Không vì hạn chế nguồn lực tài chính mà thu hẹp đối tượng được trợ giúp pháp lý

27/10/2016

Sáng 27/10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Cần thiết phải sửa đổi Luật trợ giúp pháp lý năm 2006

Trình bày Tờ trình dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong 09 năm triển khai thi hành Luật trợ giúp pháp lý (TGPL) 2006, công tác TGPL đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Từ năm 2007 đến hết năm 2015, các tổ chức thực hiện TGPL đã giải quyết 1.055.294 vụ việc với 1.130.609 lượt người được TGPL, trong đó có 61.120 vụ việc tham gia tố tụng, 982.442 vụ việc tư vấn pháp luật (tư vấn pháp luật thông qua các đợt TGPL lưu động là 499.495 vụ), 11.732 vụ việc khác. Hệ thống tổ chức thực hiện TGPL đã được hình thành trên toàn quốc với 63 Trung tâm TGPL nhà nước (Trung tâm) trực thuộc Sở Tư pháp, 202 Chi nhánh của Trung tâm (Chi nhánh) ở cấp huyện và liên huyện, 364 tổ chức tham gia TGPL. Đội ngũ người thực hiện TGPL được củng cố với 595 Trợ giúp viên pháp lý, 1.239 cộng tác viên TGPL là luật sư, 10.632 cộng tác viên khác tham gia TGPL.

Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, yêu cầu triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, nhiều đạo luật quan trọng mới được Quốc hội ban hành, nhiều chính sách cải cách được thông qua, trong đó có việc tăng cường cải cách pháp luật, hoạt động TGPL đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Trong bối cảnh đó, cùng với việc triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 - 2025 thì việc nghiên cứu, sửa đổi Luật TGPL là cần thiết.

Một trong những bất cập, hạn chế của hoạt động TGPL được đề cập trong Tờ trình của Chính phủ là diện người TGPL còn chưa đầy đủ. Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm rõ, quy định về đối tượng được TGPL chưa bảo đảm tính hợp lý, còn tản mạn ở nhiều văn bản khác nhau do có sự thay đổi, bổ sung trong các chính sách an sinh xã hội (như Nghị định hướng dẫn Luật TGPL, các Luật có liên quan ban hành sau Luật TGPL quy định về người được TGPL gồm nạn nhân bị mua bán theo Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, người khuyết tật theo Luật Người khuyết tật năm 2010, trẻ em theo Luật Trẻ em năm 2016). Hơn nữa, quy định người được TGPL cũng chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực tiễn và tinh thần Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 và các điều ước quốc tế liên quan khác mà Việt Nam là thành viên. Mặt khác, khoảng cách trong việc tiếp cận pháp luật có sự chênh lệch, một số đối tượng khó khăn về tài chính không có điều kiện chi trả cho các dịch vụ pháp lý nhưng chưa được tiếp cận dịch vụ TGPL để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Vì vậy, Điều 7 của dự thảo Luật quy định người được trợ giúp pháp lý bao gồm: người thuộc hộ nghèo; người cao tuổi, người khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn về tài chính; người dân tộc thiểu số thường trú tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người thuộc hộ cận nghèo bị buộc tội; người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn về tài chính bị buộc tội; nạn nhân trong vụ việc mua bán người hoặc vụ việc bạo lực trên cơ sở giới có hoàn cảnh khó khăn về tài chính; người có công với cách mạng; trẻ em bị buộc tội. Đồng thời quy định, Chính phủ quy định chi tiết người có hoàn cảnh khó khăn về tài chính cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật

n thành với quan điểm mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý

Về vấn đề này, trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Khắc Định cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban pháp luật tán thành với quan điểm mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhưng còn băn khoăn khi đối chiếu với dự thảo Luật thì diện người được trợ giúp pháp lý lại thu hẹp hơn so với quy định của các luật hiện hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, khoản 1 Điều 7 của dự thảo Luật không thu hút tất cả những người được trợ giúp pháp lý đang được quy định trong Luật người khuyết tật (điểm d khoản 1 Điều 4), Luật phòng, chống mua bán người (khoản 1 Điều 36) và Luật trẻ em (Điều 30) mà chỉ quy định lựa chọn những người “có hoàn cảnh khó khăn về tài chính” hoặc “trẻ em bị buộc tội” mới thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Đồng thời, dự thảo Luật cũng không luật hóa tất cả những người đang được trợ giúp pháp lý quy định tại các văn bản dưới luật như Nghị định số 14/2013/NĐ-CP (người bị nhiễm chất độc hóa học) và Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BLĐTBXH (người tham gia tố tụng hình sự là người chưa thành niên, bao gồm cả người bị hại, người làm chứng là trẻ em và người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi). Việc thu hẹp người thuộc diện được trợ giúp pháp lý so với quy định hiện hành như trên dẫn đến một số đối tượng trong cùng một nhóm người yếu thế không được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý, tạo nên sự thiếu nhất quán trong chính sách xã hội của Nhà nước và có thể gây ra những tác động tiêu cực trong xã hội.

Để có cơ sở cho việc quy định cụ thể về phạm vi những người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ giải trình rõ số lượng những người được trợ giúp pháp lý, nguồn lực thực hiện trong thời gian qua; đồng thời, đánh giá thực chất về nhu cầu, dự kiến nguồn lực, tính toán kỹ các phương án để đưa ra số liệu chính xác về số lượng người thuộc diện được trợ giúp pháp lý và chi phí trong trường hợp mở rộng hoặc thu hẹp diện người được trợ giúp pháp lý. Nếu vì lý do thiếu nguồn lực tài chính mà thu hẹp trợ giúp pháp lý đối với diện những người mà theo quy định hiện hành đang được hưởng thì cần báo cáo rõ với Quốc hội và đề xuất bổ sung nguồn lực để bảo đảm thực hiện trên thực tế; hoặc đề xuất phương án sửa đổi các luật có liên quan để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Bảo Yến