BAN HÀNH VĂN BẢN HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN LUẬT TRẺ EM – MỘT SỐ KẾT QUẢ VÀ HẠN CHẾ

06/04/2020

Hơn hai năm triển khai Luật Trẻ em 2016, việc chỉ đạo thực hiện Luật, cụ thể hóa những quy định của Luật được triển khai tích cực tạo hành lang pháp lý thống nhất. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật liên quan đến trẻ em và bảo vệ trẻ em vẫn có nhiều khoảng trống, việc xây dựng chính sách đối với một số nhóm đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt còn chậm, chưa đồng bộ.

 

Từng bước hoàn thiện thể chế để thực hiện quyền trẻ em

Luật Trẻ em được Quốc hội thông qua năm 2016 trên cơ sở kế thừa Luật Bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em 2004 và cụ thể hóa Hiến pháp 2013, đồng thời bảo đảm sự phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em cũng như các chuẩn mực pháp lý quốc tế về tư pháp đối với người chưa thành niên mà Việt Nam đã ký kết.

Luật Trẻ em đã quy định khá đầy đủ các quyền của trẻ em theo Công ước; quy định chi tiết quyền được bảo vệ, quyền được tham gia; trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, gia đình, xã hội, cá nhân thực hiện và bảo đảm thực hiện quyền của trẻ em, trong đó có việc thành lập và hoạt động của Tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em.

Đặc biệt, Luật Trẻ em 2016 đã nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế… nhằm cụ thể hóa các quy định và phương thức để bảo vệ trẻ em và quyền trẻ em tốt nhất. Với nhóm trẻ em từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi theo Công ước, được quy định cụ thể trong Luật Thanh niên.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan hữu quan nghiêm túc triển khai thực hiện, đưa Luật vào cuộc sống. Bám sát các quy định về trách nhiệm được giao, hầu hết các bộ, ngành, các cơ quan trung ương đều chấp hành các quy định của pháp luật.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về giám sát năm 2020 tại kỳ họp Kỳ họp thứ 7 - lựa chọn giám sát chuyên đề về phòng, chống xâm hại trẻ em

Ngay khi Luật Trẻ em 2016 có hiệu lực (ngày 01/6/2017), Chính phủ và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Luật. Theo đó, 13 Nghị định Chính phủ; 07 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 16 Thông tư liên tịch và Thông tư cùng 02 kế hoạch được ban hành theo thẩm quyền. Có thể kể đến nhiều văn bản ban hành kịp thời như Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017, quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em, Thông tư số 09/2017/TT-BTTTT ngày 23/6/2017 của Bộ Thông tin – Truyền thông quy định về tỷ lệ, nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm.

Ngoài Luật Trẻ em và Luật Thanh niên, vấn đề liên quan tới trẻ em còn được cụ thể hoá trong các luật chuyên ngành như Luật Trợ giúp pháp lý, Luật An ninh mạng, Bộ luật Hình sự, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia... Các văn bản này là cơ sở pháp lý, căn cứ quan trọng để các bộ, ngành, cơ quan hữu quan và ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo triển khai thực hiện Luật Trẻ em và bảo vệ trẻ em.

Còn khoảng trống trong pháp luật về bảo vệ trẻ em

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ban hành các văn bản để triển khai Luật Trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em nói riêng còn khá nhiều tồn tại, hạn chế cần được xem xét, hoàn thiện.

Hệ thống luật pháp về bảo vệ trẻ em còn nhiều khoảng trống, còn thiếu nhiều quy định về bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Hiện nay, còn thiếu các quy định cụ thể để thực hiện các yêu cầu bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng (quy định tại Mục 4, Chương 4 Bảo vệ trẻ em của Luật Trẻ em), bảo đảm “tư pháp thân thiện với trẻ em”, đặc biệt trong các quy trình điều tra, giám định pháp y dẫn đến tình trạng trẻ em là nạn nhân, nhân chứng không được bảo vệ kịp thời, thậm chí có nguy cơ bị tổn hại trong quá trình tố tụng; Thiếu các quy định cụ thể để nhận diện, xử lý những vấn đề, hành vi xâm hại trẻ em mới như: xâm hại tình dục (các hành vi dâm ô, giao cấu với trẻ em), bóc lột trẻ em (sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật ở khu vực không có quan hệ lao động), bạo lực trẻ em (các hành vi gây tổn hại về tinh thần) dẫn đến khó xử lý, xử lý không kịp thời, không nghiêm khắc đối với các hành vi xâm hại trẻ em.

Một trong những buổi Toạ đàm về thực hiện Luật Trẻ em do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức 

Nhiều quy định bảo đảm tài chính và nhân lực để thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em chưa được Chính phủ quan tâm thỏa đáng, đặc biệt cho công tác bảo vệ trẻ em và quyền trẻ em. Nhiều quy định trong Luật Trẻ em mới chỉ dừng lại ở nguyên tắc, đòi hỏi phải được Chính phủ chỉ đạo, cụ thể hóa trong các văn bản để hướng dẫn địa phương thực hiện… Ví dụ như: Quy định về “Ưu đãi thuế, tín dụng, đất đai và các ưu đãi khác”; quy định về “tạo sự bình đẳng giữa khu vực công lập với khu vực ngoài công lập trong việc cung cấp dịch vụ về trợ giúp xã hội, giáo dục, y tế, tư pháp, văn hóa, vui chơi” cho trẻ em đến nay Chính phủ chưa có hướng dẫn thực hiện. Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao triển khai nhiệm vụ“hướng dẫn thực hiện quyền tham gia của trẻ trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác, quy định tại điều 76 Luật này” và “hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc trẻ em kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em trong nhà trẻ” (khoản 7, 8, Điều 85) nhưng các văn vản này chưa được Bộ ban hành để chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai, thực hiện.

