ĐỀ XUẤT LẤY PHIẾU XIN Ý KIẾN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VỀ VIỆC QUY ĐỊNH QUY HOẠCH XÂY DỰNG TỈNH

09/11/2018

Chiều ngày 09/11, thảo luận tại hội trường lần 2 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch, các đại biểu cho rằng cần phải lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc quy định quy hoạch xây dựng tỉnh và quy hoạch tỉnh trong dự thảo Luật do còn nhiều ý kiến khác nhau về nội dung này.

Phát biểu đầu tiên tại hội trường, đại biểu Triệu Thế Hùng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, bày tỏ tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật và cho rằng cần thiết có nội dung quy định về quy hoạch xây dựng tỉnh ngay trong luật này.

Đại biểu Triệu Thế Hùng bày tỏ tán thành với việc quy hoạch xây dựng tỉnh

Đại biểu Triệu Thế Hùng phân tích, quy hoạch xây dựng tỉnh là khâu quan trọng trong hệ thống quy hoạch xây dựng quốc gia hiện nay. Đây là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, có chuyên ngành sâu và được thực hiện theo luật chuyên ngành giúp cụ thể hóa các định hướng sử dụng về không gian, đất đai, môi trường trên địa bàn.

Quy hoạch xây dựng tỉnh có vai trò trong công tác quản lý, chứa đựng các tính toán về hệ thống hạ tầng, kinh tế kỹ thuật để làm cơ sở cho phát triển về xây dựng quy hoạch và có định hướng phát triển của 1 tầm vóc đô thị, tạo sự phân cấp của hệ thống đô thị để xác định được những khu chức năng, đâu là trung tâm, đâu là khu dân cư, đâu là khu nghỉ dưỡng sinh thái v.v... để thể hiện mối quan hệ và kết nối giữa các đô thị và các trục đô thị mang tính chất liên vùng kinh tế với nhau theo một chiến lược phát triển đô thị của quốc gia.

Quy hoạch xây dựng tỉnh là một căn cứ để địa phương có thể triển khai được các chương trình đầu tư công vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật và nâng cấp để mở rộng hệ thống đô thị để đảm bảo phát triển về mật độ dân cư, về mật độ lao động, nhà ở và thương mại. Do đó, cần thiết phải quy định luôn trong luật này.

Có cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, dẫn chứng từ thực tiễn triển khai của tỉnh Kiên Giang cho thấy quy hoạch xây dựng vùng tỉnh là một công cụ quản lý nhà nước có hiệu quả để điều chỉnh lĩnh vực đầu tư xây dựng, đã được thực hiện ổn định trong thời gian dài và có tác dụng quan trọng trong quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé dẫn chứng thực tiễn triển khai quy hoạch xây dựng vùng tỉnh của tỉnh Kiên Giang

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho biết, qua 8 năm thực hiện quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Kiên Giang đến năm 2025 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định 1180 ngày 02/06/2010 đạt được một số kết quả cụ thể. Theo đó, đã định hình không gian phát triển của tỉnh như hình thành các phân vùng chức năng phức hợp với đặc điểm tự nhiên, hệ sinh thái và điều kiện kinh tế - xã hội của 4 vùng như vùng tứ giác Long Xuyên, vùng Tây sông Hậu, vùng bán đảo Cà Mau và vùng hải đảo. Quy hoạch xây dựng tỉnh Kiên Giang là căn cứ để tỉnh xây dựng, phát triển các khu đô thị trong tỉnh trở thành các trung tâm kinh tế của tỉnh và vùng đồng bằng sông Cửu Long như Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên, v.v...Quy hoạch này cũng đã xác định vị trí, quy mô của các đầu mối hạ tầng kỹ thuật trong tỉnh trên cơ sở nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; định hướng phát triển các khu động lực phát triển như khu trung tâm du lịch thương mại đô thị chuyên ngành; định hướng cho công tác lập quy hoạch xây dựng huyện nông thôn mới và có vai trò quan trọng, dẫn dắt công tác, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn đến các dự án đầu tư trên địa bàn của tỉnh. Vì vậy, theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, cần thiết có công cụ quy hoạch xây dựng tỉnh trong hệ thống quy hoạch quốc gia để quản lý quy hoạch xây dựng hiệu quả.

Đồng tình với việc phải có quy hoạch xây dựng tỉnh và hoàn toàn thống nhất với những lý giải trong báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý chỉnh lý dự án luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Bùi Thanh Tùng - Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hải Phòng - nhấn mạnh, nếu bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh thì không những phải sửa Luật Xây dựng năm 2014 mà đồng thời cũng phải xem xét, sửa nhiều điều khoản trong Luật Quy hoạch vừa thông qua năm 2017.

