Chiến lược công nghiệp hoá của Việt Nam đến năm 2020

21/03/2008

Để thực hiện chiến lược này, Việt Nam phải đương đầu với hàng loạt rào cản như: hệ thống thể chế thị trường không đồng bộ, thị trường bất động sản kém phát triển, khả năng tiếp cận các nguồn vốn thấp…

(VOV)_Sáng nay (19/3), tại Hà Nội diễn ra hội thảo Chiến lược công nghiệp hoá của Việt Nam đến năm 2020 do Trường đại học Kinh tế quốc dân, Viện Kinh tế Việt Nam và Diễn đàn Phát triển Việt Nam tổ chức.

 

Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh với mức trung bình 7,5%/năm. Việt Nam đã thực sự chuyển đổi từ một nước nông nghiệp nghèo và lạc hậu, đóng cửa với thế giới, sản xuất công nghiệp chủ yếu là của các doanh nghiệp nhà nước và hợp tác xã sang một nước tham gia vào hội nhập toàn cầu và đón nhận những nguồn đầu tư FDI và đầu tư tư nhân.

 

Từ thực tế này, phân tích của Giáo sư Kenichi Ohno - Diễn đàn phát triển Việt Nam (VDF) nêu rõ, chiến lược phát triển của Việt Nam không thể giống với bất kỳ nước ASEAN nào, thậm chí ngay cả khi các bài học quốc tế là hữu ích. Việt Nam cần phải tìm ra một hướng đi phù hợp nhất với hoàn cảnh của mình. Trước tiên, sự hội nhập của Việt Nam cần được thực hiện nhanh hơn và cần phải tiến hành ở ngay giai đoạn phát triển đầu tiên. Sự năng động trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam hiện nay chủ yếu là do đầu tư tư nhân và tiêu dùng tư nhân. Các nhà đầu tư nước ngoài đang bị thu hút bởi các lợi thế mà Việt Nam có được như vị trí tốt, lao động tốt. Ngoài ra, các chính sách và thể chế của Việt Nam còn yếu kém không chỉ theo tiêu chí của các nước phát triển Đông Á mà thậm chí cả tiêu chuẩn chung của nước đang phát triển. Những đặc điểm này cần được phản ánh đầy đủ trong quá trình hoạch định chính sách của Việt Nam nhằm phá vỡ được trần thuỷ tinh, đuổi kịp một cách ổn định các nước có mức thu nhập cao, đối mặt với thách thức từ Trung Quốc, và đạt được mục tiêu quốc gia về công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trước năm 2020.

 

PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong cơ cấu công nghiệp hiện nay, sự thiếu vắng hay kém phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ là một đặc điểm nổi bật. Nguyên nhân chính là do từ trước đến nay lực lượng chủ đạo trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam – các doanh nghiệp nhà nước - chủ yếu hoạt động theo nguyên tắc khép kín, ít cần các doanh nghiệp phụ trợ; Khu vực tư nhân trong nước non yếu và chậm phát triển, không được khuyến khích, không có điều kiện và thiếu khả năng tự định hướng để phát triển ngành phụ trợ…

 

Để Việt Nam có vị thế nhất định trong khu vực, GDP của nước ta phải đạt mức trung bình của 4 nước có GDP cao nhất hiện nay trong ASEAN, là Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia (vào khoảng 200 tỷ USD) và tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người hàng năm phải ở mức hai con số. Bởi nếu tiếp tục nhịp độ tăng trưởng như hiện nay (10 năm tăng gấp đôi), thì đến năm 2020, Việt Nam vẫn sẽ thua xa mức thu nhập bình quân đầu người/năm tại khu vực ASEAN.

 

Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế còn đưa ra hàng loạt các rào cản đối với chiến lược công nghiệp hoá Việt Nam như: hệ thống thể chế thị trường không đồng bộ, thị trường bất động sản kém phát triển, khả năng tiếp cận các nguồn vốn thấp, tình trạng độc quyền của một số doanh nghiệp Nhà nước làm méo mó môi trường kinh doanh và làm tổn thất cho nền kinh tế; cải cách hành chính và năng lực quản lý Nhà nước còn nhiều bất cập…

 

Đối với Việt Nam hiện nay, khi hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, khoảng cách xa giữa năng lực của toàn bộ cơ cấu ngành, đặc biệt là năng lực công nghiệp, với mức độ sâu rộng và quyết liệt của cạnh tranh toàn cầu bộc lộ ngày càng rõ. Áp lực cạnh tranh của Việt Nam là rất khốc liệt do phải nhanh chóng tự do hoá thương mại, phải cạnh tranh sòng phẳng với các nước đi trước phát triển hơn khi chưa được chuẩn bị các điều kiện cần thiết. Trong bối cảnh ấy, chiến lược phát triển kinh tế của Việt nam phải được xây dựng nhằm mục tiêu sống còn là tạo lập, củng cố năng lực cạnh tranh quốc tế./.

Vũ Hạnh

(http://www.vovnews.vn)