Toàn cảnh Phiên thảo luận Tổ 12
Tổ 12 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: An Giang; Phú Yên; Quảng Trị; Lào Cai do Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang chủ trì phiên thảo luận. Đa số ý kiến các Đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Trồng trọt. Các đại biểu cho rằng, Dự án Luật Trồng trọt ra đời nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trồng trọt, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường; có cơ cấu quản lý, sản xuất, kinh doanh hợp lý; tạo lập được nền sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng và từng bước hiện đại hoá, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế quốc tế.
Tại buổi thảo luận, các đại biểu tập trung cho ý kiến về những điểm mới quy định trong dự thảo Luật như: giống cây trồng, phân bón, canh tác, thu hoạch, mua, bán, sơ chế, chế biến, bảo quản, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt. Góp ý về tên gọi của Luật, đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho rằng, với phạm vi điều chỉnh như dự thảo Luật thì tên gọi Luật nên là Luật Canh tác nông nghiệp.
Về cấp quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng quy định tại Điều 27 của dự thảo Luật, đại biểu Giàng Thị Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai kiến nghị, trong dự án Luật cần làm rõ tiêu chí đối với “giống cây trồng đã tồn tại phổ biến”, “kiến nghị của địa phương nơi giống đang lưu hành” là chính quyền cấp nào để tránh tình trạng cùng một giống mà có nhiều địa phương công nhận.
Đại biểu Giàng Thị Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai
Mặc dù đánh giá cao sự cần thiết ban hành Luật và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Chính phủ về hồ sơ dự án luật nhưng Đại biểu Nguyễn Sỹ Lâm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cũng đề nghị quy định tại Luật không thể ngắn gọn mà cần cụ thể hóa hơn để dễ triển khai khi áp dụng vào cuộc sống. Đồng thời, về quy định tổ chức thực hiện liên quan đến chuỗi sản xuất theo quy định tại dự thảo còn chung chung. Đại biểu đề nghị cần cụ thể trách nhiệm của các bộ, nghành có liên quan, đảm bảo tính khả thi trên thực tế.
Góp ý về quản lý canh tác được quy định tại Chương IV của dự thảo Luật, có ý kiến đại biểu đề nghị, đây là nội dung mới và quan trọng. Tuy nhiên, các quy định về canh tác trong dự thảo Luật hiện nay còn chung chung, tính quy phạm chưa cao, chưa rõ chủ thể điều chỉnh trong hoạt động canh tác là đối tượng nào. Do vậy, ban soạn thảo cần bổ sung những nội dung về thẩm quyền xác lập các vùng canh tác; chế tài xử lý đối với vi phạm về canh tác; …
Đại biểu Quốc hội tại Phiên họp Tổ
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung hoặc giải trình thêm một số vấn đề về bố cục lại chương, về giải thích từ ngữ, hành vi bị cấm. Đồng thời, cần có báo cáo đánh giá tổng kết, đánh giá tác động đối với một số chính sách mới được quy dịnh trong Luật như quy dịnh về chính sách bảo hiểm đối với cây trồng; về cấp mã số vùng trồng;…/.