Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến phát biểu khai mạc Tọa đàm Ảnh: Đình Nam
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến nêu rõ, hoạt động ban hành quyết định hành chính là một trong những phương thức quan trọng trong quản lý hành chính nhà nước; là hoạt động cơ bản của nền hành chính, biểu hiện của thực thi quyền hành pháp trong nhà nước pháp quyền. Do đó, việc ban hành quyết định hành chính đòi hỏi phải tuân thủ đúng pháp luật, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân và thực tiễn quản lý nhà nước trong từng giai đoạn cụ thể. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, chủ trương về một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, một nền hành chính chuyển đổi từ nền hành chính can thiệp sang nền hành chính phục vụ thì hoạt động ban hành quyết định hành chính cần phải đặc biệt chú trọng.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc ban hành các quyết định hành chính của các chủ thể có thẩm quyền vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập, không tuân thủ đúng nguyên tắc ban hành do chưa được điều chỉnh đầy đủ, thống nhất bởi một văn bản luật có hiệu lực trong phạm vi toàn quốc. Vì vậy, việc xây dựng Luật Ban hành quyết định hành chính là cần thiết nhằm thiết lập trật tự ban hành quyết định hành chính, bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý, khả thi của quyết định hành chính; tính minh bạch, công khai, khách quan của quá trình ban hành quyết định hành chính và tính chuyên nghiệp của nền hành chính hiện đại, qua đó bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; đồng thời bảo đảm tính linh hoạt, liên tục và hiệu quả của hoạt động quản lý hành chính nhà nước.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, việc học tập kinh nghiệm Nhật Bản nói riêng và các nước trên thế giới nói chung về ban hành quyết định hành chính nhằm đảm bảo cho lý luận về pháp luật hành chính Việt Nam hòa nhịp vào dòng chảy chung của luật hành chính hiện đại trên thế giới, đồng thời nhằm đáp ứng yêu cầu về mở rộng hoạt động hợp tác pháp luật với nước ngoài, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.
Trao đổi tại Tọa đàm, đại diện chuyên gia Nhật Bản cho biết, về khái niệm quyết định hành chính của Nhật Bản, đây là một loại quyết định cá biệt, được ban hành bởi các cơ quan hành chính hay các chủ thể có thẩm quyền trong cơ quan hành chính theo nguyên tắc về thẩm quyền và quyền tự định đoạt, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của các chủ thể nói trên. Khi một quyết định hành chính được ban hành sẽ có hiệu lực tác động trực tiếp tới các đối tượng có liên quan, trong trường hợp quyết định này không được thi hành vì những lý do không được chấp nhận, các đối tượng có liên quan phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi, hay nói cách khác có thể bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính.
Ở Nhật Bản không có Luật Ban hành quyết định hành chính, tuy nhiên những vấn đề cơ bản liên quan đến việc ban hành quyết định này được quy định trong Luật thủ tục hành chính cũng như việc quy định về quy trình, thẩm quyền, hiệu lực… hay những vấn đề mang tính đặc thù của quyết định hành chính phát sinh trong một số lĩnh vực được quy định trong các văn bản luật chuyên ngành.
Về nguyên tắc chung ban hành quyết định hành chính, thứ nhất, quyết định này phải được ban hành bởi các chủ thể có thẩm quyền sử dụng quyền lực công mà không phải liên quan đến quyền lập pháp hay tư pháp. Thứ hai, quyết định hành chính phải được ban hành theo một trình tự, thủ tục hợp pháp, cụ thể là phải đảm bảo các quy định về thời hạn, thời hiệu, thủ tục giải trình, lắng nghe ý kiến từ các đối tượng có liên quan.
Thứ ba, quyết định hành chính phải bảo đảm tác động đến một hoặc một số nhóm đối tượng nhất định. Trong trường hợp không xác định được địa chỉ và đối tượng áp dụng, quyết định này sẽ trở nên vô hiệu, không áp dụng được. Thứ tư, quyết định hành chính phải được tôn trọng và bảo đảm thực hiện. Các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ được quy định trong các quyết định hành chính, trong trường hợp không tự nguyện chấp hành sẽ bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế.
Về hiệu lực của quyết định hành chính, luật hành chính Nhật Bản xác định hiệu lực thi hành của một quyết định hành chính theo nguyên tắc khi các cá nhân, tổ chức có liên quan nhận được hay biết được các quyết định hành chính được ban hành để áp dụng đối với mình. Nhiều trường hợp, thời điểm ban hành trùng với thời điểm tổ chức, cá nhân có liên quan nhận được quyết định, tuy nhiên các thời điểm này cũng có thể khác nhau, đặc biệt đối với vụ việc phức tạp, tác động đến một số nhóm đối tượng nhất định, đồng thời cơ quan hành chính cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trong việc ban hành quyết định. Trong trường hợp này, hiệu lực thi hành quyết định có thể tính từ ngày người dân nhận được, hoặc có trường hợp ấn định một khoảng thời gian nhất định để thi hành.
Về cơ chế kiểm soát việc ban hành quyết định hành chính, Nhật Bản đề cao tính hậu kiểm của quyết định hành chính, đề cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân công quyền trong việc ban hành quyết định hành chính đảm bảo tính hợp pháp và hợp lý. Trong đó, cơ chế kiểm soát được thực hiện bằng con đường giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính và khởi kiện ra tòa án.
GS. TaKaHashi Shigeru- Đại học Hitotsubashi Nhật Bản phát biểu tại Tọa đàm
Thảo luận tại Tọa đàm, các đại biểu Việt Nam đánh giá cao việc Nhật Bản đã xây dựng được Luật thủ tục hành chính với nhiều ưu điểm, phù hợp với tình hình phát triển của Nhật Bản, đồng thời tạo điều kiện cho nền kinh tế Nhật Bản hòa nhập với nền kinh tế thế giới.
Các đại biểu cũng chỉ rõ, Việt Nam không xây dựng dự án “Luật thủ tục hành chính” hay “Luật Hành chính công” như kinh nghiệm của một số nước. Việc xây dựng dự án Luật Ban hành quyết định hành chính ở Việt Nam nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với việc đang tiến hành xây dựng dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất) nằm trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII. Ngoài ra, điều chỉnh về thủ tục hành chính, thay cho việc ban hành luật, Việt Nam đã có Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 28/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính (Nghị định số 48/2013/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan về kiểm soát thủ tục hành chính)…
Các đại biểu nhận định, cơ quan hành chính của Nhật Bản về cơ bản tương đồng với khái niệm này ở Việt Nam, theo đó, cơ quan hành chính là cơ quan thực hiện quyền lực công (quyền hành pháp và quản lý hành chính), có chức năng quản lý hành chính nhà nước, được sử dụng quyền lực nhà nước trong quá trình hoạt động, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, hoạt động vừa theo chế độ thủ trưởng vừa theo chế độ tập thể. Tuy nhiên, điểm khác biệt có thể thấy đó là chính quyền địa phương của Nhật Bản (được hiểu nằm trong nhánh quyền hành pháp) bao gồm: Hội đồng địa phương vừa có chức năng hành pháp, quyết định những vấn đề lớn trong lĩnh vực chấp hành và thi hành pháp luật ở địa phương và Ủy ban hành chính là cơ quan có chức năng quản lý hành chính. Hội đồng địa phương hoạt động theo chế độ tập thể, còn Ủy ban hành chính hoạt động theo chế độ thủ trưởng. Đặc điểm, cần lưu ý là không phải cấp hành chính nào của Nhật Bản cũng bao gồm có đầy đủ Hội đồng địa phương và Ủy ban hành chính .
Do đó, việc học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản trong quá trình xây dựng luật hành chính cần phải được tiếp thu có chọn lọc để phù hợp với tình hình thực tiễn ở Việt Nam. Một số đại biểu cũng cho biết, quyết định hành chính ở Việt Nam có hai hình thức: quyết định bằng văn bản và quyết định bằng lời nói. Quyết định bằng lời nói được áp dụng trong những trường hợp khẩn cấp như khi xảy ra thiên tai, lũ lụt hoặc tình thế cấp thiết. Phạm vi điểu chỉnh của dự thảo luật ban hành quyết định hành chính cũng nêu rõ, luật này không áp dụng đối với việc ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vụ việc cạnh tranh; quyết định hành chính ban hành trong trường hợp khẩn cấp… Dự thảo luật ban hành quyết định hành chính đã quy định về việc kiểm tra tính pháp lý đối với dự thảo quyết định hành chính liên quan đến lợi ích công cộng, đây là một điểm hoàn toàn tiến bộ đối với nền hành chính Việt Nam.
Quyết định hành chính có liên quan đến lợi ích công cộng có tác động, ảnh hưởng rất lớn, do vậy cần thiết cần thiết quy định trách nhiệm của tổ chức pháp chế, cơ quan tư pháp trong việc kiểm tra tính pháp lý với dự thảo quyết định hành chính trước khi ban hành. Việc kiểm tra tính pháp lý nhằm kiểm soát chặt chẽ và hạn chế tối đa các ảnh hưởng bất lợi từ các quyết định hành chính đến cộng đồng, đồng thời làm tăng tính chuyên nghiệp của nền hành chính, đảm bảo mục đích của nền hành chính là vì mục đích chung.
Kết luận Tọa đàm, bày tỏ cảm ơn và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia Nhật Bản, các đại biểu tham dự, Phó Chủ nhiệm Đặng Đình Luyến nhấn mạnh, việc tìm hiểu kinh nghiệm xây dựng luật hành chính của Nhật Bản sẽ có giá trị quan trọng trong việc xây dựng Luật Ban hành quyết định hành chính của Việt Nam, đồng thời, tạo cơ sở lý luận cho các đại biểu biểu Quốc hội trong việc thẩm định cũng như đóng góp ý kiến xây dựng và hoàn thiện dự thảo luật này trong thời gian tới./.