THỰC TRẠNG KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI

02/04/2020

Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội thứ XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã trình bày Tờ trình Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đề án đề cập cụ thể về thực trạng kinh tế- xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi những năm qua.

 

Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, nhờ có sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng và chính sách của Nhà nước cùng với sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của người dân, kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) đã có bước phát triển rõ rệt, cơ cấu kinh tế của các địa phương có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, thu nhập được nâng lên, đời sống không ngừng cải thiện, hộ nghèo giảm khá nhanh.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày Tờ trình Đề án

Từ năm 2016 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 41 văn bản đề cập đến chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS & MN trong đó có 15 đề án, chính sách trực tiếp; lũy kế đến nay còn 118 văn bản, trong đó có 54 đề án, chính sách còn hiệu lực, trực tiếp hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS & MN. Tuy vậy, thực trạng kinh tế và đời sống của đồng bào DTTS vẫn còn khoảng cách khá xa so với mặt bằng chung của cả nước. Cụ thể:

Về lĩnh vực kinh tế, theo xu hướng chung cơ cấu kinh tế của các tỉnh vùng đồng bào DTTS & MN đang chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Tuy nhiên, chuyển dịch cơ cấu lao động chậm, lao động chủ yếu vẫn làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp. Thế mạnh của các tỉnh vùng đồng bào DTTS & MN chủ yếu vẫn là phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Trong đó chủ yếu là chăn nuôi đại gia súc, trồng cây công nghiệp, cây dược liệu và phát triển kinh tế lâm nghiệp. Công nghiệp chủ yếu là chế biến nông, lâm sản; khai thác, chế biến khoáng sản; thủy điện. Phát triển du lịch chủ yếu là du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với văn hóa đặc sắc của cộng đồng các DTTS.

Đề án cho biết, các tỉnh vùng đồng bào DTTS & MN có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, trong đó các tỉnh vùng Tây Bắc tăng bình quân 8,4 %/năm, Tây Nguyên tăng bình quân 8,1 %/năm, Tây Nam Bộ tăng bình quân 7,3%/năm. Tốc độ tăng trưởng khá nhưng quy mô còn nhỏ bé, xuất phát điểm thấp nên tăng tương đối thấp, chất lượng tăng trưởng vẫn dựa chủ yếu vào tăng vốn đầu tư. Một số địa phương đã bước đầu phát triển các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa có giá trị gia tăng cao như: cà phê, chè, cao su, điều, tiêu, cây dược liệu, cây lấy gỗ và sản phẩm ngoài gỗ...

Nhìn chung, quy mô nền kinh tế của các tỉnh vùng đồng bào DTTS & MN còn nhỏ, bé, khiêm tốn; số thu ngân sách và tỷ lệ cân đối rất thấp, có trên 90% các tỉnh trong vùng đồng bào DTTS&MN nhận hỗ trợ ngân sách từ trung ương.

Theo số liệu của 26 tỉnh vùng đồng bào DTTS & MN có báo cáo, trong 3 năm (2016-2018), thu hút được 4.699 dự án đầu tư. Những dự án đầu tư này chủ yếu ở vùng đô thị, vùng ven đô thị; số dự án đầu tư vào địa bàn các xã khu vực 2 rất ít, hầu như không có các dự án đầu tư ở các xã khu vực III. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là khai thác, chế biến khoáng sản, chế biến nông, lâm sản, thủy điện, khu đô thị mới. Quy mô dự án không lớn, ít có tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế, xã hội địa phương và cả vùng. Nguồn vốn đầu tư chủ yếu là trong nước, ít dự án FDI, các dự án đầu tư có công nghệ ở mức trung bình, ít dự án có công nghệ mới, khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn thấp, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Nhu cầu về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn vẫn còn rất lớn

Chính phủ đã có nhiều chương trình, chính sách, dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở vùng đồng bào DTTS & MN như Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015 - 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135, Chương trình 30A, Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 14/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh bổ sung cơ chế chính sách Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long…

Trong giai đoạn 2016 - 2018, chỉ tính riêng Chương trình 135, Chính phủ đã đầu tư 9.106 công trình, duy tu, bảo dưỡng 3.295 công trình. Về tổng thể, hiện nay đã có 98,4 % xã có đường ô tô đến trung tâm; trên 98% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân. Tuy nhiên, nhu cầu về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn vẫn còn rất lớn.

