NHÌN LẠI KẾT QUẢ KỲ HỌP THỨ 6 QUỐC HỘI KHÓA XIV: ĐỒNG THUẬN CAO TRONG CÔNG TÁC LẬP PHÁP

27/12/2018

Hơn 1 tháng kể từ ngày bế mạc Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XIV, kết quả kỳ họp vẫn để lại những dấu ấn quan trọng, tạo đà cho đất nước phát triển bền vững trong những năm tiếp theo. Cho ý kiến về việc tổng kết kỳ họp, tại phiên họp thứ 29 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định với tinh thần làm việc tích cực, sôi nổi, các vị đại biểu Quốc hội đã cân nhắc, phân tích thấu đáo về các dự án luật, các vấn đề quan trọng tác động trực tiếp đến đời sống của Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong quá trình thảo luận và biểu quyết thông qua.

Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tại phiên họp thứ 29 diễn ra trong các ngày 10-11/12 và ngày 22/12, cho ý kiến về việc tổng kết kỳ họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với dự thảo Báo cáo tổng kết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã được xây dựng trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, ý kiến của cử tri, Nhân dân và nhấn mạnh rằng: Kỳ họp thứ 6 đã thành công tốt đẹp, để lại dấu ấn quan trọng, được cử tri và Nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đã đi qua nửa chặng đường của nhiệm kỳ 2016-2021 với những chuyển biến mạnh mẽ; cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra, Kỳ họp thứ 6 là dịp để Quốc hội đánh giá những kết quả đã đạt được, thảo luận, ban hành những quyết sách quan trọng để thúc đẩy hơn nữa cho quá trình phát triển đất nước trong thời gian tới.

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua được 9 luật, 01 nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật. Qua đó tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Hiến pháp năm 2013, tạo sự đồng bộ và góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về phát triển kinh tế, quyền con người, quyền công dân, chính sách giáo dục, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, phòng, chống tham nhũng, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, với tinh thần làm việc tích cực, sôi nổi, các vị đại biểu Quốc hội đã cân nhắc, phân tích thấu đáo, kỹ lưỡng về các dự án luật, các vấn đề quan trọng tác động trực tiếp đến đời sống của Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong quá trình thảo luận và biểu quyết thông qua.

Kịp thời thể chế hóa Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu thực tế

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, chín luật được thông qua với tỷ lệ tán thành cao, cho thấy sự chỉ đạo rất sát sao của Lãnh đạo Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự cố gắng của các cơ quan trong việc chuẩn bị nội dung và bảo đảm quy trình, thủ tục theo luật định. Đặc biệt, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với 100% đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành. Việc phê chuẩn Hiệp định này có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, tạo nền tảng để kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.

Nội dung của các luật, nghị quyết đã kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, triển khai thực hiện Hiến pháp, tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình, tiếp thu đầy đủ, có tính thuyết phục cao, làm căn cứ để luật, nghị quyết được triển khai thực hiện trong cuộc sống.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Báo cáo tổng kết kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV tại phiên họp thứ 29 của UBTVQH

Với 8 chương, 83 điều, Luật Chăn nuôi quy định về nguyên tắc hoạt động, chiến lược phát triển, chính sách của Nhà nước về chăn nuôi; giống và sản phẩm vật nuôi; thức ăn chăn nuôi; chế biến và thị trường sản phẩm vật nuôi; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi; quản lý nhà nước về chăn nuôi... nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất ngành chăn nuôi, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tạo giá trị kim ngạch xuất khẩu, ứng phó với biến đổi khí hậu

Trong khi đó, Luật Trồng trọt được ban hành nhằm tạo lập được nền sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng và từng bước hiện đại hóa, bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân. Luật Trồng trọt gồm 7 chương, 85 điều quy định về nguyên tắc hoạt động, chiến lược phát triển trồng trọt; giống cây trồng, phân bón, canh tác; thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến, thương mại và quản lý chất lượng sản phẩm cây trồng; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt.

