THỂ CHẾ HÓA CHỦ TRƯƠNG, ĐƯỜNG LỐI CÔNG TÁC DÂN TỘC CỦA ĐẢNG, THỰC HIỆN HIẾN PHÁP 2013 QUỐC HỘI QUYẾT ĐỊNH CHÍNH SÁCH DÂN TỘC CỦA NHÀ NƯỚC

25/07/2019

“Thể chế hóa chủ trương, đường lối công tác dân tộc của Đảng, thực hiện khoản 5, Điều 70, Hiến pháp 2013 Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước” là đề án được Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án của Đảng đoàn Quốc hội tổ chức Hội thảo vào sáng ngày 25/7, tại Nhà Quốc hội. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến – Trưởng Ban chỉ đạo, Trưởng Ban soạn thảo Đề án, chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo còn có Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường; Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Tấn Quang; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành ở Trung ương, cơ quan tổ chức hữu quan cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

Hội thảo Đề án “Thể chế hóa chủ trương, đường lối công tác dân tộc của Đảng, thực hiện khoản 5, Điều 70, Hiến pháp 2013 Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước”

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nêu rõ, thực hiên nhiệm vụ do Đảng Đoàn Quốc hội giao về việc xây dựng Đề án “Thể chế hóa chủ trương, đường lối công tác dân tộc của Đảng, thực hiện khoản 5, Điều 70, Hiến pháp 2013 Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước”, Ban chỉ đạo Đề án đã chỉ đạo xây dựng đề cương và cho ý kiến đối với dự thảo Đề án. Để tiếp tục hoàn thiện Đề án, Ban chỉ đạo Đề án tổ chức hội thảo để lấy ý kiến góp ý xây dựng, hoàn thiện Đề án. Tập trung theo hướng đánh giá thực trạng của việc quyết định chính sách của Nhà nước trong những nhiệm kỳ vừa qua đặc biệt là từ khi có Hiến pháp 2013 đến nay; làm rõ vị trí vai trò của Quốc hội, Chính phủ và mối quan hệ giữa Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện khoản 5 Điều 70 Hiến pháp 2013 và đề xuất giải pháp kiến nghị thực hiện.

Tại hội thảo các đại biểu nghe báo cáo tóm tắt dự thảo Đề án, nghe trình bày tham luận về cơ sở pháp lý và nội hàm của việc Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước, thực trạng của việc quyết định chính sách dân tộc của nhà nước hiện nay và những khuyến nghị, một số vấn đề đặt ra trong thực tiễn chính sách dân tộc hiện nay cần vai trò của Quốc hội và các thảo luận về các nội dung của Đề án.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu khai mạc hội thảo

Đảng ta xác định vấn đề dân tộc và vấn đề mang tính chiến lược và lâu dài. Khoản 5 Điều 70 Hiến pháp 2013 quy định “Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cụ thể hóa các chính sách dân tộc thành các nội dung quy định trong các đạo luật, pháp lệnh, nghị quyết. Trên cơ sở đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cụ thể hóa bằng các Nghị định, nghị quyết, quyết định và văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành, địa phương để triển khai chính sách dân tộc của Nhà nước. Đến nay, nước ta hình thành hệ thống chính sách dân tộc với 118 văn bản trong đó có 54 đề án, chính sách dân tộc trực tiếp hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Tuy nhiên theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết, mặc dù việc thể chế hóa đã được quan tâm nhưng chưa đầy đủ, nhất là việc cụ thể các nghị quyết của Đảng vào trong các luật, các chương trình, chính sách cụ thể cho vùng dân tộc và đồng bào dân tộc thiểu số cũng như cơ chế phối hợp, tổ chức thực hiện của các cơ quan nhà nước. Hơn nữa, xuất phát từ yêu cầu hoàn thiện công tác dân tộc, công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc đáp ứng quá trình phát triển bền vững đất nước, bảo đảm công bằng, tiến bộ xã hội và hội nhập quốc tế; xuất phát từ vị trí, tầm quan trọng của vùng dân tộc thiểu số và miền núi đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, thực trạng vùng dân tộc thiểu số hiện nay  đặt ra yêu cầu nghiên cứu hoàn thiện chính sách dân tộc ở nước ta.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành báo cáo tóm tắt dự thảo Đề án

Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao Đề án đã được chuẩn bị một cách khoa học, công phu, đã liệt kê và đánh giá tương đối toàn diện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách dân tộc thời gian qua, thống nhất với nhiều nhận định trong Đề án như về các hạn chế, nguyên nhân, thách thức và cảnh báo đối với công tác dân tộc trong thời gian tới. Nhấn mạnh việc xây dựng đề án là cần thiết nhằm thực hiện chính sách bình đẳng, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện cho các dân tộc cùng phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, chống tư tưởng chia rẽ dân tộc, các chính sách phải phù hợp với đặc thù của vùng của dân tộc.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị cần có thêm đánh giá việc xây dựng, thực hiện chính sách ở cấp địa phương; đánh giá thêm về hoạt động giám sát thực hiện chính sách dân tộc; làm sâu sắc hơn phản ánh thực trạng tình hình phát triển kinh tế- xã hội của dân tộc, lưu ý đến yếu tố văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, xác lập nhóm dân tộc…Đồng thời đề nghị Quốc hội quyết định chỉ tiêu liên quan liên quan đến chính sách dân tộc đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm và hàng năm; thống nhất có nguồn lực đủ lớn trong giai đoạn 2021-2025 để thực hiện chính sách dân tộc nhằm giải quyết những vấn đề thực tế như di dân, giải quyết sinh kế; cần phải quyết định tiêu chí phân định vùng dân tộc thiếu số miền núi và có cơ sở dữ liệu về dân tộc.

Kết luận hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện Đề án, là cơ sở để Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự thảo từ tiêu đề, bố cục, các nội dung cụ thể như đánh giá thực trạng điều kiện vùng đồng bào dân tộc, các chính sách hiện hành…bám sát nội hàm yêu cầu của Đề án.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh