BAN HÀNH QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA VĂN PHÒNG QUỐC HỘI

08/04/2020

Mới đây, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã ký ban hành Quyết định số 317/QĐ-VPQH về việc ban hành Quy chế làm việc của Văn phòng Quốc hội. Quyết định này thay thế cho Quyết định số 1758 - QĐ/CNVP ngày 29 tháng 9 năm 2005 của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ban hành Quy chế làm việc của Văn phòng Quốc hội.

Quy chế làm việc của Văn phòng Quốc hội xác định rõ: Văn phòng Quốc hội được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả.

Mỗi nhiệm vụ được giao cho một đơn vị thực hiện hoặc làm đầu mối chủ trì thực hiện. Nhiệm vụ được giao cho đơn vị nào thì Vụ trưởng, Trưởng đơn vị (sau đây gọi là cấp trưởng đơn vị) đó phải chịu trách nhiệm.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nhiệm vụ được phân công theo phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục, thời hạn quy định bảo đảm tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của cơ quan, đơn vị; thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí; cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có quyền bảo lưu ý kiến và báo cáo cấp có thẩm quyền về ý kiến của mình.

Phát huy năng lực, sở trường của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; tăng cường trao đổi thông tin, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, cá nhân liên quan trong thực hiện nhiệm vụ.

Các đơn vị có trách nhiệm xây dựng quy trình, thủ tục thực hiện từng nhiệm vụ được giao và được ban hành quy chế hoạt động nội bộ của đơn vị bảo đảm đúng nguyên tắc, chế độ làm việc quy định tại Quy chế này và các quy định khác có liên quan.

Quy chế cũng quy định về chế độ làm việc của Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; chế độ làm việc của cấp trưởng, cấp phó, công chức, viên chức, người lao động các đơn vị; quan hệ công tác của Văn phòng Quốc hội, quan hệ giữa các đơn vị trong Văn phòng Quốc hội; chế độ báo cáo, họp và thông tin.

Quy chế quy định rõ, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là người đứng đầu Văn phòng Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động của Văn phòng Quốc hội theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và các văn bản khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Văn phòng Quốc hội.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội giữ mối quan hệ công tác thường xuyên với Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Đảng đoàn Quốc hội, Trợ lý lãnh đạo Quốc hội, người đứng đầu cơ quan, tổ chức để phối hợp tham mưu, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Bên cạnh việc xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị với việc quy định cụ thể về chế độ làm việc của cấp trưởng đơn vị thì Quy chế cũng quy định trách nhiệm phối hợp giải quyết công việc của Văn phòng Quốc hội với các cơ quan hữu quan và giữa các đơn vị trong Văn phòng Quốc hội, quy định về những công việc cần lấy ý kiến của tập thể lãnh đạo Văn phòng Quốc hội trước khi Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định nhằm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao bảo đảm hiệu quả, kịp thời, đúng quy định, tránh chồng chéo và bỏ sót công việc.

Theo quy định của Quy chế, cấp trưởng đơn vị chịu trách nhiệm trước Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phụ trách về việc thực hiện nhiệm vụ, chấp hành các quy định của Nhà nước và của Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.

Cấp trưởng đơn vị trực tiếp giúp việc Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chịu trách nhiệm trước Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, lãnh đạo Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác tham mưu, phục vụ nội dung chuyên môn.

Khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Văn phòng Quốc hội giữ mối quan hệ công tác với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thư ký, các Bộ, ngành ở Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khác.

Các đơn vị trong Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm phối hợp giải quyết công việc nhằm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao bảo đảm hiệu quả, kịp thời, đúng quy định, tránh chồng chéo và bỏ sót công việc.

Quy chế này ban hành kèm theo Quyết định số 317/QĐ-CNVP ngày 20 tháng 3 năm 2020 của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội có hiệu lực kể từ ngày ký quyết định ban hành./.

Bảo Yến

Các bài viết khác