QUY ĐỊNH RÕ VIỆC SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG CỦA ĐẠI HỌC CÔNG LẬP VÀO MỤC ĐÍCH KINH DOANH

07/07/2018

Tại phiên họp của Ủy ban VH, GD, TN, TN & NĐ làm việc với Bộ GD & ĐT về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học vào chiều 06/7, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị quy định rõ việc sử dụng tài sản công của trường Đại học công lập vào mục đích kinh doanh

Toàn cảnh phiên họp

Quy định rõ điều kiện để cơ sở GDĐH được tự chủ

Theo Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, đại diện Ban soạn thảo- Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD & ĐT Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, về tự chủ đại học, có ý kiến kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ mức độ, lộ trình, thời gian, các điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự chủ và các yêu cầu, nội dung, phương thức thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai; có chính sách ưu đãi thích hợp nhằm khuyến khích các trường có tiến bộ về chất lượng đào tạo trong quá trình thực hiện tự chủ. Bên cạnh đó, đề nghị quy định rõ hơn về cơ chế tự chủ đại học; quy định rõ hơn về vấn đề về tự chủ học thuật; tăng tính tự chủ về tài chính, nhân sự cho cơ sở giáo dục đại học; phân biệt rõ sự khác biệt và mức độ, phạm vi thực hiện tự chủ của các loại hình trường công lập và tư thục; quy định về tự chủ trong quản lý sinh viên và ý kiến cho rằng sẽ nảy sinh bất cập nếu giao tự chủ đồng loạt cho các cơ sở giáo dục đại học.

Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Triệu Thế Hùng phát biểu ý kiến

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung này, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã được chỉnh lý theo hướng sửa đổi, bổ sung Điều 32 Luật GDĐH hiện hành và các điều liên quan khác. Cụ thể như quy định rõ điều kiện để cơ sở GDĐH được tự chủ, làm rõ trách nhiệm giải trình trên nguyên tắc minh bạch, khách quan và trung thực, thông qua chế độ thông tin, báo cáo, kiểm toán tài chính, công khai kết quả hoạt động thường niên và chịu trách nhiệm trước pháp luật; quy định rõ về cơ chế kiểm định chất lượng trong việc thực hiện tự chủ đại học cũng như vai trò, vị trí của Hội đồng trường trong việc dẫn dắt trường phát triển.

Phát biểu ý kiến về nội dung này, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Triệu Thế Hùng đề nghị Ban soan thảo giải thích, làm rõ điều kiện, mức độ, lộ trình, yêu cầu đối với các cơ sở GDĐH thực hiện tự chủ và trách nhiệm giải trình về chủ thể, đối tượng, nội dung, phương thức giải trình và yêu cầu minh bạch thông tin; chính sách khuyến khích đối với cơ sở GDĐH thực hiện tốt tự chủ.

Quy định cụ thể cơ chế phối hợp giữa Hội đồng trường, Đảng ủy, Ban Giám hiệu

Liên quan đến Hội đồng trường, Báo cáo của Bộ Giáo dục & Đào Tạo, các đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung, quy định rõ hơn trách nhiệm của Hội đồng trường; phù hợp với từng loại hình trường; quy định chặt chẽ về mối quan hệ độc lập giữa Hội đồng trường và Ban giám hiệu và cần có quy định nâng cao vai trò của hội đồng trường. Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ chủ thể chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo trong nhà trường thuộc Ban giám hiệu hay Hội đồng trường.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã được chỉnh lý tại nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 16 Luật hiện hành theo hướng thành lập Hội đồng trường ở những trường thực hiện tự chủ đại học, trong đó, hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước Hội đồng trường, Hội đồng trường chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhà nước, xã hội và các bên có liên quan. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hiệu trưởng và các thành viên của Hội đồng trường là cộng sự, không phải là cấp trên, dưới. Quan hệ giữa chủ tịch Hội đồng trường và hiệu trưởng cũng là “quan hệ ngang hàng để hỗ trợ nhau”. Hội đồng trường cũng không có mối quan hệ chính thức với các thành viên khác của nhà trường, trừ khi có yêu cầu của hiệu trưởng.

Các đại biểu tại phiên họp

Đối với ý kiến đề nghị cân nhắc quy định Chủ tịch Hội đồng trường không kiêm nhiệm Hiệu trưởng; không chỉ được bầu trong số các thành viên được qui định tại điểm a khoản 3 Điều 16 mà quy định "Chủ tịch hội đồng trường do hội đồng trường bầu trong số các thành viên được qui định tại điểm a, b khoản 3 điều này, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng này.

Thảo luận tại phiên họp về vấn đề này, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục làm rõ quy định về Hội đồng trường trên các phương về vị trí pháp lý; yêu cầu năng lực phù hợp với quyền lực được giao; tổ chức và hoạt động, đặc biệt là cơ chế phối hợp giữa hội đồng trường, đảng ủy, Ban Giám hiệu và cơ chế giám sát của các tổ chức chính trị, đoàn thể trong nhà trường; lộ trình thành lập hội đồng trường tương ứng với lộ trình thực hiện quyền tự chủ. Đồng thời nghiên cứu, bổ sung quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn các chức danh Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng, bảo đảm linh hoạt có nhiều lựa chọn tối ưu.

