Tham dự hội nghị còn có Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cùng các đại biểu Quốc hội.
Hội nghị về báo cáo nghiên cứu về “Các yếu tố ảnh hướng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam”
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, hoan nghênh sáng kiến của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hữu quan trong việc tổ chức hội nghị quan trọng này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã nghe Chính phủ trình và thảo luận về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Nhiều vị đại biểu đề nghị có nghị quyết của Quốc hội về lĩnh vực này. Do đó, việc nghe và thảo luận về các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của dân tộc thiểu số tại Việt Nam có ý nghĩa xã hội rất sâu sắc, là một trong những kênh thông tin hữu ích, hỗ trợ tích cực cho việc đại biểu Quốc hội xem xét, thảo luận.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm sóc đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Thời gian qua, các chính sách ưu tiên đầu tư cho vùng dân tộc, miền núi đã giúp tốc độ tăng trưởng ở khu vực này khá hơn trước. Tuy nhiên, ở khu vực này vẫn mặt còn hạn chế.
Do đó, để đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới, Đảng, Nhà nước xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị. Đồng thời yêu cầu tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số; các chính sách phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc miền núi phải toàn diện, khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng, tiếp tục khơi dậy, phát huy tinh thần tự lực của đồng bào để phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng ghi nhận kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và các đối tác, nhất là các vấn đề về kết nối hạ tầng, kinh tế, kết nối thị trường, về lao động và việc làm, về giáo dục, y tế, về năng lực quản trị của các địa phương… với những khuyến nghị chính sách về tái định hình và cải thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số là rất quan trọng và phù hợp với sự quan tâm của Quốc hội Việt Nam.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu chỉ đạo hội nghị
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội mong muốn, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ và các cơ quan hữu quan, các địa phương triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội, cùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam, với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau.
Chia sẻ về kết quả nghiên cứu, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione đánh giá mô hình tăng trưởng hòa nhập vì mọi người của Việt Nam thời gian qua đã hết sức hiệu, đặc biệt là nguyên tắc hòa nhập về kinh tế - xã hội và nguyên tắc không để ai bị bỏ lại phía sau đã thực sự trở thành chuẩn mực và là kim chỉ nam để định hướng cho chiến lược phát triển của Việt Nam.
Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione khẳng định, Việt Nam đã làm rất tốt trong lĩnh vực này đặc biệt là kết quả giảm nghèo của Việt Nam từ gần 60% xuống mức dưới 10% trong vòng 1 thế hệ. Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra những thách thức trong việc giải quyết những vấn đề về nghèo dai dẳng trong cộng đồng người dân tộc thiểu số, khoảng cách phát triển giữa người dân tộc thiểu số với người dân tộc Kinh.
Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chỉ rõ, Việt Nam sẽ không thể đạt được mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình ở mức trên nếu không giải quyết được thách thức về tình trạng nghèo ở 15% dân số. Ngân hàng Thế giới coi đây là thách thức ở chặng cuối. Việt Nam muốn giải quyết thành công thách thức giảm nghèo ở chặng cuối này thì cần đảm bảo sự hòa nhập đầy đủ của tất cả người dân kể cả những nhóm yếu thế.
Vì vậy, chương trình mục tiêu quốc gia mới tập trung vào dân tộc thiểu số sẽ là nền tảng phù hợp để giải quyết thách thức giảm nghèo chặng cuối. Để mang lại những kết quả mong muốn là người dân tộc thiểu số không còn nghèo và chia sẻ thịnh vượng chung, Ngân hàng Thế giới kiến nghị 6 vấn đề mà chương trình mục tiêu quốc gia mới cần tập trung vào. Đó là, có cách tiếp cận dựa trên bằng chứng, giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của nghèo đói dựa theo nhóm dân tộc cụ thể, địa bàn cụ thể. Hai là đặt ra mục tiêu cải thiện khả năng tiếp cận của người dân tộc thiểu số với cơ hội việc làm, nông nghiệp giá trị cao và lĩnh vực phi nông nghiệp. Ba là quan tâm thích đáng đến tiếng nói và nhu cầu thực sự của các nhóm dân tộc thiểu số. Bốn là chú trọng vai trò đổi mới, trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương trong quá trình nắm bắt nhu cầu của cộng đồng, hỗ trợ xây dựng và triển khai các chương trình thành công. Năm là bố trí kinh phí thực hiện với cơ chế rõ ràng, động lực phù hợp để thúc đẩy phát triển toàn diện cho cộng đồng dân tộc thiểu số. Bảo đảm cân bằng giữa nguồn lực con người với tăng cường cơ hội kinh tế và phát triển hạ tầng. Sáu là xây dựng khung theo dõi giám sát khoa học tập trung vào tác động đối với từng hộ gia đình cũng như các kết quả bao trùm.
Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione phát biểu tại hội nghị
Bên cạnh đó, tại hội nghị, các đại biểu đã nghe và thảo luận về các tham luận: động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cập nhật về tình hình xóa đói, giảm nghèo tại Việt Nam; chương trình mục tiêu quốc gia- công cực hữu hiệu để thực hiện chính sách giảm nghèo; phát triển nguồn nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số.
Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và cho rằng đây là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng đối với các đại biểu trong quá trình thảo luận về Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Kỳ họp này.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu ghi nhận các nội dung trao đổi tại hội nghị đã gợi mở hướng tiếp cận, nghiên cứu hoàn thiện chính sách đặc biệt trong bối cảnh Quốc hội Việt Nam sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu bày tỏ mong muốn Chỉnh phủ, Ủy ban Dân tộc, các Bộ ngành sớm cụ thể hóa bằng hệ thống chính sách và ngân sách đảm bảo khả thi trong thực hiện Đề án. Đề nghị Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tăng cường giám sát việc ban hành chính sách pháp luật, các Đoàn đại biểu Quốc hội phối hợp với Hội đồng nhân dân địa phương trong phân bổ ngân sách phù hợp, đúng yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu kết luận hội nghị
Thống nhất cao với kiến nghị của Ngân hàng Thế giới về việc chọn một số mục tiêu ưu tiên làm động lực phát triển như y tế giáo dục nhằm nâng cao trí tuệ và thể chất con người… Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu bày tỏ mong muốn Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong quá trình thực hiện các mục tiêu này, giúp xây dựng các mô hính phát triển toàn diện, nhân rộng các mô hình hiệu quả./.