Tại tổ số 06 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng, Thái Bình và Bình Định, dưới sự điều hành của Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên, các đại biểu đã nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu làm rõ một số vấn đề ĐBQH quan tâm tại tổ thảo luận
Hướng tới xây dựng hệ thống giáo dục quốc dân mở và liên thông
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ nêu rõ, Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học có mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó với nhau. Trong đó, Luật Giáo dục được hiểu là luật khung, làm nền tảng để trên cơ sở đó sẽ có các luật về các bậc học cụ thể và hướng tới hình thành một bộ luật về giáo dục hoàn chỉnh.
Trong quá trình rà soát sửa đổi các luật này, Bộ xét thấy cần phải sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục bởi luật này đã qua nhiều lần sửa đổi với nhiều nội dung cần phải điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn, cụ thể hóa các quan điểm của Đảng và Hiến pháp 2013.
Về hệ thống giáo dục quốc dân có các bậc học, giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên không kết dính được với nhau thậm chí không liên thông được. Đây là cản trở lớn đối với người học. Hiểu rõ điều này, Chính phủ chủ động xây dựng hệ thống giáo dục quốc dân các bậc học từ mầm non đến phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, đại học rồi kết nối với giáo dục suốt đời và gắn với khung trình độ quốc gia để xét chuẩn đầu ra và kế thừa, tiếp thu những kết quả đạt được cũng như kinh nghiệm quốc tế tương đối hoàn chỉnh. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định về vấn đề này và nhưng vì đợi luật nên những nội dung này chưa được triển khai.
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên điều hành nội dung thảo luận tại tổ 06
Cách tiếp cận trong xây dựng hệ thống giáo dục này là người học không phải chỉ có bằng cấp là xong mà học suốt đời và người học được thuận lợi trong tiếp cận giáo dục, trong chuyển đổi, mức độ liên thông rất cao giữa các bậc học của hệ thống và giữa hệ thống giáo dục chính quy với giáo dục suốt đời. Trong điều kiện ứng dụng công nghệ trong giáo dục, đào tạo thì người học có thể học rất nhiều kiến thức đáp ứng yêu cầu đầu ra của các bậc học khác nhau chứ không nhất thiết phải theo khóa, trường lớp.
Bộ trưởng nhấn mạnh đây là điểm nhấn trong sửa đổi Luật Giáo dục lần này để có một hệ thống giáo dục bảo đảm tính mở và liên thông.
Vẫn sử dụng tên gọi “học phí” trong Luật Giáo dục
Về học phí, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, vấn đề này Bộ đã xin ý kiến rất nhiều tuy nhiên hiện nay vẫn có một số người và trong dư luận chưa hiểu rõ. Bộ trưởng khẳng định, trong Điều 105 dự thảo Luật Giáo dục ghi rõ là học phí và vẫn dùng tên gọi học phí, không bỏ học phí. Học phí là khoản tiền mà người học phải nộp cho người cung cấp dịch vụ một phần hoặc toàn bộ.
Bộ trưởng giải thích thêm, thực tế học phí không phải bao trùm tất cả chi phí mà cơ sở đào tạo cung cấp, trong đó có một số loại chi phí do Nhà nước đặt hàng. Những chi phí này áp dụng theo Luật Giá thì mới tính được giá. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tính theo khung giá để áp dụng chứ không phải tính tùy tiện. Ngay cả lệ phí thi, giờ không gọi là lệ phí nữa mà giá dịch vụ đó cũng phải được xem xét và Bộ Tài chính đồng ý thì mới được ban hành.
Như vậy, gọi là giá dịch vụ để trong quá trình các tổ chức hoạt động đào tạo hay khoản tiền mà đơn vị được thu và tính trong các định mức thì cũng phải xây dựng thang tính đúng tính đủ. Khi đó, giá dịch vụ phải được hiểu là những chi phí tính đúng tính đủ mà một cơ sở đào tạo cần phải có để cung cấp dịch vụ giáo dục đại học.
Các đại biểu Quốc hội tại tổ 06
Vì vậy, Luật Giáo dục đại học thêm một điều gọi là giá dịch vụ để phù hợp với Luật Giá và để sau này có lộ trình tính học phí theo Nghị định 16 và Nghị quyết 19-NQ/TƯ. Trong đó xác định tinh thần các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập từng bước tính đúng tính đủ theo giá dịch vụ chứ không phải giá dịch vụ theo hướng thương mại hóa. Từ đó, các cơ sở giáo dục đại học công lập được tính toán một cách minh bạch các chi phí.
Nâng chuẩn đầu vào và đầu ra của ngành sư phạm
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn thừa nhận cần phải nhìn nhận lại chuẩn đầu vào sư phạm. Trước thực tế đó, Bộ đã xin ý kiến Chính phủ và các trường đại học khối sư phạm và quyết định năm học tới chuẩn đầu vào sẽ do các trường tự quyết định, Bộ giám sát trên cơ sở bảo đảm chất lượng nhưng riêng đối với khối đào tạo giáo viên thì Bộ vẫn kiểm soát và nâng chuẩn đầu vào. Cụ thể xét vào khối sư phạm thì đại học phải giỏi, cao đẳng phải khá và điểm thi phải cao.
Nhấn mạnh điều quan trọng phải là chuẩn giáo viên, Bộ trưởng cho biết, tới đây cách thức đào tạo giáo viên sẽ đa dạng, bên cạnh cách truyền thống còn có mô hình đào tạo giáo viên trên cơ sở đào tạo cơ bản ví dụ cử nhân toán học thêm 1-2 năm về sư phạm giáo dục thì khi đó giáo viên toán trình độ rất sâu.
Đối với quy định cho thầy cô giáo, Bộ trưởng cho biết có rất nhiều thay đổi và yêu cầu sửa đổi rất cơ bản để trên cơ sở đó sau này sẽ phát triển thành luật nhà giáo. Hướng tiếp cận của Luật là phải chuẩn hóa chương trình đào tạo, kỹ năng và quy định nghề nghiệp đối với nhà giáo theo tinh thần Nghị quyết 29 của TW và các quy định về đổi mới giáo dục đào tạo. Theo đó, chuẩn đào tạo đối với giáo viên phải được nâng lên và nâng lên có lộ trình. Dự thảo dự kiến là từ 5-6 năm tức năm 2016 là chốt cuối cùng để từ đó Chính phủ có kế hoạch nâng chuẩn giáo viên.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi bên lề với các phóng viên, làm rõ nội dung giá dịch vụ đại học
Ngoài ra tại phiên họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng làm rõ nhiều nội dung của hai dự thảo luật như khái niệm đại học và trường đại học; giáo dục thường xuyên; trường tư thục; chính sách ưu đãi đối với sinh viên sư phạm…Cùng với đó, Bộ trưởng bày tỏ tiếp thu đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội về các vấn đề như tên gọi của Luật theo đó Bộ sẽ trình với Chính phủ để sửa đổi tên gọi của dự thảo Luật là Luật Giáo dục 2018; đồng thời tiếp tục làm rõ nhiều nội dung về phân định rõ các bậc học để từ đó sau này có thể phát triển lên thành luật cũng như quan tâm hơn đến các chính sách đầu tư; làm rõ các mục tiêu theo đặc điểm riêng của từng bậc học.