Về giao thông, theo báo cáo của các tỉnh vùng đồng bào DTTS & MN, 100% các tỉnh đều đã có đường đến trung tâm các huyện lỵ, chủ yếu là đường cấp V, cấp VI rải nhựa bán thâm nhập. Còn 187 xã chưa có đường ô tô được cứng hóa đến trung tâm, nhiều tuyến đường tới trung tâm xã ở vùng đồng bào DTTS & MN đã xuống cấp nghiêm trọng, chỉ đi lại được vào mùa khô; mới có hơn 80% thôn, bản có đường giao thông được cứng hóa đi đến trung tâm xã, số còn lại chủ yếu là đường đất, đường tạm, đi lại bằng xe máy, xe đạp.

Về thủy lợi, hệ thống kênh mương nội đồng, các công trình thủy lợi nhỏ và vừa đã đáp ứng một phần nhu cầu phát triển sản xuất của người dân. Tuy nhiên, do điều kiện địa hình chia cắt, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên phải chống chịu với thiên tai, bão lũ, sạt lở đất, thiếu nguồn lực cho công tác duy tu, bảo dưỡng nên diện tích đất canh tác được tưới tiêu của các xã vùng đồng bào DTTS & MN còn thấp (khoảng 23,4%). Khu vực miền núi phía Bắc hiện đang là khu vực có tỷ lệ diện tích đất canh tác được tưới tiêu thấp nhất với 11%.

Về hạ tầng lưới điện, Đề án cho biết, hiện vẫn còn 31 xã chưa có điện lưới. Theo số liệu Điều tra KT-XH 53 DTTS khu vực này vẫn còn hơn 3.400 thôn, bản chưa có đường điện hạ thế; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện của cả vùng mới đạt 93,9%.

Về cơ sở vật chất trường, lớp học, mạng lưới trường, lớp học phát triển nhanh, hầu như các xã đều có trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, nhiều trung tâm cụm xã có trường trung học phổ thông. Tuy nhiên, chất lượng phòng học ở vùng đồng bào DTTS & MN còn kém. Đây chính là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tỷ lệ trường được công nhận đạt chuẩn ở các xã vùng đồng bào DTTS & MN chưa bằng 1/2 so với vùng phát triển.

Về cơ sở hạ tầng y tế, hạ tầng y tế trên địa bàn vùng đồng bào DTTS & MN cũng là một trong những nội dung đòi hỏi có sự đầu tư lớn để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Toàn vùng có 4.114 xã có trạm y tế thì 1.335 trạm y tế bán kiên cố và nhà tạm cần được nâng cấp và kiên cố hóa. Tỷ lệ xã thuộc vùng đồng bào DTTS & MN có trạm y tế xã đạt chuẩn còn thấp (chiếm 45%); chỉ có 69,2% số trạm y tế ở vùng đồng bào DTTS & MN có bác sỹ khám chữa bệnh cho người dân. Chỉ 20% trạm y tế xã đạt chuẩn y tế giai đoạn 2011-2020.

Về hạ tầng văn hóa-thông tin, tỷ lệ xã vùng đồng bào DTTS & MN chưa có nhà văn hóa còn lớn, chiếm 53,3%; còn 1.749 xã và 7,072 thôn, bản vùng đồng bào DTTS&MN chưa có nhà văn hóa/nhà sinh hoạt cộng đồng. Tỷ lệ thôn, bản có loa truyền thanh chỉ đạt 56,8%.

