Cần tập trung ổn định kinh tế vĩ mô

05/04/2008

Tại Diễn đàn Quốc tế về chuyển đổi kinh tế năm 2008 diễn ra ngày 2-3/4 tại Hà Nội, TS Võ Trí Thành - Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - cho rằng: Kinh tế Việt Nam đang có đầy đủ tín hiệu của khủng hoảng tài chính Thái Lan năm 1996.

(VOV)_TS Võ Trí Thành - Trưởng ban nghiên cứu Chính sách hội nhập kinh tế, phân tích rõ hơn về những dấu hiệu tạo cơn chấn động kinh tế Thái Lan năm 1997. Đó là:

 

Các luồng vốn, đặc biệt là các nguồn vốn ngắn hạn đổ vào nhiều và tập trung vào các hoạt động mang tính đầu cơ (thị trường bất động sản, chứng khoán). Cùng với đó, các chính sách kinh tế vĩ mô như chính sách tỷ giá, lãi suất của Thái Lan không nhất quán.

Chính sách tỷ giá cứng nhắc, cố định là một cách đảm bảo để các nhà đầu cơ tận dụng cái không nhất quán của chính sách vĩ mô để tăng cường các hoạt động đầu cơ.

 

Cái không nhất quán ấy lại gắn với những yếu kém của các định chế tài chính. Định chế tài chính của Thái Lan lúc bấy giờ mắc phải “sai lệch kép” về cơ cấu thời hạn giữa khoản huy động và cho vay, cũng như sai lệch về cơ cấu tiền tệ.

 

Dấu hiệu cuối cùng là các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn, quản trị rủi ro rất yếu.

 

Nếu nhìn vào 4 tiêu thức như vậy thì luồng vốn vào, vốn ngắn hạn đổ vào đâu, độ nhất quán của các chính sách vĩ mô (đặc biệt là chính sách tỷ giá và lãi suất), mức độ lành mạnh của hệ thống tài chính, đặc biệt là hệ thống ngân hàng, cũng như năng lực quản trị rủi ro, định chế tài chính và trình độ quản lý của các doanh nghiệp… những yếu kém ấy trong một chừng mực nhất định đều thể hiện ở nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

 

Tuy nhiên, mức độ mở cửa, đặc biệt là mở cửa tài khoản vốn của Việt Nam khác với Thái Lan. Việt Nam chưa mở cửa đầy đủ các tài khoản vốn. Đồng tiền Việt Nam chưa phải là đồng tiền chuyển đổi hoàn toàn.  Và trong một chừng mực nhất định khi cần thiết thì các doanh nghiệp Nhà nước phải giữ vai trò ổn định.

 

Với những lý do ấy, cộng với những biện pháp mà chính phủ đưa ra và quyết tâm tập trung ổn định kinh tế vĩ mô thì chắc chắn kinh tế Việt Nam sẽ dần được cải thiện theo chiều hướng kinh tế vĩ mô sẽ tốt hơn.

 

Về vấn đề chuyển đổi trong các nền kinh tế, TS Võ Trí Thành cho rằng: “Với các nước trước kia theo kinh tế kế hoạch hoá thì chuyển đổi kinh tế là quan trọng nhất. Trong điều kiện hiện nay, chắc chắn không đơn thuần là cải cách kinh tế. Bên cạnh đó còn phải cải cách bộ máy Nhà nước, hành chính… để thể chế công phù hợp hơn với kinh tế thị trường và nó cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho kinh tế thị trường phát triển. Đó là một thể chế thân thiện, minh bạch đối với phát triển kinh tế”.

 

Thực chất của chuyển đổi kinh tế là tạo cơ hội cho người dân được quyền lựa chọn tốt hơn trong làm ăn, sản xuất kinh doanh, nâng cao cơ hội lựa chọn. Đồng thời với đó là nâng cao năng lực để người dân có lựa chọn hiệu quả.

 

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam rất cần tăng tốc cải cách hành chính, vì môi trường kinh tế thế giới và trong nước đang thay đổi rất nhanh chóng. Điều này rất cần phải tạo ra được một thể chế không những đủ công cụ để xử lý các vấn đề mới mà còn quan trọng hơn là đủ linh hoạt để thích ứng được với môi trường đang thay đổi. Liệu chuyển đổi kinh tế có đồng nghĩa với gia tăng lạm phát? TS Võ Trí Thành khẳng định: “Nếu giải quyết phát triển kinh tế không đồng bộ sẽ nảy sinh nhiều vấn đề, đặc biệt là lạm phát”.

 

Đối với các nền kinh tế chuyển đổi, trong giai đoạn đầu thì thường lạm phát là điều không thể tránh khỏi.

 

Vào những năm 1989-1990, Việt Nam đã đưa lạm phát từ hàng trăm phần trăm xuống còn một mức tương đối thấp.

 

Câu chuyện lạm phát ở Việt Nam bây giờ phức tạp hơn vì nó không chỉ liên quan đến phát triển nội tại nền kinh tế mà còn gắn với các luồng vốn ra, vốn vào và đặc biệt là ổn định của hệ thống tài chính.

 

Ông Thành đưa ra ví dụ về tình hình Việt Nam sau 1 năm gia nhập WTO. Các vấn đề về môi trường, xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô… trở nên gay gắt, phức tạp hơn.

 

Theo ông Thành, nhìn dài hạn, Việt Nam hiện nay cần xử lý những ách tắc về thể chế, đặc biệt là thủ tục hành chính, cải tổ bộ máy; những ách tắc về kết cấu hạ tầng (đặc biệt là hệ thống giao thông, cung ứng điện); chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có kỹ năng; xử lý những rủi ro, bất ổn về an sinh xã hội và nâng cao chất lượng môi trường.

 

Một số nền tảng cơ bản của Việt Nam tạo tiền đề cho phát triển kinh tế dài hạn là rất tốt, nhưng theo TS Võ Trí Thành, chúng ta đang vấp phải một số vấn đề như: ách tắc hay những “nút cổ chai” về cải cách hành chính, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực. Chính vì vậy, việc phải xử lý hiện nay là xử lý những rủi ro trong ngắn hạn, đặc biệt là ổn định kinh tế vĩ mô để đảm bảo những nhân tố đầy tiềm năng được duy trì phát triển dài hạn./.

Vũ Hạnh

(http://www.vovnews.vn)