Luật Trồng trọt và Luật Chăn nuôi được ban hành góp phần thực hiện định hướng xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh; áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Luật Bảo vệ bí mật nhà nước được ban hành nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước; hạn chế tối đa tình hình lộ, mất thông tin, tài liệu, vật mang bí mật nhà nước... Luật gồm 5 chương, 28 điều, quy định về: phạm vi, danh mục, việc ban hành bí mật nhà nước; các hoạt động sao, chụp, thống kê, lưu giữ, bảo quản, phổ biến, vận chuyển, giao nhận, cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức, cá nhân; thời hạn bảo vệ và gia hạn bảo vệ bí mật nhà nước; vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng bí mật nhà nước…

Luật Cảnh sát biển Việt Nam được ban hành nhằm khẳng định Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển và chịu sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, không thuộc lực lượng Quân đội nhân dân và Cảnh sát nhân dân. Luật quy định về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, biện pháp công tác, quyền hạn, phạm vi hoạt động và các biện pháp thực thi pháp luật trên biển của lực lượng Cảnh sát biển; sử dụng vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và điều kiện được nổ súng quân dụng trong thi hành nhiệm vụ; hệ thống tổ chức, chế độ chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan...

Luật Công an nhân dân được sửa đổi toàn diện, bổ sung nhiều nội dung cụ thể hóa quan điểm của Đảng làm cơ sở pháp lý để đổi mới, sắp xếp hệ thống tổ chức bộ máy và phân cấp thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của Công an nhân dân bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Luật gồm 7 chương, 46 điều, trong đó, phạm vi điều chỉnh đã bổ sung quy định về bảo đảm điều kiện hoạt động, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; sửa đổi quy định về thời hạn công dân thực hiện nghĩa vụ; bổ sung một số quy định về công nghiệp an ninh, hạn tuổi phục vụ cao nhất của Hạ sĩ quan, nữ sĩ quan cấp tướng trong Công an nhân dân, việc kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ; không quy định cụ thể các vị trí có cấp bậc hàm cấp Tướng mà chỉ quy định nguyên tắc, tiêu chí, số lượng để giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quy định cho phù hợp với Hiến pháp…

Luật Đặc xá được sửa đổi toàn diện, gồm 6 chương, 39 điều, trong đó, vẫn giữ nguyên hai phương thức thực hiện đặc xá là đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước và đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của đất nước. Về đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước đã tập trung sửa đổi, bổ sung về đối tượng được đề nghị đặc xá; quy định cụ thể hơn trình tự, thủ tục, thẩm quyền đề nghị đặc xá, thực hiện quyết định về đặc xá và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện đặc xá...

Luật Phòng, chống tham nhũng được sửa đổi toàn diện, gồm 11 chương, 97 điều với những sửa đổi quan trọng như: mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp phòng, chống tham nhũng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và một số tổ chức xã hội có huy động đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện; mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; thu hẹp một bước cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập; đồng thời, quy định cụ thể hơn quyền và nghĩa vụ của công dân, các tổ chức xã hội tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng; bảo vệ, khen thưởng người phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng…

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được ban hành để sửa đổi, bổ sung các quy định về: quản trị đại học; hoạt động đào tạo; quản lý nhà nước về giáo dục đại học theo hướng phân định giữa quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học và quản trị trong mỗi cơ sở giáo dục đại học… Đồng thời, thay đổi cơ chế quản lý tài chính, tài sản bảo đảm thông thoáng và hiệu quả; thực hiện xã hội hóa giáo dục đại học….

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch được ban hành nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Quy hoạch, đáp ứng yêu cầu về tiến độ có hiệu lực cùng với Luật Quy hoạch từ ngày 01/01/2019. Theo đó, Luật đã sửa đổi tên các quy hoạch để bảo đảm phù hợp với tên quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành theo quy định của Luật Quy hoạch; sửa đổi các luật có quy định về các loại quy hoạch không phù hợp với khái niệm quy hoạch được quy định tại Luật Quy hoạch; sửa đổi các quy định liên quan đến việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh một số quy hoạch; bãi bỏ quy định sử dụng quy hoạch làm điều kiện cấp phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ...