Tốc độ giảm nghèo đạt mục tiêu đề ra nhưng vẫn là thách thức

Đề án cho biết, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đã nỗ lực cao độ cho công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS & MN, đạt kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đề ra. Với nhiều cơ chế, chính sách giảm nghèo được ban hành trong giai đoạn vừa qua, bình quân tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2018 ở các huyện nghèo giảm xuống còn dưới 35% (giảm khoảng 5% so với cuối năm 2017); tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 3-4%/năm. Có 8 huyện thoát khỏi huyện nghèo theo Quyết định 30a của Thủ tướng Chính phủ; 14 huyện ra khỏi diện hưởng chính sách như huyện nghèo. Hiện nay theo báo cáo của các địa phương, 124 xã, 1.298 thôn đủ điều kiện để xét hoàn thành mục tiêu Chương trình 135. Tốc độ giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS & MN đạt mục tiêu đề ra tại Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Toàn cảnh phiên họp

Tuy nhiên, nếu so với kết quả giảm nghèo chung của cả nước, tình trạng hộ nghèo và cận nghèo ở vùng đồng bào DTTS & MN, nhất là tình trạng nghèo của người DTTS vẫn đang là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay. Tính đến cuối năm 2018, hộ nghèo DTTS trong tổng số hộ nghèo cả nước chiếm 55,27% (trong khi đó tỷ lệ dân số DTTS chiếm 14,6% dân số của cả nước). Mặt khác, vẫn còn nhiều nhóm DTTS có tỷ lệ hộ nghèo trên 40% (cao gấp gần 8 lần so với bình quân chung của cả nước hiện nay là 5,23%).

Sinh kế của người dân chủ yếu vẫn là sản xuất nông, lâm nghiệp

Sinh kế của người dân vùng đồng bào DTTS & MN đặc biệt là đồng bào các DTTS hiện nay chủ yếu vẫn là sản xuất nông, lâm nghiệp. Tỷ lệ các nhóm DTTS có việc làm trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ rất thấp, chưa khai thác được tiềm năng trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ của khu vực. Thu nhập bình quân đầu người của các DTTS hiện nay trung bình vào khoảng 1,1 triệu/người/tháng, chưa bằng ½ so với mức bình quân chung của cả nước.

Mặc dù sinh kế gắn với nông lâm nghiệp là chủ yếu, nhưng tình trạng không có hoặc thiếu đất sản xuất đang diễn ra phổ biến đối với người dân vùng đồng bào DTTS & MN nói chung và cộng đồng các DTTS nói riêng.

Theo số liệu điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS, có đến 68,5% hộ DTTS có nhu cầu cần thêm đất để sản xuất. Trong đó có nhiều nhóm dân tộc ở Tây Nguyên có trên 80% số hộ thiếu đất sản xuất. Nếu không có những cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời để chuyển đổi cơ cấu lao động, đa dạng hóa các loại hình sinh kế cho người dân thì rất khó có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trên địa bàn vùng đồng bào DTTS & MN.

Tình trạng thiếu việc làm của thanh niên đang là vấn đề lớn

Theo số liệu thống kê, chỉ có khoảng 6,2% lao động người DTTS được qua đào tạo (từ sơ cấp nghề trở lên), bằng 1/3 so với tỷ lệ trung bình của của cả nước. Tình trạng thiếu việc làm của thanh niên DTTS đang là vấn đề bức xúc hiện nay. Trong số hơn 9,38 triệu người DTTS từ 15 tuổi trở lên, có hơn 1,3 triệu người chưa có việc làm ổn định. Một bộ phận lao động người DTTS đã dời quê lên khu công nghiệp tìm kiếm việc làm hoặc đi làm thuê ở các nước có chung đường biên giới. Do thiếu hiểu biết và kỹ năng sống đã sảy ra nhiều hệ lụy, rất cần được chính quyền các cấp giúp đỡ.

Tỷ lệ người chưa biết đọc, biết viết tiếng phổ thông vẫn còn

Về giáo dục - đào tạo, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bào DTTS & MN. Các chương trình, dự án, chính sách của nhà nước đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của con em đồng bào DTTS. Mạng lưới trường mầm non, trường phổ thông ở vùng đồng bào DTTS & MN tiếp tục được củng cố, mở rộng, nhất là các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học dân tộc; chất lượng giáo dục của các trường PTDTNT được nâng lên một bước.

Hiện nay, 100% xã vùng đồng bào DTTS & MN có trường THCS, trường tiểu học, hầu hết các xã có trường mầm non. Cả nước có 314 trường Phổ thông DTNT; 1.097 trường phổ thông dân tộc bán trú; 05 trường đào tạo dự bị đại học dân tộc. Đã có 51/53 DTTS có học sinh cử tuyển đi học đại học; học sinh là người DTTS ở vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ chi phí ăn ở, học tập.

