Tìm biện pháp phá rào cản vào thị trường EU

22/08/2007

Thị trường EU là thị trường rất đa dạng và sức mua lớn. Doanh nghiệp cần có những thông tin về mặt hàng và nhu cầu sản phẩm để phá được những rào cản vào thị trường này

(VOV)_ Mặc dù hàng hoá xuất khẩu của nước ta vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) luôn tăng trưởng cao qua các năm, song xuất khẩu vào thị trường này vẫn còn nhiều rủi ro và thách thức. Đây là một trong những kết luận của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương sau khi kết thúc cuộc khảo sát tại 132 doanh nghiệp trên cả nước xuất khảu sang thị trường EU. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Võ Trí Thành, Trưởng Ban Nghiên cứu hội nhập kinh tế quốc tế, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương.

PV:  Thưa ông, hiện nay rào cản lớn nhất khi doanh nghiệp khi xuất khẩu vào thị trường EU là gì?

Ông Võ Trí Thành: Theo tôi có 3 điểm. Thứ nhất là rào cản hiểu biết về thị trường EU, hiện các doanh nghiệp vẫn còn yếu. Nói về thị trường EU nhưng đây là thị trường rất đa dạng và sức mua lớn. Thị trường EU không phải chỉ dành cho người giàu như nhiều doanh nghiệp lầm tưởng mà cũng dành cho cả người trung lưu, người nghèo, đặc biệt là các nước mới gia nhập EU, thu nhập bình quân đầu người cũng không cao. Thứ hai là các doanh nghiệp rất quan tâm vì liên quan đến mặt hàng truyền thống mà Việt Nam đang xuất khẩu sang thị trường EU này đều rất nhạy cảm với hai hàng rào mà EU thường áp dụng để hạn chế xuất khẩu. Đó là hàng rào về an toàn vệ sinh và hàng rào kỹ thuật và chống bán phá giá.

PV: Thưa ông, trong báo cáo của ông thì cũng lưu ý doanh nghiệp là việc xuất khẩu các mặt hàng mang giá trị gia tăng thấp nhờ lợi thế tài nguyên và lao động giá rẻ thì rất dễ bị kiện chống bán phá giá. Vậy từ kết quả nghiên cứu này thì ông có đề xuất gì trong việc tăng giá trị gia tăng cho doanh nghiệp?

Ông Võ Trí Thành: Để nâng được khả năng cạnh tranh thì có 2 ý. Một là hiểu biết thông tin để hạn chế đến mức thấp nhất việc có thể bị đưa ra xem xét để họ có thể sử dụng hàng rào phi thuế quan như các biện pháp kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như biện pháp chống bán phá giá để chống lại. Hai là bản thân mỗi mặt hàng này cũng có rất nhiều biện pháp khác để nâng cao sức cạnh tranh. Ví dụ như nâng cao chất lượng hàng hóa, tìm những thị trường ngách. Một ví dụ rất hay là Việt Nam rất khó cạnh tranh với hàng may giá rẻ của Trung Quốc, nhưng mặt hàng may giá cao, chất lượng cao hơn cho giới trung lưu thì Việt Nam vẫn có khả năng cạnh tranh tốt.

PV: Thưa ông, liên quan đến vấn đề thông tin, doanh nghiệp làm sao tìm kiếm thông tin tốt và thông tin đó thực sự hữu ích cho doanh nghiệp?

Ông Võ Trí Thành: Thông tin ngày nay thì rất nhiều, từ sách báo, tạp chí, internet từ các cơ quan chức năng.v.v...  Vấn đề quan trọng là phải sử dụng thông tin đó như thế nào, xử lý và phân tích thông tin đó ra sao để có những dự báo chính xác phục vụ xuất khẩu của doanh nghiệp mình. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết với các viện nghiên cứu, các cơ quan của Nhà nước ở nước ngoài và đặc biệt là liên kết với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu và chính các doanh nghiệp cùng ngành hàng xuất khẩu để được tư vấn, hỗ trợ. Chắc chắn doanh nghiệp sẽ thành công.

PV: Thưa ông kết quả nghiên cứu này sẽ phục vụ như thế nào cho thúc đẩy xuất khẩu  vào thị trường EU?

Ông Võ Trí Thành: Hoàn tất được dự án này có 3 ý nghĩa rẩt quan trọng. Một là chúng ta tiếp tục có nhận thức đầy đủ vai trò và ý nghĩa của thị trường EU đối với xuất khẩu Việt Nam. Thứ 2 là qua dự án này các nhà hoạch định chính sách cũng hiểu biết hơn những lĩnh vực mà Chính phủ cần phải quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp. Ví dụ như về con người, kết cấu hạ tầng, thông tin để hiểu biết rào cản thị trường EU cũng là rào cản khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. Thứ 3 là tạo cho doanh nghiệp hiểu biết hơn tất cả các rào cản mà họ có thể bị vướng mắc để cùng với Hiệp hội, Chính phủ cùng xử lý và cùng tránh.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

 

Thanh Trường

(http://www.vovnews.vn/)