Với 14 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhiều chính sách chưa được đổi mới trong cách tiếp cận dựa trên quyền của trẻ em theo luật định và một số nhóm chính sách chậm được bổ sung, sửa đổi. Một số nhóm trẻ em chưa có tiêu chí xác định, chưa có chính sách trợ giúp phù hợp như: Trẻ em bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở; trẻ em khuyết tật về sức khỏe tâm thần; trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo; trẻ em di cư, lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc…Vẫn còn sự bất bình đẳng trong chính sách hỗ trợ đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được nuôi dưỡng, chăm sóc ở các cơ sở ngoài công lập với các cơ sở công lập; chưa có chính sách phù hợp để khích lệ người nhận “chăm sóc trẻ thay thế” theo luật định để trẻ được hòa nhập công đồng cùng người thân, hạn chế đưa trẻ vào gửi ở các Trung tâm của Nhà nước.

Một số quy định trong Luật Trẻ em, có liên quan đến các luật khác và nhóm trẻ em từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em chưa được Chính phủ xem xét, ban hành các văn bản điều hành để bảo đảm nguyên tắc “vì lợi ích tốt nhất của trẻ em” theo luật định, đặc biệt với các quy định nhằm khuyến khích cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân ủng hộ, đầu tư nguồn lực cho công tác bảo vệ; chăm sóc sức khỏe; giáo dục và giáo dục giới tính; tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí, thông tin, truyền thông cho trẻ em.

Luật Trẻ em năm 2016 có bổ sung thêm 04 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tuy vậy từ khi Luật ra đời đến nay vẫn chưa có chính sách trợ giúp cụ thể nào cho 04 nhóm trẻ em này. Các chính sách trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 trên các lĩnh vực an sinh xã hội, giáo dục, y tế, tư pháp chậm được sửa đổi bổ sung cho phù hợp với bối cảnh mới.

Ngoài ra, quyền tham gia của trẻ em chưa được phát huy hiệu quả. Quy định lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng và triển khai các chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em chưa được thực hiện ở nhiều địa phương, bộ, ngành. Nhiều hồ sơ dự án xây dựng, sửa đổi, bổ sung pháp luật có các quy định liên quan đến trẻ em chưa có ý kiến trẻ em hoặc đại diện trẻ em.

Việc nghiên cứu xây dựng, ban hành các quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, khung giá dịch vụ về bảo vệ trẻ em trên các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục, chưa được các bộ ngành quan tâm đúng mức, sau 2 năm Luật Trẻ em có hiệu lực nhưng vẫn chưa được ban hành và hướng dẫn thực hiện.

Các bộ, ngành cần tích cực triển khai nhiệm vụ theo Luật định

Những tồn tại trong việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Trẻ em xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yêu tố chủ quan. Việc thực hiện trách nhiệm được giao của một số bộ, ngành, cơ quan liên quan còn thiếu cụ thể, chi tiết và chậm triển khai đưa luật vào cuộc sống; việc chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương trong thực thi nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ trẻ em và quyền trẻ em còn nhiều hạn chế. Vai trò chủ trì theo luật định còn mờ nhạt ở một số bộ, ngành, cơ quan trung ương; việc quy định trách nhiệm của các bộ, ngành trung ương nhưng các cơ quan này chưa có sự chỉ đạo sát sao để các sở, ngành, phòng ban tương ứng hiểu rõ trách nhiệm và công việc tham mưu của mình với chính quyền địa phương theo luật định. Kinh phí dành cho công tác bảo vệ trẻ em vừa thiếu vừa chưa bám sát nhiệm vụ được giao.

Việc chậm ban hành, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em hay như chậm cụ thể hóa các nguyên tắc, các chính sách bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được quy định trong Luật Trẻ em 2016 sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi Luật, từ đó ảnh hưởng đến nhiệm vụ bảo vệ trẻ em và bảo đảm quyền trẻ em.

Trước thực trạng trên, Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, các cơ quan Trung ương, các tổ chức hữu quan, cần tiếp tục bám sát nhiệm vụ theo Luật định để tích cực hơn trong công tác phối hợp, rõ vai trò “chủ trì” khi triển khai nhiệm vụ được Luật giao.

Nghiên cứu đề xuất các chính sách phù hợp cho nhóm trẻ em – thanh niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi để vừa phù hợp với tuổi trẻ em trong Luật Trẻ em và vừa phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia trên cơ sở có sơ kết, tổng kết các kết quả. Từ các kết luận đó, nghiên cứu đề xuất điều chỉnh pháp luật, chính sách phù hợp.

Đồng thời cần sớm ban hành quy định hướng dẫn về công tác điều tra, giám định pháp y; về việc nhận diện những vấn đề mới về trẻ em (dâm ô đối với trẻ em, lao động trẻ em). Về lâu dài, cần xem xét xây dựng Luật về “tư pháp cho người chưa thành niên” để bảo vệ tốt nhất trẻ em là nạn nhân, nhân chứng; quy định cụ thể về vấn đề điều tra, truy tố, xét xử thân thiện với trẻ em cùng nhiều vấn đề liên quan khác./.

Bảo Yến