THẢO LUẬN TỔ 06 KỲ HỌP 5 QUỐC HỘI KHÓA XIV: BẢO ĐẢM XỬ LÝ TÀI SẢN BẤT MINH TRÊN CƠ SỞ CĂN CỨ PHÁP LUẬT

31/05/2018

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, chiều 31/5, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Tại tổ 06, các đại biểu cho rằng việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý cần phải có cơ sở pháp lý rõ ràng.

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên điều hành nội dung thảo luận tại tổ 06

Tổ 06 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, 

Dự thảo Luật đã bổ sung quy định mới về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm và chưa có căn cứ xác định do phạm tội mà có (tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý về nguồn gốc), theo 02 phương án:

Phương án 1: Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, dự thảo Luật sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (bổ sung Điều 18a và điểm g khoản 2 Điều 23), quy định mức thuế suất 45% đối với thu nhập do người có nghĩa vụ kê khai đã kê khai không trung thực hoặc có tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc theo quy định của Luật PCTN (Điều 123 của dự thảo Luật). Chính phủ lựa chọn phương án này.

Phương án 2: Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc.

Đối với cả 2 phương án, dự thảo Luật đều quy định người bị thu thuế hoặc bị xử phạt hành chính có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện tại Tòa án hành chính về kết luận xác minh tài sản, thu nhập. Việc thu thuế hay xử phạt hành chính đều không loại trừ trách nhiệm hình sự nếu các cơ quan có thẩm quyền chứng minh tài sản đó do phạm tội mà có.

Các đại biểu Quốc hội tại buổi làm việc tổ

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Bùi Quốc Phòng – Thái Bình, bày tỏ đồng tình với phương án một của dự thảo  và cho biết hiện nay chưa có quy định cụ thể về xử lý tài sản bất minh trong khi đây là tài sản tiềm ẩn khả năng do tham nhũng mà có. Do đó việc bổ sung quy định đối với các loại tài sản này là rất cần thiết.

Đại biểu cũng đề nghị, do đây là vấn đề liên quan đến sở hữu tài sản và quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định nên việc xử lý phải bảo đảm hết sức thận trọng bảo đảm quyền lợi chính đáng của người kê khai, Ban soạn thảo xác đinh tiêu chí xác định thế nào là “không giải trình được một cách hợp lý” để tránh tùy tiện trong áp dụng.

Có cùng đề nghị, đại biểu Đỗ Văn Bình – Tp. Hải Phòng, cho rằng đề xuất của Chính phủ chưa được giải trình một cách rõ ràng, chưa có cơ sở pháp lý vững chắc. Bởi quy định chưa có tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là “không giải trình được một cách hợp lý”; cùng với đó quy định truy thu thuế với tỷ lệ 45% là chưa có cơ sở. Đại biểu đặt câu hỏi tại sao lại là 45% mà không phải tỉ lệ khác, có nên hiểu là cố gắng đánh thuế để thu hồi một phần tài sản vì vậy cần phải giải trình nội dung này một cách rõ ràng.

Đại biểu Nguyễn Phi Long phát biểu tại buổi làm việc

Đại biểu Nguyễn Phi Long – Bình Định, cũng cho rằng việc truy thu thuế đối tài sản thu nhập kê khai không trung thực hoặc không giải trình được một cách hợp lý cần nghiên cứu kĩ. Không thể quyết định truy thu thuế 45% hay bao nhiêu đó chỉ vì lí do không hợp lý mà phải có căn cứ, cơ sở rõ ràng. Nếu phát hiện có vi phạm thì đưa ra tòa và thông qua thủ tục tố tụng chứng minh được tài sản do tham nhũng mà có thì tịch thu. Trong trường hợp tài sản tăng thêm không phải do tham nhũng mà có được xác định là nguồn thu không thường xuyên bất thường thì xem xét truy thu thuế và xử lý vi phạm hành chính chứ không chỉ truy thu 45% là xong.

Nhấn mạnh quan điểm phải phải thu hồi được tài sản tham nhũng, nếu không thu hồi được tài sản tham nhũng thì công tác phòng, chống tham nhũng là không hiệu quả, đại biểu Nguyễn Hữu Thuận – Tp. Hải Phòng cho rằng cần tăng cường kiểm soát đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền phát biểu tại buổi làm việc

Tuy nhiên, nếu xử lý như phương án của dự thảo luật thì cần phải xem xét sửa đổi cả Bộ luật Hình sự, các luật về thuế… Bởi khi đó chúng ta đã vô tình đẩy từ suy đoán vô tội thành suy đoán có tội và đẩy nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc tài sản cho người kê khai. Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thuận muốn thực hiện xử lý tài sản bất minh, thực hiện hiện phòng chống tham nhũng thì phải thật chặt chẽ, phải có đủ quy định của pháp luật, dựa trên quy định của pháp luật bảo đảm quyền hiến định của công dân chứ không thể làm bằng mọi giá.

Cùng với đó đại biểu cho rằng phải đẩy mạnh thực chất của việc kê khai tài sản. Công chức phải có nghĩa vụ kê khai tài sản và phải được bổ sung thông tin hàng năm, trở thành cơ sở dữ liệu. Một khi thấy tài sản phát sinh nhưng không có trong cơ sở dữ liệu thì mới có cơ sở để xử lý. Do đó phải thực hiện kê khai một cách chặt chẽ từ khi có luật, phải yêu cầu kê khai chặt chẽ và bảo đảm xử lý mọi vấn đề trên cơ sở quy định của pháp luật.

Ở khía cạnh khác, đại biểu Bùi Văn Xuyền – Thái Bình, cho rằng nếu cứ mãi băn khoăn vấn đề quyền tài sản hay trách nhiệm chứng minh như một số đại biểu đã nêu thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì và sẽ khó để đi đến thống nhất thông qua được luật.

Đại biểu lưu ý, đã là đảng viên, cán bộ công chức thì phải chấp hành nghiêm điều lệ Đảng và Luật Cán bộ, công chức. Vì vậy phải có trách nhiệm kê khai tài và kê khai một cách trung thực, kê khai không trung thực thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Do đó đại biểu thống nhất quan điểm phải quy định trong luật trách nhiệm kê khai tài sản và xử lý kê khai tài sản không trung thực một cách chặt chẽ trong luật và triển khai thực hiện nghiêm túc quy định kê khai kiểm soát trên cơ sở dữ liệu và có cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập từ bây giờ.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân phát biểu tại buổi làm việc

Trước nhiều quan điểm khác nhau về việc thực hiện kê khai tài sản và xử lý tài sản kê khai không trung thực, tài sản không giải trình được một cách hợp lý, đại biểu Nguyễn Văn Thân – Thái Bình đề xuất cách thức thực hiện kê khai tài sản bắt đầu từ khi luật có hiệu lực, kê khai đầy đủ, kê khai trung thực trong đó không truy xét nguồn gốc những tài sản đã có, còn từ thời điểm sau kê khai tài sản, thu nhập của những đối tượng có trách nhiệm kê khai được kiểm soát chặt chẽ và xử lý theo luật. Đồng thời không miễn trừ trách nhiệm đối với tài sản trước kê khai mà phát hiện có được do vi phạm pháp luật. Đề xuất này nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ.

Bảo Yến - Nhóm ảnh