Hội đồng Dân tộc tổ chức Hội thảo về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và Luật Tố cáo (sửa đổi)

23/01/2018

Ngày 22 - 23/1, tại Ninh Bình, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, Hội đồng Dân tộc tổ chức Hội thảo tham gia ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nêu rõ, để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Năm, Hội đồng Dân tộc được giao phối hợp thẩm tra một số dự thảo luật, trong đó có dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi). Đây là hai dự án luật quan trọng, tác động rộng lớn đến đời sống xã hội, được Đảng, ĐBQH và Nhân dân rất quan tâm. Những ý kiến đóng góp tại Hội thảo của các chuyên gia, đại diện bộ, ban, ngành và địa phương sẽ là những thông tin hữu ích giúp Hội đồng Dân tộc phối hợp thẩm tra, hoàn thiện 2 dự thảo Luật quan trọng này. 

Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, nội dung dự thảo Luật đã bám sát các chủ trương trong Nghị quyết của Đảng, có nhiều bổ sung, sửa đổi, khắc phục những hạn chế, bất cập, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, về đối tượng kê khai, tài sản, thu nhập, nhiều ý kiến cho rằng, cần cân nhắc tính khả thi khi mở rộng phạm vi người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập đối với tất cả công chức khi bổ nhiệm vào ngạch. Bởi, việc mở rộng quá dễ dẫn đến việc kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập không hiệu quả. Do đó, cần giữ nguyên đối tượng kê khai tài sản, thu nhập hoặc thu hẹp ở mức hợp lý theo hướng tập trung vào các đối tượng giữ vị trí quan trọng ở trung ương, địa phương, những khu vực nguy cơ tham nhũng cao, bảo đảm việc kiểm soát tài sản, thu nhập có hiệu quả, tránh hình thức.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu tại hội thảo

Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) các ý kiến nhấn mạnh, tố cáo là quyền công dân đã được Hiến định. Do vậy, dự thảo Luật phải nhất quán được quan điểm này. Về bảo vệ người tố cáo, các ý kiến cho rằng, trong khi Luật hiện hành quy định đối tượng bảo vệ gồm người tố cáo và người thân thích của người tố cáo thì quy định chỉ bảo vệ người tố cáo như dự thảo Luật là một bước “thụt lùi”. Bởi thực tế cho thấy, những người thân thích của người tố cáo hiện là một trong những đối tượng có thể chịu rủi ro từ việc tố cáo.Pháp luật hiện hành hiện chưa có quy định về việc xử lý tài sản không minh bạch. Theo một số ý kiến, sự thiếu hụt này làm cho biện pháp minh bạch tài sản, xác minh tài sản trở nên hình thức. Để khắc phục, dự thảo Luật cần bổ sung các quy định liên quan đến quản lý, xử lý tài sản không minh bạch. Theo đó, cơ quan chức năng có quyền yêu cầu giữ nguyên hiện trạng tài sản, phong tỏa tài khoản, kiểm soát tài sản, thu nhập khi có dấu hiệu tẩu tán, hủy hoại tài sản, thu nhập; yêu cầu cơ quan quản lý thuế xem xét, xử lý và truy thu thuế đối với những khoản thu nhập tăng thêm mà không kê khai. Đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý thì cơ quan được giao chức năng kiểm soát tài sản, thu nhập có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án cấp có thẩm quyền để phát quyết về nguồn gốc của phần tài sản, thu nhập đó theo trình tự khởi kiện vụ án dân sự.

Về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đã nghỉ hưu, nhiều ý kiến cho rằng, khi thấy có hành vi vi phạm pháp luật xảy ra, người tố cáo báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền biết nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật tiếp diễn, khắc phục các hậu quả của hành vi vi phạm và cuối cùng mới xử lý đối với người vi phạm (người bị tố cáo) là rất cần thiết.

Các đại biểu cho rằng, đây là bổ sung rất quan trọng và kịp thời nhằm tạo cơ sở pháp lý để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xác định trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu, hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng có hành vi vi phạm pháp luật khi còn đương chức, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiên nhiệm vụ, công vụ được giao.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề nghị cần nghiên cứu để quy định cụ thể hơn việc xử lý đối với hậu quả vi phạm và thời hiệu chịu trách nhiệm của chủ thể đối với từng loại hành vi vi phạm. Để bảo đảm quyền tố cáo của con người, các ý kiến cho rằng, dự thảo Luật không nên đặt ra điểm dừng trong tố cáo…

(Theo ĐBND)

Các bài viết khác