Toàn cảnh buổi làm việc
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã nêu ra những khó khăn, vướng mắc chung về đầu tư cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch.
Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ: hiện nay, các địa phương chưa thực sự chú trọng dành quỹ đất cũng như đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, thể dục thể thao tại các vị trí phù hợp nhằm thực hiện khả thi các mục tiêu, định hướng đề ra trong các Chiến lược và Quy hoạch phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhất là những vị trí có khoảng cách hợp lý và có kết nối giao thông thuận tiện để thu hút người dân đến hưởng thụ văn hóa tinh thần và tập luyện thể dục thể thao.
Bên cạnh đó, Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ và Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường đã bộc lộ một số hạn chế như: quy trình thủ tục rườm rà, các chính sách ưu đãi về tiền thuê đất đối với cơ sở xã hội hoá kém hấp dẫn các nhà đầu tư trong thời điểm hiện nay. Đồng thời, việc áp dụng các cơ chế chính sách để thu hút đầu tư vào các Khu du lịch quốc gia chưa được coi trọng như thu hút đầu tư vào các Khu kinh tế, khu công nghiệp... nên cũng làm cho các nhà đầu tư không thật sự “mặn mà” với việc “bỏ tiền chẵn ra thu tiền lẻ” để đầu tư vào ngành kinh tế du lịch.
Hoạt động đầu tư cho văn hóa còn hạn chế
Trong lĩnh vực văn hoá, Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, hoạt động đầu tư cho văn học nghệ thuật còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn; chế độ bồi dưỡng cho nghệ sỹ, diễn viên đã được cải thiện nhưng vẫn thấp và chưa đáp ứng được cuộc sống tối thiểu. Hệ thống thiết chế văn hóa hiện có tại một số địa phương, từ cấp tỉnh đến cơ sở thiếu kinh phí hoạt động và sửa chữa. Nhiều địa phương, các đội chiếu bóng, thông tin tuyên truyền lưu động gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí hỗ trợ do chưa có các cơ chế chính sách đặc thù.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại buổi làm việc
Bên cạnh đó, hệ thống thư viện cấp cơ sở đang gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí. Khoảng 40% thư viện cấp huyện không được cấp kinh phí hàng năm để bổ sung sách báo và tổ chức các hoạt động khác; thư viện cấp xã và cơ sở gặp nhiều khó khăn do kinh phí không đảm bảo, chế độ, chính sách cho người làm công tác thư viện cấp xã còn nhiều bất cập. Văn hóa truyền thống của một số dân tộc thiểu số có nguy cơ bị mai một, hoặc biến dạng theo xu hướng kiên cố hoá, hiện đại hoá làng bản do tác động mặt trái của cơ chế thị trường rất cần được hướng dẫn, hỗ trợ để bảo tồn, phát huy trong cuộc sống đương đại. Một số chương trình, đề án về bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc thiểu số mặc dù đã được phê duyệt nhưng nguồn kinh phí hạn hẹp nên khó khăn khi triển khai thực hiện.
Đặc biệt là hiện chúng ta không có chế độ và quỹ nhà đất làm nhà công vụ cho diễn viên, nghệ sỹ trẻ mới được tuyển dụng, nhiều trường hợp diễn viên, nghệ sỹ trẻ phải đi thuê nhà trong điều kiện thu nhập còn rất hạn chế, đây là một trong các khó khăn trong thu hút, gìn giữ các tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Cơ sở vật chất thể dục thể thao chưa đáp ứng được nhu cầu
Trong lĩnh vực thể dục, thể thao, Báo cáo của Bộ chỉ rõ: hiện nay, đầu tư cho thể dục, thể thao còn thấp so với nhu cầu. Cơ sở vật chất thể dục thể thao của các tỉnh và các ngành khác nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu tập luyện của nhân dân và yêu cầu đào tạo vận động viên. Nhiều địa phương chưa có đủ 03 công trình thể thao cơ bản (sân vận động, bể bơi, nhà thi đấu đa năng).
Đại biểu phát biểu tại buổi làm việc
Cùng với đó, việc triển khai các chương trình thuộc Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 gặp nhiều khó khăn về cơ chế và nguồn kinh phí. Công tác giáo dục thể chất trong trường học và các hoạt động ngoại khoá của học sinh còn bất cập, thiếu sân chơi, bãi tập.
Phát triển du lịch chưa tương xứng
Trong lĩnh vực du lịch, Báo cáo nêu rõ: việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa (di tích, di sản văn hóa phi vật thể, nghệ thuật truyền thống...) góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch, tạo ra các nguồn đóng góp vào phát triển kinh tế nhưng việc đầu tư quay trở lại cũng chưa được quan tâm.
Các đại biểu tại buổi làm việc
Thêm vào đó, việc đầu tư dàn trải các công trình hạ tầng du lịch cũng làm cho ngành du lịch phát triển chưa tương xứng với ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước theo đúng Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017.
Từ thực tiễn nêu trên, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện kiến nghị Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế; Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính quan tâm và cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giải quyết những vấn đề còn vướng mắc, khó khăn trong quản lý, sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.