Thực tiễn thi hành pháp luật đặc xá và định hướng sửa đổi bổ sung Luật Đặc xá

25/01/2018

Sáng 25/1, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức Tọa đàm "thực tiễn thi hành pháp luật đặc xá và định hướng sửa đổi, bổ sung Luật đặc xá", dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật.

Tọa đàm thực tiễn thi hành pháp luật đặc xá                                                                              

Tham dự tọa đàm có đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước, đại diện các cơ quan tổ chức hữu quan cùng các chuyên gia.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật cho biết, Luật Đặc xá được Quốc hội khoá XII thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực từ ngày 01/3/2008, đã thể chế hoá quan điểm, chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với người phạm tội. Luật đã cụ thể hoá quy định về thẩm quyền đặc xá trong Hiến pháp, xác định rõ nguyên tắc pháp lý cơ bản về trình tự, thủ tục, đối tượng, tiêu chuẩn của đối tượng được đặc xá, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác đặc xá...

Thời gian qua, việc thi hành Luật Đặc xá bảo đảm được các yêu cầu về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, đối ngoại. Nhưng trong quá trình thực thi đã bộc lộ một số hạn chế so với nhiều quy định mới của Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017, Luật Thi hành án hình sự năm 2010… Nhiều quy định của Luật cũng chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai. Vì vậy, Chính phủ đã đề nghị với Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2018 việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá. Dự kiến, dự án luật này sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Để có thêm thông tin về cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ cho việc thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức Tọa đàm về “Thực tiễn thi hành pháp luật Đặc xá và định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật cho rằng, tọa đàm sẽ là cơ hội tốt để Thường trực Ủy ban Tư pháp cùng các đại biểu, các cơ quan hữu quan trao đổi một cách khách quan, nghiêm túc, khoa học về việc thi hành pháp luật đặc xá thời gian qua, đồng thời đề xuất các nội dung, quy định cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật chủ trì Tọa đàm

Sửa đổi bổ sung Luật Đặc xá năm 2007 là cần thiết

Phát biểu tại tọa đàm, đại diện Bộ Công an - cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá cho biết, sau 10 năm thi hành Luật Đặc xá, Chủ tịch nước đã 07 lần ban hành Quyết định đặc xá. Tính từ năm 2009 đến nay, Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá cho 87.020 phạm nhân và 1.123 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Quá trình thực hiện công tác đặc xá được tiến hành theo quy trình xét duyệt thống nhất, khoa học và chặt chẽ, thể hiện sự công khai, dân chủ, minh bạch, khẳng định tính hiệu quả trong đổi mới công tác thi hành án phạt tù, nhất là đổi mới trong công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân. 

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Đặc xá vẫn còn có ý kiến chưa đồng thuận với việc tha trước thời hạn phạt tù cho phạm nhân mà không có điều kiện, chế định pháp lý ràng buộc nên tính nghiêm minh của pháp luật không cao; Luật hiện hành chưa có nội dung quy định về điều kiện tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị đặc xá  đối với người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; chưa có quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tối cao trong việc thực hiện đặc xá; chưa quy định thời điểm kiểm sát việc lập hồ sơ đặc xá… dẫn đến việc hướng dẫn, tổ chức thực hiện đặc xá của các cơ quan có thẩm quyền trong một số trường hợp còn nhiều lúng túng.

Mặt khác, Luật Đặc xá được ban hành từ năm 2007 nên một số nội dung của Luật không phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như Hiến pháp 2013; Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017; Luật thi hành án hình sự. Do đó, cần thiết phải sửa đổi bổ sung Luật Đặc xá để phù hợp với thực tiễn và bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Theo đó, dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung theo hướng bảo đảm chặt chẽ hơn điều kiện tha tù trước thời hạn có điều kiện, được quy định trong Bộ luật hình sự 2015; quy định cụ thể chặt chẽ những trường hợp không đề nghị đặc xá; Quy định trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị đặc xá phù hợp với thực tiễn; bổ sung trách nhiệm của chủ thể thực hiện nhiệm vụ đặc xá…

Nhất trí với qua điểm cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá, Vụ phó Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Chí Công đề nghị, cần nghiên cứu, sửa đổi Luật Đặc xá theo hướng sửa đổi điều kiện được đề nghị đặc xá về thời hạn chấp hành án phạt tù, thời gian thử thách đối với những người được đặc xá, các nghĩa vụ và chế tài xử lý trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ; quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc tổ chức thực hiện đặc xá cũng như trình tự, thủ tục ban hành văn bản về đặc xá bảo đảm phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật.  

Cần có hướng tiếp cận mới trong sửa đổi bổ sung Luật Đặc xá

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng phát biểu tại tọa đàm

Phát biểu tại toạ đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng cho rằng, trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá cần xác định rõ cách tiếp cận xây dựng luật. Theo Phó Chủ nhiệm, Luật Đặc xá 2007 được ban hành là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của pháp luật về đặc xá ở Việt Nam, đưa hoạt động này trở nên bài bản hơn và đạt được những kết quả nhất định. Vì vậy, lần sửa đổi bổ sung hoàn thiện pháp luật về đặc xá lần này cần có cách tiếp cận mới, bảo đảm quyền cơ bản của con người.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nhấn mạnh: phải lưu ý tính chất đặc thù của đặc xá, không thể đánh đồng đặc xá với tha tù trước thời hạn có điều kiện. Đặc xá là quyền của Chủ tịch nước, quyết định khi thấy cần thiết căn cứ vào tình hình chính trị xã hội, yêu cầu đối nội đối ngoại và trong một số trường hợp đặc biệt. Do đó, nếu quy định điều kiện tiêu chuẩn của đặc xá chặt chẽ hơn, nghiêm khắc hơn cả quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện (Điều 66 Bộ luật Hình sự) là bất hợp lý. Đồng thời, cần hướng tới quy định đặc xá là hãn hữu, Chủ tịch nước cân nhắc quyết định khi thấy cần thiết thỏa mãn những điều kiện nhất định thay vì quy định cụ thể thời điểm xét đặc xá.  

Đại diện đại biểu Trại giam số 2 Công an Tp.Hà Nội phát biểu ý kiến tại toạ đàm

Cùng quan điểm với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, đại diện Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội, đại diện Trại giam số 2 Công an TP.Hà Nội, Trại giam Thanh Xuân đều cho rằng, nên coi đặc xá là đặc thù và nên mở rộng điều kiện tiêu chuẩn xét đặc xá thay vì quy định khắt khe hơn so với chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện trong Bộ luật Hình sự. Từ đó, xem xét sửa đổi các điều kiện xét đặc xá như phạm tội lần đầu, đánh giá xếp loại cải tạo tốt hay khá, thủ tục xét đặc xá…theo hướng mở rộng hơn; đề cao vai trò của Chủ tịch nước quyết định xem xét đặc xá là trường hợp đặc biệt, không nên cố định thời gian đặc xá, tạo động lực khuyến khích phạm nhân phấn đấu cải tạo.

Các đại biểu cũng đề nghị, trong quá trình soạn thảo, sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá cần tiến hành rà soát bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; bổ sung hoàn thiện các quy định liên quan đến thủ tục xét đặc xá, trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan hữu quan…để nâng cao hiệu quả thực tiễn của công tác đặc xá trong thời gian tới.

Bảo Yến - Lê Huy