Làm rõ việc sử dụng tài sản công của trường Đại học công lập vào mục đích kinh doanh

Về tài chính đại học, đại diện Ban soạn thảo cho biết, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội về đề nghị giữ lại thuật ngữ học phí; bổ sung quy định về nguồn thu của cơ sở giáo dục đại học từ hoạt động của doanh nghiệp khoa học công nghệ trong nhà trường và từ các trung tâm ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học; quy định yêu cầu bắt buộc công khai chi phí đào tạo (suất đầu tư) và mức học phí và có chính sách học bổng hỗ trợ sinh viên khi thu học phí cao; quy định trách nhiệm xã hội của các trường với việc bắt buộc phải dành tỉ lệ học phí để thực hiện chính sách học bổng cho học sinh nghèo hoặc đối tượng được hưởng chính sách xã hội; quy định cơ chế hỗ trợ cho người học thuộc nhóm yếu thế tại các cơ sở giáo dục đại học; hoàn thiện chính sách ưu tiên đối với đối tượng được hưởng chính sách xã hội, đối tượng dân tộc thiểu số, đối tượng vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đối tượng theo ngành học đặc thù; quy định chế tài khi bên cung ứng dịch vụ không bảo đảm được chất lượng đối với sản phẩm đào tạo; đề nghị quy định rõ những chi phí được tính vào học phí; làm rõ căn cứ để đánh giá dịch vụ tương ứng với số tiền bỏ ra; quy định trách nhiệm của trường đại học được đầu tư hỗ trợ để thấy được hiệu quả so với các trường khác chưa được đầu tư; quy định riêng về tài chính đối với các trường dân tộc; thực hiện phương thức đặt hàng đào tạo không phân biệt công tư trên cơ sở dự báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dự thảo luật đã chỉnh lý nội dung sửa đổi, bổ sung tại Điều 65 Luật hiện hành.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh phát biểu tại phiên họp

Đối với ý kiến đề nghị “Cân nhắc quy định giao cho Chính phủ quy định chi tiết tỉ lệ tài sản được sử dụng để liên kết kinh doanh”, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu và chỉnh lý Dự thảo Luật theo hướng chỉ sử dụng tài sản công khi chưa sử dụng hết công suất; đem lại hiệu quả cao hơn trong việc cung cấp dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Việc quy định cụ thể tỷ lệ tài sản được sử dụng theo quy định này sẽ dẫn đến hiện tượng các đơn vị ưu tiên sử dụng tài sản tốt có giá trị lớn để phục vụ mục đích kinh doanh, cho thuê hoặc liên doanh liên kết mang lại lợi nhuận cao trong khi chưa hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn được giao hoặc chỉ sử dụng những tài sản chất lượng chưa tốt cho các mục đích chuyên môn được giao.

Qua thảo luận, các đại biểu tham dự đề nghị giữ khái niệm “học phí” với cơ chế tính giá dịch vụ đào tạo. Quy định cơ chế giám sát, công khai, minh bạch về tài chính để kiểm soát việc thu phí tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo, Đồng thời, làm rõ mô hình (tư cách pháp nhân) của trường công lập tự chủ tài chính; làm rõ sự khác biệt giữa trường đại học công lập tự chủ tài chính hoàn toàn và trường đại học tư thục.

Ngoài ra, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ vấn đề liên quan đến học bổng (điều kiện, tiêu chuẩn); vấn đề tín dụng sinh viên (việc kiểm soát vay, thu hồi vốn cho vay,…). Đặc biệt, làm rõ hơn việc sử dụng tài sản công của đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

Cụ thể các chính sách phát triển giáo dục tư thục

Về cơ sở giáo dục đại học tư thục, đại diện Ban soạn thảo cũng cho biết, tiếp thu ý kiến đề nghị nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch nhằm khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đại học; có chính sách phù hợp để tăng số lượng và nâng cao chất lượng các trường tư thục; quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện phát triển hệ thống đại học tư thục để giảm gánh nặng cho Nhà nước, tạo sự công bằng và bình đẳng giữa trường công lập và trường tư thục; không đồng nhất giữa nhà trường với doanh nghiệp; không thương mại hóa giáo dục, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ mô hình và cơ chế tài chính của cơ sở GDĐH ngoài công lập vận dụng theo mô hình doanh nghiệp và đảm bảo tính đặc thù của GDĐH, không thương mại hoá… Nhà nước có cơ chế phân bổ nguồn lực cho GDĐH theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả, đảm bảo bình đẳng công tư trong điều chỉnh pháp luật.

Toàn cảnh phiên họp

Về ý kiến đề nghị điều chỉnh lại quy định về đại hội đồng cổ đông được tổ chức ở cơ sở giáo dục đại học có 2 thành viên góp vốn trở lên vì chưa phù hợp, Điều 16a; cần phân biệt cơ cấu, tổ chức của nhà trường và cơ cấu, tổ chức của doanh nghiệp sở hữu trường; không nên phân loại Đại hội đồng cổ đông đối với 2 loại trường vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận; đề nghị nghiên cứu tham khảo luật doanh nghiệp về Ban kiểm soát tại Điều 17a cho đầy đủ và phù hợp hơn, dự thảo luật cũng đã được chỉnh lý các nội dung quy định tại Điều 16a, 17a theo hướng này.

Góp ý kiến tại phiên họp về nội dung này, các đại biểu, chuyên gia cho rằng, cần phải quy định cụ thể các chính sách phát triển giáo dục tư thục, đặc biệt là các trường đại học tư thục không vì lợi nhuận; cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước về xã hội hóa GDĐH, bảo đảm bình đẳng giữa cơ sở giáo dục đại học công và tư. Cùng với đó, làm rõ vấn đề tài chính, tài sản và sở hữu của trường tư thục, trường tư thục không vì lợi nhuận; phân định cơ sở tư thục và cơ sở tư thục không vì lợi nhuận; cụ thể hóa chính sách ưu tiên đối với cơ sở không vì lợi nhuận. Đặc biệt, làm rõ tư cách của trường có vốn đầu tư nước ngoài: là doanh nghiệp hay trường đại học. Đồng thời, xem xét bỏ quy định cơ sở GDĐH có từ 51% vốn đầu tư nước ngoài được tự quyết định cơ cấu tổ chức.

Thu Phương