để bảo đảm khai thác hiệu quả tài sản.

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (đoàn Đắk Lắk) cho rằng, không nên sử dụng tài sản nhà nước vào việc cho thuê. Lý do vì đây là những tài sản lớn, nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị quan trọng, nếu cho thuê tràn lan (làm nơi tổ chức hội họp, đám cưới, quán sá, cửa hiệu…) sẽ vừa làm mất mỹ quan, vừa không đảm bảo an ninh, trật tự.

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng đưa ra ví dụ các Viện Bảo tàng là nơi rất thiêng liêng. Tuy nhiên, ở một số nơi bên ngoài được cho thuê làm quán bia, bên trong làm bãi gửi xe, rồi trong nữa thì cho thuê tổ chức đám cưới, đây là điều không thể tưởng tượng được. Ngay cả nhà khách của Quốc hội, Chính phủ, bình thường ra vào phải rất nghiêm ngặt vậy mà khi cho thuê tổ chức đám cưới, ai vào cũng được. Như vậy tính chất bảo vệ cơ quan nhà nước không được đảm bảo.

Đại biểu Tạ Ngọc Tấn (đoàn Thái Bình) cũng cơ bản nhất trí với việc cấm các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp cho thuê một phần tài sản do Nhà nước hỗ trợ để sử dụng phần kinh phí đó vào mục đích phát triển nhiệm vụ chính trị. Tuy nhiên, ông Tạ Ngọc Tấn lo ngại một “hiệu quả ngược” khi đưa ra quyết định này.

Đại biểu phân tích, ở nước ta chỉ có 6 tổ chức chính trị xã hội được Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động. Đối với tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp và các tổ chức hội nghề nghiệp khác, chỉ được hỗ trợ một phần về kinh phí tùy theo vai trò, vị trí cụ thể của tổ chức nghề nghiệp đó trong đời sống xã hội. Điều này dẫn tới tình trạng thiếu kinh phí, khó khăn về nguồn thu diễn ra thường xuyên trong các tổ chức hoạt động xã hội nghề nghiệp. Trong khi đó chúng ta vẫn đặt yêu cầu các tổ chức này phải phát huy hơn nữa vai trò trong đời sống chính trị xã hội là rất khó.

Với lý do trên, đại biểu Tạ Ngọc Tấn kiến nghị không nên đặt vấn đề ngăn cấm toàn bộ việc cho thuê tài sản mà nên xử lý bằng một giải pháp khác: cho phép tiếp tục cho thuê một phần tài sản trong thời gian nhất định. Bên cạnh đó cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ để đảm bảo phần thu ấy không rơi vào túi cá nhân, không bị tham nhũng.

Liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính; quản lý, sử dụng tài sản nhà nước dùng vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết tại đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (đoàn Tiền Giang) cho rằng, giao thẩm quyền quyết định việc giao tài sản nhà nước cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, người đứng đầu cơ quan khác ở trung ương quyết định là không phù hợp. Lý do là trong các đơn vị sự nghiệp công có bao gồm cả các bệnh viện. Nếu quyết định này được thực hiện, nghĩa là các bệnh viện công được quyền cho tư nhân xây các khu tư nhân trong đó và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ… lại có quyền xem xét, quyết định. Đại biểu Nguyễn Văn Tiên kiến nghị, đây là vấn đề khó, cần có quy định riêng về việc liên doanh, liên kết, sử dụng đất trong bệnh viện công để tránh những bất cập.

Cuối buổi sáng nay, Quốc hội thảo luận về dự án Luật trưng mua, trưng dụng tài sản. Các đại biểu đều nhất trí việc ban hành dự thảo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản sẽ góp phần đắc lực vào việc huy động nguồn lực về tài sản, đáp ứng nhu cầu của Nhà nước trong trường hợp cần thiết. Nhiều đại biểu cho rằng các quy định trong dự luật cần được xây dựng theo hướng hạn chế tới mức thấp nhất sự lạm dụng của người thừa hành công vụ trong việc trưng mua, trưng dụng tài sản, đảm bảo lợi ích của người có tài sản bị trưng mua, trưng dụng.

Chiều nay, Quốc hội làm việc tại Hội trường, tiếp tục thảo luận về dự án Luật trưng mua, trưng dụng tài sản và dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)./.

 

 

Cẩm Thuỷ- Thanh Hà

(http://www.vovnews.vn)