TẬP TRUNG ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

30/04/2020

Tại phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019, nhiều ý kiến cho rằng kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 chậm và đạt thấp so với kế hoạch, gây lãng phí nguồn lực nhất là ở một số dự án trọng điểm. Điều này đòi hỏi thời gian tới cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu hoàn thành kế hoạch vốn năm 2020 và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016- 2020.

 

Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2019 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, liên quan đến công tác quản lý đầu tư xây dựng, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 và ban hành theo thẩm quyền 04 Nghị định hướng dẫn Luật, là bước tiến mới trong hoàn thiện thể chế về đầu tư công; bổ sung, hoàn thiện trình tự, đơn giản hóa thủ tục, phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công, phân cấp triệt để quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; đáp ứng tốt hơn đối với thực tiễn vận hành của nền kinh tế, khắc phục những vướng mắc lớn nhất về đầu tư công trước đây, tạo thuận lợi hơn cho quá trình chuẩn bị dự án và điều hành kế hoạch đầu tư, hạn chế kéo dài thời gian thực hiện, chuyển nguồn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí

Chính phủ, Thủ tướng Chính đã thực hiện giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2019 kịp thời, quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các chủ đầu tư khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch vốn được giao; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công công trình, dự án, thanh toán dứt điểm khối lượng đã thực hiện; phân bổ kế hoạch bố trí vốn thanh toán tối thiểu 50% số nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn Ngân sách Trung ương (NSTW) giai đoạn 2016-2020 còn lại chưa thanh toán và thu hồi tối thiểu 30% số vốn ứng trước nguồn NSTW dự kiến thu trong giai đoạn 2016-2020 còn lại chưa thu hồi.

Trong năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng cường chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân; điều chuyển vốn từ đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp sang đơn vị có nhu cầu về vốn, tỷ lệ giải ngân cao, để nâng cao hiệu quả, tránh lãng phí vốn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp, nhưng kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 chậm và đạt thấp so với kế hoạch, gây lãng phí nguồn lực. Giải ngân qua Kho bạc Nhà nước đến ngày 31/01/2020 chỉ đạt 73,7% kế hoạch, trong đó vốn trong nước giải ngân đạt 77,3% kế hoạch; vốn ngoài nước giải ngân đạt 47,4% kế hoạch. Nhiều địa phương giải ngân thấp, dưới 60% kế hoạch.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trao đổi báo cáo thẩm tra

Thẩm tra kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội chỉ rõ, việc chậm giải ngân kế hoạch vốn đầu tư, tỷ lệ giải ngân có xu hướng giảm; chậm giao vốn, giao làm nhiều đợt và chậm điều chỉnh vốn đầu tư phát triển; tình trạng chuyển nguồn vẫn còn lớn dẫn đến chuyển tiếp kéo dài, lãng phí nguồn lực. Một số bộ, ngành, địa phương phân bổ vốn cho dự án không đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí; dàn trải, kéo dài thời gian thực hiện.

Đáng lưu ý là vốn giải ngân thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia (dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành) vẫn còn nhiều vướng mắc. Việc xây dựng một số bệnh viện mới nhằm giảm tải bệnh viện tuyến trên đã được bố trí vốn nhưng chưa giải ngân được có thể dẫn đến gây lãng phí đầu tư công (Dự án Xây dựng bệnh viện Chợ Rẫy hữu nghị Việt - Nhật, ODA Nhật Bản; Dự án Xây dựng trường ĐH Dược Hà Nội; Dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, cơ sở 2 Bệnh viện hữu nghị Việt Đức…) . Một số dự án phải lùi tiến độ, tăng thêm vốn, tổng mức đầu tư gây tốn kém làm đảo lộn các kế hoạch, đề án phát triển, quy hoạch đô thị khác (Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương, Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ ấn tượng với kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhờ chỉ đạo rất quyết liệt nên công tác phòng, chống tham nhũng, nhiều vụ việc đã được xử lý rất kiên quyết, lan tỏa đến việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí tốt. Thứ hai là cải cách thủ tục hành chính, các trung tâm phục vụ hành chính công ở các địa phương hoạt động hiệu quả, giúp giảm chi phí về thời gian, về tiền bạc cho doanh nghiệp, cho người dân. Việc sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy cũng góp phần vào việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tuy nhiên, trong thời gian tới muốn tiết kiệm hơn thì cần phải quyết liệt hơn nữa.

Quan tâm đến việc giải ngân vốn đầu tư tại các dự án trong điểm quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ lo ngại về tiến độ của các dự án trọng điểm. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế chỉ rõ, qua giám sát cho thấy tiến độ giải phóng mặt bằng của sân bay Long Thành rất chậm. Mặc dù Quốc hội đã rất ủng hộ Chính phủ đã cho phép tách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành một dự án thành phần riêng rất đặc thù để tạo điều kiện cho triển khai, nhưng hiện nay mới triển khai mấy khu tái định cư, lo ngại đến tháng 10 liệu có mặt bằng để phục vụ cho thi công không.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ lo ngại về tiến độ của các dự án trọng điểm

Cùng với đó là tiến độ của công trình trọng điểm cao tốc Bắc-Nam rất chậm, ảnh hưởng đến việc tiết kiệm, chống lãng phí. Chính phủ có chủ trương chuyển đổi đầu tư theo phương pháp đối tác công tư sang đầu tư công nhưng bây giờ hồ sơ cũng chưa có. Ủy ban Kinh tế sẽ có buổi làm việc với Bộ Giao thông vận tải để xem công tác chuẩn bị nội dung này.

Trong phần kết luận nội dung thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng chỉ rõ công tác triển khai đầu tư công làm chưa tốt, triển khai đầu tư công chậm, giải ngân chậm, kỷ luật tài chính tuy tiến bộ nhưng vẫn chưa nghiêm. Do đó đề nghị Chính phủ quan tâm thực hiện quyết liệt hơn, tập trung giải quyết tồn tại, yếu kém đã diễn ra trong năm 2019, các biện pháp tiết kiệm, chống lãng phí phù hợp để ứng phó với đại dịch Covid-19, bảo đảm hỗ trợ của Nhà nước được công khai, minh bạch, chặt chẽ, hiệu quả và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong tình hình mới./.

Bảo Yến