ĐẾN NĂM 2020 CÒN MỘT KHỐI LƯỢNG LỚN CÁC LUẬT, PHÁP LỆNH CẦN PHẢI ĐƯỢC NGHIÊN CỨU SỬA ĐỔI

20/07/2018

Báo cáo tại Hội nghị chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật năm 2018 do UBTVQH tổ chức ngày 18/7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, đến năm 2020 còn một khối lượng lớn các luật, pháp lệnh cần phải được nghiên cứu sửa đổi.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày báo cáo

Đến năm 2020 còn một khối lượng lớn các luật, pháp lệnh cần phải được sửa đổi

Thừa Ủy quyền của Chính phủ trình bày Báo cáo tình tình thực hiện công tác xây dựng luật, pháp lệnh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV đến nay, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế luôn được Chính phủ quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình công tác. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, nghiên cứu đề xuất xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là các dự án luật, pháp lệnh nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và các dự án phục vụ mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.  Bộ trưởng Lê Thành Long cũng cho biết, sau kết quả chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp tại Phiên họp thứ 22, Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ngày 16/4/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Công thư số 160/LĐCP chấn chỉnh việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật; kiểm điểm sâu sắc công tác xây dựng pháp luật.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã quyết liệt hơn trong việc theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; gửi công văn trực tiếp cho các Bộ trưởng, Thứ trưởng để đôn đốc thực hiện và đề nghị quan tâm, chỉ đạo tiếp thu, giải trình các ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Ngoài ra, Bộ Tư pháp đã chủ trì tổ chức các hội thảo, hội nghị tập huấn, tổ chức Đoàn liên ngành làm việc trực tiếp với một số bộ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; nâng cao chất lượng xây dựng chính sách, đánh giá tác động của chính sách.

Bộ trưởng Lê Thành Long cũng cho biết, kết quả rà soát của Bộ cho thấy, ngoài những luật, pháp lệnh đã được sửa đổi bổ sung và ban hành trong thời gian vừa qua thì từ nay đến năm 2020  còn một khối lượng lớn các luật, pháp lệnh cần phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, chưa kể các dự án khác thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 7. Trong đó có nhiều dự án phải hoàn thành trong năm 2018, 2019 như Luật cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Nhà ở…

Đánh giá khối lượng Chương trình cuối năm 2018 và đầu năm 2019 tương đối nặng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long kiến nghị Ủy ban Thường vụ tiếp tục quan tâm chỉ đạo việc triển khai Chương trình năm 2018, 2019 và dành thêm thời gian thảo luận, cho ý kiến về các dự án luật, pháp lệnh do Chính phủ trình. Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục phối hợp với cơ quan soạn thảo, cơ quan, tổ chức trình dự án luật đảm bảo sự thống nhất ngay từ đầu đối với nội dung các dự án nhằm góp phần tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong công tác xây dựng luật.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc góp ý tại Hội nghị

Khắc phục chồng chéo của luật sau so với luật trước, đảm tính thống nhất hệ thống pháp luật

Thảo luận tại Hội nghị về Báo cáo của Chính phủ, các đại biểu tham dự đánh giá, thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chất lượng đa số các dự án luật, pháp lệnh cơ bản được đảm bảo; các dự án Chính phủ trình, sau khi phối hợp với các Cơ quan thẩm tra của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện thì đều được Quốc hội thông qua với tỷ lệ cao.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu cũng chỉ ra rằng, công tác xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, cụ thể công tác truyền thông trong và sau quá trình soạn thảo một số dự án luật, pháp lệnh chưa được quan tâm đúng mức; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong xây dựng pháp luật có lúc còn chưa nghiêm; tình trạng lạm dụng quy định mới trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 dùng một luật sửa nhiều luật; các luật mới được ban hành cũng chưa được rà soát thật kỹ lưỡng, vẫn còn  mâu thuẫn, chồng chéo quá nhiều với các luật trước, sẽ khó bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự,  Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị, Chính phủ cần tập trung nguồn lực, bảo đảm hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, bảo đảm chất lượng, tiến độ trình các dự án luật, pháp luật. Yêu cầu thủ trưởng cơ quan phải chịu trách nhiệm về công tác xây dựng luật, pháp lệnh, và coi đây là một trong những điều kiện đánh khả năng hoàn thành nhiệm vụ của thủ trưởng các cơ quan ngang bộ. Chú trọng lấy ý kiến nhân dân, lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động của các dự án luật, pháp lệnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đảm bảo tạo sự đồng thuận về các dự án để bảo đảm luật được thực chất, có tính khả thi cao.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao việc các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và toàn thể các đại biểu Quốc hội đã dành thời gian, công sức và trí tuệ cho việc thảo luận, hoàn thiện các dự án luật, tạo điều kiện cho Quốc hội thông qua luật hiệu quả, hoàn thành Chương trình đặt ra. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị lãnh đạo các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức chỉ đạo quyết liệt đơn vị mình, kịp thời tổ chức triển khai nhiệm vụ được phân công, khắc phục những khó khăn, hạn chế để thực hiện tốt Chương trình các tháng cuối năm 2018 và năm 2019; thực hiện tốt yêu cầu của các Nghị quyết Trung Ương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Nghị quyết của Quốc hội và các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.

 

 

Hồ Hương