Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh

24/11/2017

Chiều 24/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, đã có 465 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, bằng 94,70% tổng số đại biểu Quốc hội. Số đại biểu tán thành là 460, bằng 93,69%; không tán thành là 3, bằng 0,61%; không biểu quyết là 2, bằng 0,41%.

Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh

Trước đó, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận tại Tổ ngày 14/11/2017 và tại Hội trường ngày 20/11/2017 về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố), Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết.

Gồm 8 Điều, Nghị quyết quy định thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi là Thành phố) về quản lý đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách nhà nước; quy định cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý.

Về quản lý đất đai, Nghị quyết quy định Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa phải thực hiện công khai lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu tác động của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên được thực hiện như trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 10 ha theo quy định của pháp luật về đất đai.

Về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, Hội đồng nhân dân Thành phố đề xuất để Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định áp dụng trên địa bàn Thành phố thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Mức tăng thuế hoặc thuế suất không quá 25% so với mức thuế hoặc thuế suất hiện hành. Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định áp dụng trên địa bàn Thành phố về Phí, lệ phí chưa có trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí; Tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí.

Việc thí điểm thực hiện chính sách thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố phải tuân thủ các nguyên tắc: Bảo đảm có lộ trình phù hợp với trình độ và yêu cầu phát triển của Thành phố; tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngành, nghề ưu đãi đầu tư; bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; thực hiện điều tiết hợp lý đối với một số hàng hóa, dịch vụ và nguồn thu nhập hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố; công khai, minh bạch, cải cách hành chính nhà nước, bao gồm cả cải cách hành chính quản lý thuế.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết

Ngân sách Thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách thu so với quy định hiện hành để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách Thành phố. Căn cứ dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao và căn cứ vào tình hình thực tế của Thành phố, Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định dự toán, phân bổ ngân sách Thành phố bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng quy định Thành phố thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, Hội đồng nhân dân Thành phố được quyết định: Sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp Thành phố; cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách và chi thu nhập tăng thêm trên cơ sở tuân thủ quy định tại khoản 3 và khoản 5 Điều 6 của Nghị quyết...

Về cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý, Nghị quyết quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố được ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố; Ủy ban nhân dân Thành phố quy định các nhiệm vụ, quyền hạn mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thuộc Thành phố được ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, không được ủy quyền các nhiệm vụ, quyền hạn đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố đã ủy quyền theo quy định. Hội đồng nhân dân Thành phố được quyền quyết định bố trí ngân sách Thành phố chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý theo hiệu quả công việc ngoài việc thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật hiện hành về cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, với mức tối đa không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ. Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của Thành phố do Hội đồng nhân dân Thành phố quy định. Ủy ban nhân dân Thành phố được quyền điều chỉnh tên gọi, chức năng, nhiệm vụ các phòng thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố để phù hợp với đặc điểm của Thành phố...

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 01 năm 2018. Chính phủ sẽ sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2020, tổng kết thực hiện Nghị quyết báo cáo tại kỳ họp cuối năm 2022 và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm.

Toàn văn Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh trình Quốc hội thông qua.

Quang Minh