BỘ TRƯỞNG BỘ LĐ,TB&XH ĐÀO NGỌC DUNG: KHÔNG CÓ CHUYỆN CÁC DOANH NGHIỆP FDI SA THẢI LAO ĐỘNG ĐỘ TUỔI 30, 35 VỚI TỶ LỆ LỚN

04/07/2018

Quan tâm đến vấn đề bảo vệ quyền lợi của lao động khu vực FDI, lao động tại khu vực Trung đông, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải trình rõ và có gải pháp cụ thể về vấn đề này.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn

Đề nghị các doanh nghiệp FDI quan tâm nhiều hơn đến phúc lợi xã hội

Đặt vấn đề chất vấn đối với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đại biểu Quốc hội Phùng Thị Thường - Vĩnh Phúc cho rằng, hiện nay những quy định về pháp luật như Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn đã có nhưng vẫn còn nhiều bất cập về bảo vệ quyền lợi cho người lao động khu vực ngoài nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cụ thể để bảo vệ một cách có hiệu quả cho người lao động trong khu vực nói trên? Giải pháp trước mắt và lâu dài để giải quyết tình trạng người lao động nói chung và lao động làm việc tại các doanh nghiệp FDI nói riêng có xu hướng thất nghiệp ngày càng tăng, nhất là lao động nữ khi đến tuổi 35?

Đại biểu Quốc hội Phùng Thị Thường đặt câu hỏi

Trả lời vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, FDI thời gian vừa qua có đóng góp rất lớn về kinh tế cho đất nước; góp phần rất quan trọng vào giải quyết lực lượng lao động của chúng ta. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, tính đến nay, riêng khu vực FDI có khoảng 2,68 triệu người lao động đang làm việc. Trong đó một số tập đoàn lớn như Pou Chen khoảng 150.000 lao động, Samsung khoảng 170.000 lao động, hãng Nike khoảng 400.000 lao động. Đa số những tập đoàn, những doanh nghiệp FDI lớn rất quan tâm đến đời sống phúc lợi của người lao động,  những vụ việc xảy ra chủ yếu là những doanh nghiệp nhỏ và lẻ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian vừa qua, Thủ tướng, Phó thủ tướng, các đồng chí lãnh đạo các cơ quan đã đi kiểm tra thực tiễn; đối thoại với doanh nghiệp FDI; đối thoại với công nhân; đề nghị các doanh nghiệp FDI quan tâm nhiều hơn đến phúc lợi xã hội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng khẳng định, không có chuyện thời gian vừa qua các doanh nghiệp FDI sa thải số lao động tuổi 30, 35 với tỷ lệ lớn. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội khảo sát và kiểm tra thực tiễn ở một số doanh nghiệp của các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả kiểm tra chỉ có 11% người lao động nghỉ việc, trong số 11% này, xin nghỉ việc hoặc nghỉ một lần vì nguyện vọng cá nhân hoặc nhiều lý do khác nhau chứ không phải bị sa thải. Tiếp thu ý kiến đại biểu, chăm lo cho lao động khu vực FDI, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ đã đồng ý để Bộ xây dựng và triển khai một dự án về tổ chức đào tạo, đào tạo lại cho công nhân, người lao động FDI khi thất nghiệp hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp FDI có thể đào tạo, chuyển nghề cho người lao động khi doanh nghiệp thay đổi cơ cấu sản xuất.

Vì sao Bộ LĐ-TB&XH dừng tuyển lao động một số địa phương đi làm việc tại Hàn Quốc?

Quan tâm đến vấn đề lao động Việt Nam tại nước ngoài, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Man - Quảng Bình chỉ ra rằng, trong thời gian qua, Bộ trưởng đã chỉ đạo tháo gỡ nhiều khó khăn cho các tỉnh bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển và các tỉnh miền Trung bằng việc tạo điều kiện cho hàng chục nghìn lao động được tham gia thị trường lao động Hàn Quốc. Song, gần đây, Bộ đã ban hành văn bản dừng tuyển chọn lao động tại một số địa phương đi làm việc tại Hàn Quốc. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết việc làm này có đúng quy định hay không và tại sao như vậy? Trước tình trạng giúp việc gia đình tại Trung Đông có đơn kêu cứu, Bộ đã chấn chỉnh như thế nào? Vì sao đến nay chúng ta không bố trí cán bộ của ngành và doanh nghiệp lập văn phòng để hỗ trợ người lao động tại các nước này?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Man đặt vấn đề chất vấn

Trả lời câu hỏi tại sao thời gian vừa qua Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lại dừng việc tiến hành đưa người lao động Việt Nam đi xuất khẩu tại Hàn Quốc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, đây không phải là chủ trương của Bộ. Do thời gian vừa qua, ở nhiều địa phương có tình trạng hết hợp đồng lao động trốn ở lại, lao động bất hợp pháp, phía Hàn Quốc yêu cầu và đặt ra một nguyên tắc, tất cả những huyện có tỷ lệ bỏ trốn ở lại trên 30% thì Hàn Quốc không đồng ý tuyển dụng lao động ở những huyện đó. Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ đã cố gắng đàm phán và thuyết phục phía bạn đồng ý cho ta đưa được 18.000 người lao động sang Hàn Quốc.

Về tình hình Trung Đông, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, chúng ta chưa đưa người đi lao động Trung Đông mà mới tập trung đưa người lao động Việt Nam đi Ảrập Xê út. Số lượng hiện nay khoảng 9.000 lao động đi Ảrập Xê út, chủ yếu là giúp việc gia đình. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đây là địa bàn này rất nhạy cảm, công việc nhạy cảm, sức ép lớn; tuy nhiên, có điều kiện thuận lợi là người đi  không cần đáp ứng yêu cầu cao về tiêu chuẩn, ngoại ngữ. Nhận định được sự phức tạp của khu vực lao động này, Bộ đã nhiều lần đưa ra cảnh báo và nhắc nhở các doanh nghiệp cũng như khuyến cáo với nhân dân hạn chế đi lao động khu vực này.

Về việc mở văn phòng để hỗ trợ người lao động tại một số nước, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, Bộ đã mở văn phòng và bố trí nhân lực để tổ chức một số hoạt động. Đồng thời, để giúp đỡ các lao động tại Ảrập Xê út, thời gian tới, Bộ lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tổ chức xây dựng mô hình nhà tạm lánh để trong trường hợp xảy ra các rủi ro thì công dân Việt Nam có thể tạm lánh ở đây để chính quyền tác động, hỗ trợ tư pháp cho một số trường hợp./.

Hồ Hương