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Hiệp định CPTPP trong phiên họp toàn thể chiều ngày 12/11, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV

Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan: Việc phê chuẩn CPTPP có ý nghĩa quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong việc chủ động hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế. Trong phần phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã nhấn mạnh điều này có ý nghĩa quan trọng thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong việc chủ động hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.

Nghiêm túc lắng nghe tiếp thu ý kiến để hoàn thiện các dự án Luật

Về 6 dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, sáu dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến nhận được sự quan tâm của các vị đại biểu Quốc hội và đông đảo cử tri, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế, hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công, hoạt động kiến trúc, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân… Cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã thể hiện tinh thần cầu thị, nghiêm túc lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp, nhất là việc kịp thời báo cáo Quốc hội lùi thời gian thông qua dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), làm cơ sở cho việc nghiên cứu, chỉnh lý hoàn thiện các dự án luật, bảo đảm chất lượng trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sau.

Các luật được Quốc hội cho ý kiến thảo luận gồm: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Kiến trúc; Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Trong đó, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia, bao gồm: biện pháp về giảm mức tiêu thụ, giảm tác hại, quản lý việc cung cấp rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho phòng, chống tác hại của rượu, bia; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Luật Kiến trúc quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc, quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc. Quốc hội đã tập trung thảo luận về: tên gọi, phạm vi, đối tượng điều chỉnh; chính sách của Nhà nước trong phát triển kiến trúc; quản lý kiến trúc, trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương các cấp trong việc quản lý, phối hợp giữa kiến trúc và văn hóa; trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình...

Luật Giáo dục (sửa đổi) được trình Quốc hội theo hướng mở rộng phạm vi sửa đổi; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông; xác định rõ các loại hình cơ sở giáo dục và chủ thể thành lập nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân; bổ sung nguyên tắc chuyển đổi loại hình trường; bổ sung, sửa đổi các chính sách đối với người dạy và người học, các quy định về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông... Quốc hội đã quyết định xem xét, thông qua dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2019).

Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được trình Quốc hội theo hướng bổ sung 3 chương về: nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế; áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử; tổ chức kinh doanh dịch vụ đại lý thuế, đại lý hải quan. Quốc hội đã tập trung thảo luận về nhiều nội dung như: phạm vi điều chỉnh; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ trong quản lý thuế; các trường hợp được khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, xóa nợ tiền thuế; cung cấp dịch vụ đại lý thuế; nguyên tắc về quản lý thuế, hóa đơn, chứng từ; kê khai thuế; nộp thuế; xử lý vi phạm pháp luật về thuế; tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) chiều ngày 15/11

Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) được Quốc hội tập trung thảo luận về nhiều nội dung như: phạm vi điều chỉnh; thời gian thông qua Luật; quy định quyền, nghĩa vụ của phạm nhân; chế độ lao động của phạm nhân và tổ chức cho phạm nhân lao động; tổ chức khu sản xuất, điểm lao động và tổ chức dạy nghề ngoài trại giam; tha tù trước thời hạn có điều kiện; thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại;... Quốc hội quyết định mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung và đổi tên dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự thành Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến 3 nhóm chính sách về: quy định chung, quản lý dự án, quản lý kế hoạch đầu tư công. Quốc hội tập trung thảo luận về: phạm vi sửa đổi; phân loại và quy trình, thủ tục với từng loại nguồn vốn đầu tư công; tiêu chí phân loại dự án đầu tư quan trọng quốc gia; phân cấp thẩm quyền của các cơ quan trong thẩm định nguồn vốn, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án; thẩm quyền, quy trình lập, phê duyệt, giao kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm...

Bên cạnh việc ghi nhận những kết quả đạt được, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra một số hạn chế trong việc tổ chức kỳ họp cần tiếp tục được lưu ý rút kinh nghiệm, đồng thời đề nghị các cơ quan hữu quan cần quan tâm chỉ đạo xây dựng kế hoạch, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, sớm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần đưa luật sớm đi vào cuộc sống. Các cơ quan của Quốc hội thường xuyên giám sát việc thi hành luật; đồng thời có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý hoàn thiện các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến, bảo đảm chất lượng trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sau.

Bảo Yến