Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề án về tổ chức, biên chế và vị trí việc làm của Kiểm toán Nhà nước

21/12/2016

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 5, chiều 21/12, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án tổ chức, biên chế của Kiểm toán nhà nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án Vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức của Kiểm toán nhà nước.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc báo cáo tóm tắt tờ trình đề án tổ chức biên chế và đề án vị trí việc làm            Ảnh: Đình Nam

Báo cáo tóm tắt Tờ trình về việc cho ý kiến “Đề án tổ chức, biên chế của Kiểm toán nhà nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, quán triệt thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Kết luận số 64-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện thành công Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2020, Kiểm toán nhà nước xây dựng Đề án với nội dung trọng tâm là sắp xếp, điều chỉnh giảm, tinh gọn về tổ chức bộ máy và xác định biên chế cần thiết của Kiểm toán nhà nước trong Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2020 và từng bước cụ thể hóa triển khai chủ trương của Đảng về đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị trong giai đoạn hiện nay.

Kiểm toán Nhà nước đề xuất, về tổ chức bộ máy của Kiểm toán nhà nước có 34 đơn vị cấp Vụ và tương đương: tăng thêm Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VIII, Vụ Tài chính và đổi tên Trung tâm Tin học thành Trung tâm Công nghệ thông tin và lưu trữ thư viện. Về biên chế, Kiểm toán nhà nước đề xuất biên chế của Kiểm toán nhà nước dãn lộ trình triển khai, dàn đều trong 10 năm, từ năm 2016 đến năm 2025. Theo đó, giai đoạn đến năm 2020 nguồn nhân lực của Kiểm toán nhà nước là 2.629 người, trong đó gồm 2.374 công chức và 255 viên chức. Giai đoạn đến năm 2025, nguồn nhân lực của Kiểm toán nhà nước là 3.054 người, trong đó gồm 2.799 công chức và 255 viên chức.

Về nội dung Tờ trình số 1666/TTr-KTNN ngày 16/12/2016 của Kiểm toán nhà nước về việc phê duyệt “Đề án Vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức của Kiểm toán nhà nước”, Kiểm toán nhà nước xác định danh mục gồm 60 vị trí việc làm đối với công chức. Cụ thể, nhóm vị trí việc làm gắn với công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành: 24 vị trí. Nhóm vị trí việc làm gắn với công việc chuyên môn, nghiệp vụ: 31 vị trí. Nhóm vị trí việc làm gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ: 05 vị trí.

Đối với danh mục vị trí việc làm đối với viên chức, xác định danh mục gồm 29 vị trí việc làm đối với viên chức. Cụ thể, nhóm vị trí việc làm gắn với công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành: 10 vị trí. Nhóm vị trí việc làm gắn với công việc chuyên môn, nghiệp vụ: 13 vị trí. Nhóm vị trí việc làm gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ: 06 vị trí.

Trên cơ sở Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2020, đảm bảo nguyên tắc phù hợp với hệ thống ngạch bậc, dự kiến chỉ tiêu và khả năng nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức, Đề án cũng xác định cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức.

Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về các Đề án của Kiểm toán Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, việc Kiểm toán Nhà nước xây dựng đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức của Kiểm toán Nhà nước là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Cho ý kiến về nội dung hai đề án của Kiểm toán Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao sự chuẩn bị của Kiểm toán Nhà nước, tán thành với nhiều nội dung của đề án và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, đồng thời nhấn mạnh với quyền hạn của mình Ủy ban thường vụ Quốc hội cần tạo điều kiện cho Kiểm toán Nhà nước hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được Hiến pháp và pháp luật quy định, đáp ứng tốt mục tiêu kỳ vọng đề ra. Nhất trí với đề nghị của Kiểm toán Nhà nước như trong Đề án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng Kiểm toán Nhà nước đã gương mẫu trong việc đưa ra đề xuất và tổ chức hệ thống bộ máy các đơn vị và xác định biên chế khi không đề xuất tăng thêm biên chế, tăng tổ chức bộ máy mà giảm so với Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2020 đã được phê duyệt.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao và bày tỏ tán thành với sự cần thiết xây dựng đề án, các mục tiêu, quan điểm và nội dung đề án. Chủ tịch Quốc hội cho rằng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Hiến pháp 2013 xác định rõ vị thế của Kiểm toán Nhà nước, quy mô, phạm vi hoạt động ngày càng mở rộng đòi hỏi trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước ngày càng nặng nề. Vì vậy, việc xác định biên chế, tổ chức vị trí việc làm cho Kiểm toán Nhà nước là phù hợp và cần thiết.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần làm rõ hơn nữa tính khả thi của đề án. Trong điều kiện chức năng nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước ngày càng nhiều thì việc xác định giảm biên chế có mâu thuẫn, ảnh hưởng đến việc đáp ứng nhiệm vụ đề ra hay không.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận phiên thảo luận             Ảnh: Đình Nam

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, chất lượng, sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trong quá trình xây dựng đề án của Kiểm toán Nhà nước. Nội dung đề án đã bám sát vào Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp và pháp luật. Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với quan điểm, mục tiêu, yêu cầu xây dựng đề án.

Qua thảo luận, Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí về nội dung tổ chức bộ máy Kiểm toán Nhà nước có 34 đơn vị cấp Vụ và tương đương, xác định biên chế đến năm 2020 là 2.629 người và đến năm 2025 là 3.054 người. Về đề án vị trí việc làm, Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với nội dung đề án, đồng thời lưu ý vị trí việc làm được xác định cho giai đoạn hiện nay và hàng năm có rà soát để bố trí, sắp xếp cho phù hợp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị trên cơ sở ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Kiểm toán Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện nội dung các đề án để báo cáo Bộ Chính trị và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét phê duyệt.

Bảo Yến