Giai đoạn 2016 - 2018, Chính phủ đã tuyên dương trên 400 học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu trong học tập; 23 gương thanh niên DTTS khởi nghiệp thành công, tạo sức lan tỏa, động viên học sinh, sinh viên nỗ lực, phấn đấu vươn lên. Có thể thấy chính sách giáo dục cho con em đồng bào DTTS đã và đang phát huy tác dụng, huy động hầu hết trẻ em trong độ tuổi đến trường, học sinh DTTS được học tiếng phổ thông, học văn hóa, được giao lưu và tiếp cận thông tin, khoa học kỹ thuật.

Mặc dù vậy, chất lượng giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu, tỷ lệ người chưa biết đọc, biết viết tiếng phổ thông trong cộng đồng các DTTS còn cao, chất lượng nguồn nhân lực thấp chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Chất lượng dịch vụ y tế cơ bản chưa đáp ứng hết nhu cầu

Về y tế và chăm sóc sức khỏe, Đề án nêu rõ, mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực trong giai đoạn vừa qua, tuy nhiên, thực trạng về lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe người dân ở vùng đồng bào DTTS & MN hiện vẫn còn khó khăn.

Cụ thể, tỷ lệ phụ nữ DTTS đến các cơ sở y tế để khám thai thấp, tỷ lệ phụ nữ sinh con tại nhà cao. Bên cạnh đó, do điều kiện còn quá khó khăn, chất lượng dịch vụ y tế cơ bản cho người dân chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Vì vậy, lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe người dân đòi hỏi có sự quan tâm đầu tư rất lớn giai đoạn 2021 - 2025 thì mới đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS & MN cũng như đáp ứng được yêu cầu về phát triển nguồn nhân lực ở khu vực này.

Văn hóa của đồng bào DTTS đứng trước nguy cơ mai một

Về văn hóa, Chính phủ đã có nhiều giải pháp chú trọng hơn công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS. Trong 3 năm từ 2016 - 2018, đã có 03 di tích quốc gia đặc biệt, 08 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh liên quan đến đồng bào DTTS được xếp hạng di tích quốc gia; có 126 di sản văn hóa phi vật thể, 276 nghệ nhân ưu tú là người DTTS. Bước đầu đã xây dựng được hơn 5.000 cơ sở du lịch trải nghiệm góp phần tăng thu nhập cho người dân. Trong 03 năm, đã có 06 dân tộc được tổ chức ngày hội văn hóa riêng của dân tộc mình: Dao, Mường, Mông, Thái, Chăm, Khmer.

Tuy nhiên, trong việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào DTTS & MN vẫn đang đối mặt với một số thách thức. Hiện tồn tại thực trạng đáng quan tâm về nguy cơ khó lưu giữ và bảo vệ các giá trị văn hóa vật thể đa dạng, phong phú như: nhà cửa, đền thờ, miếu mạo, lăng tẩm và đặc biệt là các di tích văn hóa, lịch sử, tự nhiên… ở vùng đồng bào DTTS & MN. Mặt khác, trang phục, lễ phục truyền thống và công cụ, dụng cụ, nhạc cụ… của cộng đồng các DTTS được sử dụng trong các lễ hội và đời sống lao động, sinh hoạt hàng ngày đang dần bị mai một. Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc như ngôn ngữ truyền thống, sử thi và các điệu dân ca, dân vũ, tín ngưỡng dân tộc… và đặc biệt là phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng các DTTS cũng đang đứng trước nguy cơ mai một.

Nhìn chung, chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các DTTS đã mang lại những kết quả nhất định. Tuy nhiên cùng với quá trình phát triển kinh tế, di dịch cư, mặt trái cơ chế thị trường đã làm tăng nguy cơ mai một bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS. Nếu không có chính sách đủ mạnh, đổi mới cách làm để nâng cao hiệu quả chính sách thì sẽ khó bảo tồn và phát triển sự đa dạng và những bản sắc văn hóa đặc sắc của cộng đồng các DTTS./.

Thu Phương