HÀI HÒA CÁC QUY TRÌNH THỦ TỤC ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÁC DỰ ÁN ODA

26/07/2018

Làm việc với Đoàn giám sát của UBTVQH về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016 vào sáng 24/7 tại Nhà Quốc hội, đại diện các nhà tài trợ vốn ODA của Việt Nam cho rằng cần hài hòa các quy trình thủ tục trong chuẩn bị triển khai dự án giữa các bên khắc phục tình trạng chậm triển khai, nâng cao hiệu quả của dự án.

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh – Phó trưởng Đoàn giám sát; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn – Phó trưởng Đoàn giám sát; các thành viên, khách mời của Đoàn giám sát cùng đại diện các nhà tài trợ gồm Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với các nhà tài trợ

Phần lớn các dự án ODA đều đạt mục tiêu đề ra

Thời gian qua, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã góp phần quan trọng, tích cực trong việc thúc đẩy kinh tế- xã hội, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa. Nhiều công trình, dự án sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy tốt hiệu quả đầu tư. Các nguồn vốn vay còn hỗ trợ đẩy mạnh quá trình chuyển giao công nghệ và tiếp thu khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý tiên tiến của các nước phát triển trên thế giới, tạo ra việc làm.

Thảo luận tại buổi làm việc, đại diện các nhà tài trợ song phương và đa phương đều đánh giá cao những dự án hợp tác và triển khai tại Việt Nam. Theo Trưởng nhóm Phát triển bền vững của Ngân hàng Thế giới Madhu Raghunath cho biết: trong 05 năm qua, Ngân hàng Thế giới hình thành đối tác chiến lược quốc gia với ba trụ cột chính là hỗ trợ tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao tính bền vững và tăng các cơ hội. Các cam kết đều tăng qua hàng năm và tỉ lệ giải ngân cũng khá cao. Trong đó các ngành, lĩnh vực sử dụng nhiều vốn như năng lượng, giao thông vận tải, nước sạch, quản lý rủi ro thiên tai, nông nghiệp, giáo dục...Theo đánh giá có đến 84% các dự án đã triển khai thỏa mãn các mục tiêu đề ra.

Còn theo Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) Tetsuo Konaka thì JICA sử dụng các tiêu chí đánh giá của OECD, DAC để đánh giá các dự án vốn ODA Nhật Bản gồm sự phù hợp, hiệu lực, hiệu suất, tác động và tình bền vững đối với 41 dự án trong giai đoạn 2003-2016 và có đến 95% dự án được đánh gái đã thực hiện tốt. Các dự án nổi bật có thể kể đến như dự án cho vay vốn doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông tại Hà Nội, dự án cải thiện môi trường nước Tp.Hồ Chí Minh, dự án xây dựng đại lộ Đông Tây Tp.Hồ Chí Minh hay dự án phát triển bệnh viên tỉnh và vùng. Về cơ bản các dự án đều phù hợp với chính sách và kế hoạch phát triển của Việt Nam, chính sách ODA của nhà tài trợ, được thiết kế đúng đắn, từ đó dự án được triển khai, hoàn thành đạt được mục tiêu ban đầu, đem lại ảnh hưởng tốt cho sự phát triển. Nhiều dự án được thực hiện chuyển giao công nghệ để giúp nâng cao tính bền vững.

Đại diện Ngân hàng Thế giới Madhu Raghunath và đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á Steven Schipani trao đổi bên lề buổi làm việc

Về vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Vân Chi đặt vấn đề, mặc dù đánh giá chung của các nhà tài trợ về kết quả thực hiện dự án đều tương đối tốt tuy nhiên các đánh giá độc lập này chủ yếu theo các tiêu chí, mục tiêu đề ra ban đầu mà chưa thấy tính đến hiệu quả thực sự của dự án, hiệu quả của từng đồng vốn được đưa vào sử dụng. Vì vậy cần phải quan tâm hơn đến hiệu quả đầu tư của dự án để có đánh giá sát thực hơn tình hình.

Hài hòa hóa các quy trình thủ tục để nâng cao hiệu quả triển khai dự án ODA

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, đại diện các nhà tài trợ cũng thẳng thắn cho biết trong cả giai đoạn thực hiện dự án và giải ngân đều gặp phải một số trở ngại dẫn đến sự chậm trễ của nhiều dự án. Những lý do phổ biến có thể kể đến như thủ tục phê duyệt phức tạp, nhiều thủ tục không thực sự cần thiết; thiếu vốn cho chuẩn bị dự án cũng như giải ngân, thiếu vốn đối ứng để sử dụng cho việc thu hồi đất đai, tái định cư và nghiên cứu khả thi.

