ĐBQH TÔ THỊ BÍCH CHÂU CHẤT VẤN VỀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ, NÔNG NGHIỆP SẠCH

07/05/2020

Trước thực trạng sản xuất nông sản bằng hóa chất độc hại làm ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân, môi trường, đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Hồ Chí Minh đã có phiếu chất vấn gửi đến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển về chính sách tạo động lực lớn cho nông dân chuyển mạnh sang sản xuất hữu cơ, sinh thái, sạch xanh.

Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu – Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh

Chất vấn của đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu – Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh nêu rõ: hiện nay cả nước lên án thực phẩm bẩn do sản xuất nông sản bằng hóa chất độc hại làm ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân, môi trường, bệnh ung thư... Vậy vì sao không có chính sách đủ mạnh để tạo động lực lớn cho nông dân chuyển mạnh sang sản xuất hữu cơ, sinh thái, sạch và xanh?

Trả lời chất vấn của đại biểu về phát triển nông nghiệp hữu cơ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay đã có 178 nước/vùng lãnh thổ trên thế giới đã sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năm 2017, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ đạt 57,8 triệu ha, giá trị bán lẻ sản phẩm hữu cơ đạt 97 tỷ USD.

Tại Việt Nam, đã có 40 tỉnh, thành có trồng trọt hữu cơ, 14 tỉnh, thành có mô hình chăn nuôi hữu cơ, 4 tỉnh có mô hình nuôi trồng thủy sản hữu cơ. Ngoài ra, lâm nghiệp hữu cơ dưới tán rừng và trồng dược liệu hữu cơ đã được tổ chức tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và dọc dãy Trường Sơn. Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam rất phong phú, bao gồm gạo, rau, quả, thịt, sữa, hải sản, dược liệu, chè, cà phê, hạt tiêu...

Nhận thức được vai trò, xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về Nông nghiệp hữu cơ; đã ban hành Thông tư số 16/2010/TT-BNNPTNT ngày 01/11/2019 quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 109/2018/NĐ-CP của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng “Đề án phát triển nông nghiệp lưu cơ giai đoạn 2020 - 2030” với những giải pháp cụ thể để phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương, tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện, phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường

Về phát triển nông nghiệp xanh, sạch, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Nguyễn Xuân Cường cho biết, từ nhiều năm nay, Bộ đã xây dựng và ban hành nhiều quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái. Hiện nay, đã có 29 quy trình VietGAP trồng trọt, 8 quy trình VietGAP chăn nuôi, 4 quy trình VietGAP thủy sản.

Đồng thời, để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch, Bộ đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 về hỗ trợ đối với sản xuất, sơ chế các sản phẩm nông lâm thủy sản áp dụng VietGAP.

Ngoài ra, để thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các Bộ ngành, địa phương tham mưu, triển khai nhiều chính sách: Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 57/2016/NĐ-CP ngày 17/4/2018); về bảo hiểm nông nghiệp (Nghị định số 58/2016/NĐ-CP ngày 18/4/2018); về phát triển ngành nghề nông thôn (Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018); về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (Nghị định số 98/2016/NĐ-CP ngày 05/7/2018); về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015)..../.

Bảo Yến