Đoàn giám sát của UBTVQH làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

22/07/2014

Sáng 18.7, Đoàn giám sát của UBTVQH đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của QH về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015.

Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2004 - 2013, tổng vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là khoảng hơn 718 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chi cho đầu tư phát triển sản xuất nông lâm thủy sản khoảng gần 263 nghìn tỷ đồng, chi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn khoảng 457 nghìn tỷ đồng. Từ năm 2006 - 2014, tổng vốn đầu tư do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý là khoảng gần 70 nghìn tỷ đồng. Nhìn chung, đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn đã góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển tích cực. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng được cải thiện. Đời sống của dân cư nông thôn tiếp tục được nâng cao.

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu đầu tư công, từ năm 2012 đến nay, Bộ đã hoãn khởi công mới 34 dự án với tổng mức đầu tư 4.560 tỷ đồng và thực hiện giãn tiến độ 10 dự án khác thuộc vốn ngân sách Nhà nước. Bộ đã chỉ đạo thực hiện bố trí kế hoạch vốn tập trung, tránh dàn trải. Trong giai đoạn 2011-2014, Bộ đã thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo ngành, lĩnh vực; giảm tỷ trọng đầu tư ngành thủy lợi và tăng tỷ trọng đầu tư cho các ngành trực tiếp sản xuất. Về thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, Bộ đã cơ bản triển khai xong công tác cổ phần hóa 5 tổng công ty, 2 công ty trực thuộc Bộ.

Đoàn giám sát đánh giá cao những nỗ lực và kết quả bước đầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế đối với lĩnh vực nông nghiệp. Đoàn giám sát đề nghị, Bộ và các đơn vị liên quan cần tiếp tục làm rõ và báo cáo bổ sung về trách nhiệm của Trung ương và địa phương trong công tác lập quy hoạch trong thực hiện đề án tái cơ cấu chung của ngành nông nghiệp và đề án của từng lĩnh vực, từng địa phương. Đồng thời, cần phân tích cụ thể những đột phá, cách làm mới của ngành nông nghiệp trong quá trình tái cơ cấu ngành; nguồn lực và cách bố trí vốn đầu tư như thế nào để đạt được hiệu quả tối ưu.

Nguyễn Giang

(http://daibieunhandan.vn)