Do sự khác biệt về quy trình và thủ tục giữa Việt Nam và các nhà tài trợ nên công tác chuẩn bị dự án trong nhiều trường hợp bị kéo dài và làm cho thiết kế ban đầu trở nên không còn phù hợp, dẫn đến việc buộc phải điều chỉnh khi triển khai thực hiện, làm đội vốn và giảm hiệu quả đầu tư.

Theo đại diện của Ngân hàng thế giới, nếu như trước đây, độ vênh thời gian từ khi dự án được thông qua đến khi dự án được tiến hành trung bình chỉ khoảng 3-4 tháng. Tuy nhiên hiện nay do quy trình đưa ra quyết phức tạp dẫn đến việc giải quyết vấn đề chậm chập, các dự án không bảo đảm tính sẵn sàng triển khai sau khi được thông qua. Thời gian chuẩn bị dự án có thể kéo dài đến 2-3 năm.

Nhóm đại diện của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trao đổi tại buổi làm việc

Đại diện của JICA cũng chỉ ra thực trạng này, khi mà so với kế hoạch ban đầu, hầu hết các dự án đều bị chậm thời gian và tăng chi phí, nguy cơ mất cơ hội phát triển. Trong đó, các dự án về giao thông và môi trường nước thường mất nhiều thời gian để hoàn thành hơn do các dự án này yêu cầu giải phóng mặt bằng và vốn đối ứng lớn, nhiều thủ tục phải được phê duyệt.

Do đó các nhà tài trợ khuyến nghị phía Việt Nam cần đẩy nhanh việc phê duyệt dự án, có sự rà soát lại các bước thủ tục cần thiết để tránh chậm trễ trong khởi động dự án. Giám đốc quốc gia Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam (AFD) Fabrice Richy nêu rõ, cần phải cải thiện quy trình lập kế hoạch, giải ngân và triển khai thực hiện các dự án, có sự rà soát các khoản vay ODA để tối ưu hóa giải ngân, tăng cường quy trình phân bổ vốn, cấp vốn và vốn đối ứng theo kế hoạch triển khai dự án.

Các quy định pháp luật liên quan đến ODA cần phải bảo đảm sự nhất quán và rõ ràng. Tăng cường chiến lược quản lý ODA bằng cách thông tin rõ ràng về phạm vi nợ, xác định và quản lý mức trần nợ, hình thành danh mục các dự án/ chương trình dự kiến thực hiện, đơn giản hóa quy trình phê duyệt dự án và cải thiện những hướng dẫn để giúp chính quyền địa phương tiếp cận tài trợ.

Để tăng cường khả năng thống nhất danh mục trung hạn giữa Chính phủ và các nhà tài trợ, Trưởng đại diện Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc tại Việt Nam Park Jong Kyu kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan hữu quan cần làm việc và trao đổi sớm với các nhà tài trợ về danh mục các dự án tiềm năng và lên danh mục các dự án đầu tư trung hạn khi đề xuất dự án.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu tại buổi làm việc

Tiếp thu ý kiến của các nhà tài trợ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua trao đổi các bên đều nhất trí định hướng phải sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả hơn tránh dàn trải, tập trung cho các mục tiêu dài hạn quốc gia như thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tại tại đồng bằng sông cửu long, giao thông, thủy lợi, đô thị, y tế, giáo dục... Đã đến lúc quan tâm ưu tiên cao hơn sự phát triển liên vùng và quốc gia hơn là sự phát triển của từng địa phương.

Ghi nhận phản ánh về một số tồn tại trong việc triển khai các dự án ODA của các nhà tài trợ như về vấn đề giải ngân, phân bổ vốn, bố trí vốn đối ứng, quy trình thủ tục còn phức tạp, chậm triển khai dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải chia sẻ, phía Việt Nam hết sức quan tâm đến vấn đề này. Quốc hội, Chính phủ cùng các cơ quan liên quan đều đang tích cực cùng các nhà tài trợ tìm cách tháo gỡ những khó khăn, bất cập. Đồng thời bày tỏ mong muốn trong thời gian tới các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với các cơ quan của Việt Nam để triển khai hiệu quả các dự án ODA.

Bảo Yến