NHẤN MẠNH VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM CỦA THANH NIÊN TRONG DỰ THẢO LUẬT THANH NIÊN (SỬA ĐỔI)

01/05/2020

Tại Hội nghị “Tham vấn ý kiến xây dựng Luật Thanh niên (sửa đổi) do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức vừa qua, các đại biểu cho rằng, khi xây dựng Luật Thanh niên (sửa đổi), Ban soạn thảo cần nhấn mạnh về vai trò, trách nhiệm của thanh niên với Tổ quốc, với đất nước, với gia đình, xã hội và với chính bản thân mình để từ đó cống hiến, đóng góp ngược lại cho đất nước, cho xã hội.

 

Toàn cảnh hội nghị

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, để Luật thanh niên (sửa đổi) lần này thực sự khác biệt, đặc thù về thanh niên so với các luật chuyên ngành quy định về các vấn đề trên các lĩnh vực của  đời sống xã hội có sự tham gia của thanh niên như: hành chính, dân sự, giáo dục, kinh doanh, lao động, việc làm, y tế… Luật Thanh niên sửa đổi cần bám sát định hướng xây dựng luật nhằm phát triển thanh niên.

Theo quan điểm của các nước trong khối Thịnh vượng chung, phát triển thanh niên là việc “nâng cao vị trí của thanh niên, trao cho họ khả năng dựa vào năng lực của chính mình trong cuộc sống. Điều đó sẽ làm cho họ có thể đóng góp và được hưởng lợi từ sự ổn định chính trị, sự phát triển kinh tế và môi trường pháp lý thuận lợi, đảm bảo sự tham gia đầy đủ của họ với tư cách là một thành viên tích cực trong xã hội” . Theo định nghĩa này, việc phát triển thanh niên tập trung vào việc trao cho thanh niên vai trò quan trọng trong xã hội, đặt thành niên vào vị trí trung tâm của sự phát triển, tạo điều kiện để thanh niên có thể phát huy hết năng lực của mình để họ được sống theo những gì họ mong muốn và có thể đóng góp tích cực cho xã hội, cho đất nước.

Tại Việt Nam, mặc dù các văn bản pháp luật chưa quy định khái niệm “phát triển thanh niên” một cách cụ thể nhưng thanh niên từ lâu đã là đối tượng được quan tâm, chú trọng phát triển. Để tạo điều kiện phát triển thanh niên, Việt Nam đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản chính sách, pháp luật như: Luật Thanh niên 2005, Chiến lược Quốc gia về phát triển thanh niên 2011 – 2020 và các nghị định, thông tư hướng dẫn với mục tiêu xuyên suốt là phát triển thanh niên. Điều 1 Chiến lược Quốc gia về phát triển thanh niên 2011 – 2020 khẳng định mục tiêu của chiến lược là: “Xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có đạo đức cách mạng, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa; có trình độ học vấn, nghề nghiệp và việc làm; có văn hóa, sức khỏe, kỹ năng sống và ý chí vươn lên; xung kích, sáng tạo làm chủ khoa học, công nghệ tiên tiến; hình thành nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Đại biểu phát biểu ý kiến tại hội nghị

Các đại biểu nhấn mạnh, như vậy, để thể hiện tinh thần phát triển trong luật, Luật Thanh niên, một mặt, phải quy định các vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật dành cho thanh niên, các chính sách mà nhà nước dành cho thanh niên. Mặt khác, cần quy định trách nhiệm xã hội của thanh niên, để thanh niên khi tiếp cận luật nhìn thấy được vai trò, trách nhiệm của mình với Tổ quốc, với đất nước, với gia đình, xã hội và với chính bản thân mình từ đó cống hiến, đóng góp ngược lại cho đất nước, cho xã hội.

Đại diện Viện Nghiên cứu thanh niên cho biết, quan điểm này đã nhiều lần được nêu bởi các chuyên gia, nhà quản lý mà một trong số đó là phát biểu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10/09/2019: “Ra luật này thanh niên đọc, nghiên cứu thì phải thấy chúng ta phải làm gì cho Tổ quốc, chứ không phải Tổ quốc phải làm gì cho ta”.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 25-NQ/TW về Công tác thanh niên đã nhấn mạnh về vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong thời gian tới, cụ thể: Mỗi thanh niên phải luôn rèn luyện, phấn đấu, vươn lên trong học tập, lao động và cuộc sống; nhận thức rõ vị trí, vai trò, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của thanh niên với Tổ quốc; tích cực tham gia sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa góp phần xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” và cho chính tương lai của thanh niên. Thanh niên luôn chủ động và không ngừng học tập, nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn, tay nghề; cần cù, chịu khó, sáng tạo, có tác phong công nghiệp trong lao động; vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng. Thanh niên phải thường xuyên rèn luyện đạo đức, lối sống, nếp sống văn minh, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc; có thái độ và hành vi úng xử cao đẹp trong tình bạn, tình yêu; yêu thương con người, chăm lo hạnh phúc gia đình; kính trọng ông bà, cha mẹ, thầy, cô giáo và người lớn tuổi; tích cực rèn luyên, nâng cao sức khỏe, trở thành công dân hữu ích, thành viên tốt của gia đình; hăng hái tham gia các hoạt động cộng đồng. Đồng thời, thanh niên luôn xung kích, tình nguyện, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; đảm nhận những việc khó khăn, gian khổ khi Đảng, Tổ quốc và nhân đân yêu cầu”.

Đề xuất quy định về trách nhiệm của thanh niên trong Luật Thanh niên (sửa đổi), các đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần dành 04 Điều quy định về trách nhiệm của thanh niên với Tổ quốc, với Nhà nước, với gia đình và xã hội; và với bản thân. Cụ thể:

Thứ nhất, về trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, dự thảo Luật cần quy định thanh niên phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, xung kích, đi đầu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; sẵn sàng đảm nhận đảm nhận những công việc khó khăn, gian khổ khi Đảng, Tổ quốc và nhân dân yêu cầu; tham gia giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn dân cư; bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Thứ hai, về trách nhiệm của thanh niên đối với Nhà nước, dự thảo Luật cần quy định thanh niên cần nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, pháp luật, chủ động thực hiện nghĩa vụ công dân; chủ động đề xuất ý tưởng, nguyện vọng, sáng kiến, sáng tạo, xây dựng, tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Đồng thời, tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; chủ động tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật.

Thứ ba, về trách nhiệm của thanh niên đối với gia đình và xã hội, dự thảo Luật cần quy định thanh niên giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; chăm lo hạnh phúc gia đình, kính trọng ông bà, cha mẹ và người lớn tuổi, chăm sóc, giáo dục con em trong gia đình. Đồng thời, gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động xã hội tích cực, hăng hái tham gia các hoạt động vì cộng đồng; có thái độ và hành vi ứng xử cao đẹp trong tình bạn, tình yêu; yêu thương con người.

Thứ tư, về trách nhiệm phát triển bản thân thanh niên, dự thảo Luật cần quy định thanh niên thường xuyên rèn luyện đạo đức, lối sống văn hóa, văn minh, tiến bộ; chủ động và không ngừng học tập, nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn, kỹ năng, tay nghề; cần cù, chịu khó, sáng tạo, có tác phong công nghiệp trong lao động; vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng; tích cực rèn luyện, nâng cao sức khỏe, thực hiện nếp sống đẹp, lành mạnh, phòng ngừa tệ nạn xã hội./.

Thu Phương