Bên cạnh đó cũng có ý kiến đại biểu cho rằng không nên quy định lập quy hoạch xây dựng tỉnh trong hệ thống quy hoạch.

Theo đại biểu Lê Công Đỉnh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, nội dung giải trình trong báo cáo của về nội dung này chưa có tính thuyết phục cao. Trong khi đó, vấn đề đặt ra là phải tránh sự trùng lặp, lãng phí, gây khó khăn, phức tạp trong triển khai, thực hiện. Đặc biệt, trong thực tế quản lý, triển khai hiện nay, ở địa phương rất cần quy hoạch thống nhất, tránh chồng chéo và có tính tích hợp cao, triển khai thực hiện có tính khả thi.

Đại biểu nêu rõ, có đến 24/37 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ và hội trường tán thành với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và cho rằng không nên lập quy hoạch xây dựng tỉnh trong hệ thống quy hoạch xây dựng. Do đó, để đảm bảo chất lượng khi thông qua Luật, đại biểu để xuất lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

Đại biểu Lê Công Đỉnh cho rằng giải trình về việc quy định lập quy hoạch xây dựng tỉnh chưa thuyết phục

Đồng ý với ý kiến của đại biểu Lê Công Đỉnh, đại biểu Nguyễn Lâm Thành – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, bày tỏ băn khoăn, đề nghị Quốc hội nên cân nhắc về việc cần thiết có nội dung quy định về quy hoạch xây dựng tỉnh hay không và cho rằng nếu muốn thuyết phục đại biểu Quốc hội giữ lại quy định lập quy hoạch xây dựng tỉnh thì cần thuyết minh một cách rõ ràng và có sức thuyết phục hơn. Theo đó, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cũng đề nghị cần làm rõ các nội dung như nội hàm và mối quan hệ giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch xây dựng tỉnh. Đặc biệt, quy hoạch tỉnh gồm những nội dung cấu thành cụ thể gì để xác định ranh giới giữa hai loại quy hoạch này.

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Văn Sinh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, khẳng định quy hoạch xây dựng tỉnh hoàn toàn trùng lặp về phạm vi, nội dung và mức độ chi tiết với quy hoạch tỉnh. Tất cả những nội dung của quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đang triển khai trong thực tế đã được chuyển hết vào nội dung quy hoạch tỉnh. Mặt khác, mức độ chi tiết được xác định theo tỷ lệ bản đồ của hai loại quy hoạch này là bằng nhau, đều là 1/25.000.

Đại biểu cũng cho biết, hoàn toàn không có khoảng trống pháp lý khi không còn quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, trong khi quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt bởi Điều 29 Luật Quy hoạch quy định các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, các quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục được thực hiện cho đến khi quy hoạch tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Khi đó, các địa phương vẫn tiếp tục được thực hiện quy hoạch xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như bình thường và không có lãng phí.

Đồng thời cũng sẽ không có chuyện đập đi bỏ hết quy hoạch xây dựng tỉnh và các quy hoạch khác đang triển khai để xây dựng mới quy hoạch tỉnh bởi Luật Quy hoạch đã quy định quy trình xây dựng quy hoạch tỉnh đó là đánh giá hiện trạng, điều tra, khảo sát, xác định mục tiêu để làm cơ sở xây dựng. Các quy hoạch của các ngành khác như đất đai, giao thông, thủy lợi, y tế, an ninh quốc phòng đang triển khai hiện nay cập nhật thêm cơ sở dữ liệu mới để các ngành ở địa phương cùng tiến hành đồng thời, cùng một thời điểm để xây dựng và tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điều đó chắc chắn sẽ khắc phục được sự chồng chéo, trùng lặp đã từng xảy ra trong thời gian trước đây.

Đại biểu Trần Văn Minh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh - đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có giải trình để làm rõ sự cần thiết của quy hoạch xây dựng tỉnh và sự không trùng lặp với quy hoạch tỉnh mà các đại biểu Quốc hội nêu ra và trong trường hợp có lấy phiếu việc phân tích, làm rõ này cũng hết sức cần thiết và phải làm trước khi lấy phiếu để các đại biểu có đủ căn cứ cuối cùng ý kiến của mình.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết sẽ tiến hành lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung quy hoạch xây dựng tỉnh

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, hiện nay còn nhiều ý kiến khác nhau về quy hoạch xây dựng tỉnh. Theo ý kiến đề nghị của các vị đại biểu Quốc hội, Đoàn Chủ tịch đã thống nhất và trao đổi với Đoàn thư ký sẽ có phiếu xin ý kiến với các đại biểu Quốc hội để thể hiện chính kiến của mình. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ giúp Tổng Thư ký cung cấp đủ các tài liệu để cho các đại biểu Quốc hội khi quyết định phương án nào có đủ thông tin./.

Bảo Yến - Nhóm ảnh