MỘT SỐ NỘI DUNG CHÍNH CỦA LUẬT TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC NĂM 2017

29/06/2018

Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2017 tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 tới, thay thế cho Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV

Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 gồm  9 chương, 78 Điều. Cụ thể Chương I: Những quy định chung, Chương II: Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Chương III: Thiệt hại được bồi thường; Chương IV: Cơ quan giải quyết bồi thường; Chương V: Thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; Chương VI: Kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả; Chương VII: Trách nhiệm hoàn trả; Chương VIII: Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước; Chương IX: Điều khoản thi hành.

Các quy định của Luật năm 2017 được đánh giá là sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong thực thi công vụ; tạo thuận lợi cho việc giải quyết bồi thường; bảo đảm tốt hơn quyền của người bị thiệt hại; cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường có đầy đủ cơ sở pháp lý và các biện pháp để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, qua đó, nắm bắt một cách toàn diện và thực chất tình hình thực hiện công tác bồi thường nhà nước.

Trên cơ sở quy định của Luật, đòi hỏi các cơ quan nhà nước, đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường cần rà soát, có giải pháp kiện toàn, tăng cường năng lực đội ngũ công chức làm công tác bồi thường.

Cổng thông tin điện tử Quốc hội xin giới thiệu một số nội dung chính của Luật như sau:

1. Về đối tượng có quyền yêu cầu bồi thường

So với Điều 2 và Điều 4 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009, Điều 5 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 về quyền yêu cầu bồi thường đã quy định cụ thể và rõ ràng hơn về những đối tượng có quyền yêu cầu bồi thường và quy định rõ hơn từng nhóm đối tượng có quyền yêu cầu bồi thường, cụ thể:

Một là, những người đương nhiên có quyền yêu cầu bồi thường, bao gồm: Người bị thiệt hại; Người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; Tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại; Người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật dân sự.

Hai là, những người có quyền yêu cầu bồi thường theo ủy quyền của những người đương nhiên có quyền yêu cầu bồi thường.

2. Thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại

a) Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại:

- Trường hợp đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường: Thời hiệu yêu cầu bồi thường là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường.

- Đối với trường hợp yêu cầu bồi thường kết hợp trong quá trình giải quyết vụ án hành chính: Được xác định theo thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính.

b) Đối với yêu cầu phục hồi danh dự

Không áp dụng quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường đối với trường hợp yêu cầu phục hồi về danh dự.

c) Thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường:

- Khoảng thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật dân sự làm cho người có quyền yêu cầu bồi thường không thể thực hiện được quyền yêu cầu bồi thường.

- Khoảng thời gian mà người bị thiệt hại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi chưa có người đại diện theo quy định của pháp luật hoặc người đại diện đã chết hoặc không thể tiếp tục là người đại diện cho tới khi có người đại diện mới.

3. Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

So với Điều 6 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009, Điều 7 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 quy định căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo hướng quy định cụ thể từng căn cứ. Riêng đối với căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ thì quy định tương với các cơ chế giải quyết bồi thường đã được quy định tại Điều 4 về nguyên tắc bồi thường của Nhà nước, cụ thể:

a) Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng. Căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng bao gồm:

- Có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước và có yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự giải quyết yêu cầu bồi thường;

- Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính đã xác định có hành vi trái pháp luật của người bị kiện là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và có yêu cầu bồi thường trước hoặc tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại.

- Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự đã xác định có hành vi trái pháp luật của bị cáo là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và có yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

b) Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước.

c) Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.

4. Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

- Trong lĩnh vực quản lý hành chính;

- Trong lĩnh vực tố tụng hình sự;

- Trong lĩnh vực tố tụng dân sự, tố tụng hành chính

- Trong lĩnh vực thi hành án hình sự;

- Trong lĩnh vực thi hành án dân sự.

5. Cơ quan giải quyết bồi thường

- Cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính;

- Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự.

- Viện Kiểm sát giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự;

- Tòa án giải quyết bồi thường trọng hoạt động tố tụng hình sự; tố tụng dân sự; tố tụng hành chính;

- Cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động thi hành án hình sự;

- Cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự.

6. Thời gian giải quyết bồi thường: Từ 41 ngày – 71 ngày.

Cùng có hiệu lực với Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước là Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Bảo Yến