Đoàn giám sát của UBTVQH làm việc tại Tỉnh Hà Tĩnh

09/04/2015

Ngày 6 - 8.4, Đoàn giám sát của UBTVQH về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004 - 2014 đã làm việc tại Hà Tĩnh.

Theo Báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, tính đến năm 2014, diện tích đất các nông, lâm trường quốc doanh đang quản lý, sử dụng là 262.605,3ha, trong đó đất lâm nghiệp là 250.207,46ha, đất rừng phòng hộ là 99.683,18ha, đất rừng sản xuất là 75.905,48ha, đất rừng đặc dụng là 74.618,8ha... Thời gian qua, việc quản lý, sử dụng đất đai tại phần lớn các nông, lâm trường đã có chuyển biến tích cực, nhất là các đơn vị đã cổ phần hóa. Tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai, cho thuê, cho mượn đất trái phép tại các nông, lâm trường đã cơ bản chấm dứt; hiệu quả sử dụng đất được nâng lên, góp phần quan trọng nâng cao đời sống cho người lao động của các nông, lâm trường. Nhờ làm tốt công tác giao khoán theo Nghị định 01/CP, Nghị định 135/2005/NĐ-CP của Chính phủ, tỷ lệ độ che phủ rừng của Hà Tĩnh ngày càng tăng lên, bình quân mỗi năm tăng 1 – 1,5%. Việc giao khoán rừng và đất lâm nghiệp đã tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho nhiều hộ gia đình, có những hộ đã làm giàu từ nhận khoán rừng, bình quân mỗi năm thu nhập từ 70 - 150 triệu đồng. Các hộ nhận khoán đã chủ động tận dụng quỹ đất để trồng rừng, nâng cao ý thức tự giác quản lý, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng trên diện tích được giao khoán và có trách nhiệm với diện tích lân cận. Nhiều diện tích giao khoán nay đã trở thành rừng có chất lượng, hiệu quả cao và đất lâm nghiệp từng bước được bảo vệ và phát triển; nạn chặt phá rừng trái phép đã giảm đáng kể.

Đoàn giám sát đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Hà Tĩnh trong việc tổ chức chuyển đổi có hiệu quả các nông, lâm trường quốc doanh thành các mô hình hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, quỹ đất giao cho các nông, lâm trường, các công ty, các ban quản lý rất lớn nhưng hiệu quả sử dụng chưa tương xứng. Các thành viên Đoàn giám sát đề nghị, cần có hướng giải quyết vấn đề này. Hà Tĩnh cần thực hiện đo đạc, cắm mốc cụ thể đối với diện tích đất được giao khoán để công tác quản lý đất đai chặt chẽ hơn; tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các đơn vị, tổ chức nông, lâm, trường đã được chuyển đổi, lựa chọn mô hình phù hợp, hoạt động có hiệu quả để nhân rộng và phát triển...

+ Trước đó, Đoàn giám sát đã làm việc với công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn, Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh, UBND huyện Hương Sơn và UBND huyện Kỳ Anh.

Quỳnh Nga

(http://daibieunhandan.vn)