HÀNH VI MẤT ANTT TẠI SÂN BAY: NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIÁM SÁT CỦA UỶ BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH

23/01/2019

Để “việc thi hành chính sách, pháp luật về đảm bảo an ninh, an toàn hàng không dân dụng” mà Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tiến hành giám sát được triển khai có hiệu quả, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ngành, địa phương cũng như các hãng Hàng không trong tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Từ 15/1/2019, theo Nghị định 162/2018/NĐ-CP, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gây rối, kích động, lôi kéo người khác gây rối làm mất an ninh, trật tự tại cảng hàng không, sân bay. Các chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi đe đọa, lăng mạ, hành hung nhân viên hàng không và hành khách cũng có hiệu lực nhằm ngăn ngừa các hành vi gây mất an ninh, an toàn hàng không. Tuy nhiên, để “việc thi hành chính sách, pháp luật về đảm bảo an ninh, an toàn hàng không dân dụng” mà Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tiến hành giám sát được triển khai có hiệu quả, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ngành, địa phương cũng như các hãng Hàng không trong tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an ninh trật tự tại các cảng Hàng không

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, năm 2018 đã xảy ra 496 vụ vi phạm an ninh trật tự (ANTT) tại Cảng hàng không; hơn 70 vụ mất an toàn về hàng không; 4 sự cố nghiêm trọng mức B uy hiếp an ninh, an toàn hàng không. Số vụ gây rối, mất an ninh trật tự tại các Cảng hàng không tăng hơn so với năm 2017. Điển hình là vụ việc các đối tượng hành hung, rượt đuổi nhân viên hàng không, chống đối lại nhân viên kiểm soát an ninh tại Cảng hàng không Thọ Xuân, Thanh Hóa vào ngày 23/11/2018. Hay mới đây nhất, ngày 11/1/2019, anh Nguyễn Văn Điệp, nhân viên an ninh hàng không thuộc Trung tâm An ninh hàng không Nội Bài trong khi đang làm nhiệm vụ tại khu vực sảnh E- Tầng 1- Nhà ga hành khách T1 thì bị các đối tượng cò mồi taxi hành hung khiến anh Điệp bị nhiều vết xây xát, gãy răng cửa, phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Bắc Thăng Long- Hà Nội. Những vụ việc nêu trên gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng gây mất ANTT tại Cảng hàng không, đặt ra tính cần thiết đảm bảo an ninh, an toàn hàng không.

Nhằm xây dựng hành lang pháp lý nghiêm khắc hơn trong lĩnh vực này, ngày 30/11/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 162/2018/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, bắt đầu có hiệu lực từ 15/1/2019. Theo Điều 26, Nghị định 168/2018 quy định:

+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa, lăng mạ nhân viên hàng không, hành khách hoặc người khác tại cảng hàng không, sân bay và nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng.

+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gây rối, kích động, lôi kéo người khác gây rối làm mất an ninh, trật tự tại Cảng hàng không, sân bay và nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ông Đinh Việt Sơn (bên trái), Phó Cục trưởng Cục Hàng không trả lời phỏng vấn Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Theo ông Đinh Việt Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, để các quy định của Nghị định được triển khai có hiệu quả, cần tuyên truyền, phổi biến mức độ nguy hiểm về an ninh hàng không, các quy định về việc xử lý hình sự, xử lý vi phạm hành chính nói chung và xử phạt nói riêng đối với các hành vi đe dọa, lăng mạ, hành hung nhân viên hàng không và hành khách tại cảng hàng không, nhất là trên tàu bay. “Chúng tôi cho rằng ưu tiên số một sau khi Nghị định có hiệu lực là chúng ta tổ chức quán triệt với hành khách đi tàu bay, người sống xung quanh sân bay và tập huấn kỹ năng xử lý vi phạm hành chính cho khối đảm bảo an ninh an toàn hàng không và các địa phương liên quan”, ông Đinh Việt Sơn nhấn mạnh.  

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cũng cho rằng cần tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ xử lý tình huống cho lực lượng an ninh hàng không, lực lượng bảo vệ, cán bộ, nhân viên của các Cảng hàng không, các công ty cung cấp dịch vụ hàng không, đại diện các hãng hàng không tại Cảng hàng không, sân bay. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng có liên quan như Cảng vụ hàng không, lực lượng Công an, lực lượng an ninh hàng không cùng các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý, xem xét, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết thêm, để đảm bảo an ninh, an toàn hàng không trong thời điểm Tết Nguyên đán khi các hãng hàng không tăng cường chuyến bay, giờ bay, Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không quán triệt người lái tàu bay tuân thủ nghiêm các quy trình khai thác tiêu chuẩn đã được Cục phê chuẩn; chỉ đạo các tổ chức bảo dưỡng quán triệt nhân viên bảo dưỡng tuân thủ quy trình, quy định để tránh xảy ra những sự cố do sai lỗi bảo dưỡng tàu bày. Cục Hàng không Việt Nam cũng phối hợp với Cảng vụ hàng không tại các Cảng hàng không sân bay thực hiện giám sát liên tục việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn khai thác tàu bày đối với các đơn vị, người khác tàu bay, kể cả các hãng hàng không nước ngoài khai thác đi - đến Việt Nam và các tổ chức bảo dưỡng./.

Khắc Phục