Thảo luận tại phiên họp đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Các đại biểu cũng tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Nghị quyết như việc thí điểm tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị và 03 cấp chính quyền ở nông thôn tại thành phố Đà Nẵng, thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù trong điều chỉnh quy hoạch, quản lý tài chính – ngân sách.
Quốc hội thảo luận trực tuyến về về dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đặt ra nhiều vấn đề như cơ chế để bảo đảm quyền đại diện, quyền làm chủ và bảo đảm hoạt động giám sát trong điều kiện chỉ tổ chức một cấp chính quyền ở thành phố và không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận, ở phường. Có ý kiến cho rằng trong 5 thành phố trực thuộc trung ương hiện nay đã có Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, đến Đà Nẵng có cơ chế đặc thù vậy đến khi nào có cơ chế đối với Hải Phòng và Cần Thơ và có trở thành đại diện để thí điểm cho 5 thành phố và liệu có tiến tới xây dựng cơ chế đặc thù cho các tỉnh khác, khu vực khác như Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ. Các đại biểu lo ngại nếu Chính phủ không có đề án hay chủ trương cụ thể với mô hình thí điểm có thể dẫn đến tình trạng địa phương nào cũng xin cơ chế đặc thù.
Theo đó, các mô hình thí điểm đối với các địa phương này cần được nghiên cứu một cách chủ động, bài bản và đặt trong một kế hoạch tổng thể gắn với một giai đoạn nhất định để có thực tiễn xây dựng mô hình chính quyền đô thị và những cơ chế, chính sách đặc thù chung cho các thành phố. Nhất trí với việc tôn trọng tính đặc thù để tạo sự linh hoạt trong cơ chế quản lý, điều hành là điều rất cần làm, nhưng cũng cần tránh tình trạng một số địa phương sẽ tiếp tục đề xuất Quốc hội ban hành các nghị quyết đặc thù. Điều này có thể sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý, điều hành trong hệ thống bộ máy chính quyền. Vì vậy, cần đặt nghị quyết cho Đà Nẵng trong mối quan hệ với các nghị quyết dành cho Thành phố Chí Minh và thành phố Hà Nội để từ đó có thể đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật và sau tổng kết có thể nhân rộng ra các thành phố khác.
Giải trình làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, nếu như trong lập pháp thì quy định áp dụng chung cho tất cả các đối tượng, các thành phần, các địa phương, mọi người; còn khi xây dựng cơ chế, chính sách sẽ tính đến những đặc thù, tính chất, đặc điểm riêng của từng vùng, từng địa phương và từng đối tượng. Trong quá trình phát triển, sẽ phát hiện ra những vấn đề đang cản trở một số địa phương, một số vùng miền nên không tránh khỏi cần phải bổ sung những cơ chế, chính sách khác hơn, đặc thù hơn, vượt trội hơn để tạo cho các địa phương, các vùng, miền có điều kiện phát triển, khai thác được các tiềm năng, lợi thế của mình, giải phóng được các nguồn lực, phát triển nhanh hơn và trở thành một nơi đóng góp cho ngân sách hơn, tạo động lực lan tỏa và lôi kéo được các địa phương xung quanh. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ đó là mục tiêu đã đặt ra khi xây dựng cơ chế, chính sách cho Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội và bây giờ là Đà Nẵng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm
Lý giải tại sao chưa có cơ chế chính sách đối với Cần Thơ và Hải Phòng hay các khu vực khác, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian tới sẽ báo cáo Chính phủ để nghiên cứu một cách căn cơ, bài bản hơn, đặc biệt là bám sát vào chiến lược phát triển đất nước trong 10 năm tới. Trong chiến lược này xác định các vùng động lực và các cực tăng trưởng cũng như các thành phố lớn sẽ là động lực cho phát triển đất nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ bám sát chiến lược để tham mưu cho Chính phủ để các vùng này, các cực tăng trưởng này có được động lực phát triển và đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Trên cơ sở đó sẽ có báo cáo Quốc hội xem xét có nên xây dựng một luật riêng cho các thành phố lớn hay các vùng kinh tế trọng điểm như thế hay không.
Về mô hình tổ chức chính quyền của Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc thống nhất chọn mô hình là một cấp chính quyền địa phương và hai cấp hành chính, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, phù hợp với việc đổi mới tổ chức chính quyền địa phương theo các nghị quyết của Trung ương, phù hợp với các luật, cũng như phù hợp với điều kiện thực tế của Đà Nẵng là thành phố có diện tích không lớn, với tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa cao.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng bày tỏ nhất trí với đề nghị của các đại biểu Quốc hội trong việc cần phải rà soát lại các nhiệm vụ, chức năng của Hội đồng nhân dân quận, phường để khi không tổ chức Hội đồng nhân dân quận phường và chuyển nhiệm vụ lên cho Hội đồng nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân quận không bị bỏ sót. Cùng với đó, Đà Nẵng cũng phải nâng cao năng lực cán bộ, tăng cường cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực, các tổ chức để phù hợp với điều kiện không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận và cấp phường vẫn bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân.
Về nội dung quy hoạch, Chính phủ trình ra Quốc hội thí điểm giao thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch thành phố và điều chỉnh quy hoạch cục bộ cho chính quyền thành phố. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường đều nhất trí quy hoạch của thành phố là quy hoạch rất quan trọng và phải kiểm soát chặt chẽ, không để phá vỡ quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia. Do đó không phân cấp.
Đối với điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng đây là một quy hoạch cấp dưới của quy hoạch thành phố và chịu sự điều chỉnh bởi quy hoạch thành phố, thường xuyên thay đổi, thường xuyên phát sinh trong quá trình hoạt động. Vì vậy để chủ động và rút ngắn thời gian thực hiện có thể phân cấp được cho thành phố với một quy trình quản lý, giám sát chặt chẽ và phải có ý kiến của Bộ Xây dựng, bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch và không được phá vỡ quy hoạch của cấp trên.
Về tên gọi, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải về việc vẫn giữ tên Ủy ban nhân dân mà không đổi thành Ủy ban hành chính. Theo đó, Hiến pháp không quy định rõ khi không tổ chức Hội đồng nhân dân thì Ủy ban đó gọi là gì, gọi là Ủy ban nhân dân hay gọi là Ủy ban hành chính. Trong khi tên gọi Ủy ban nhân dân là vấn đề lịch sử có timhs chất quen thuộc. Nếu thay đổi tên thì thay đổi toàn bộ cả cơ sở dữ liệu đến tính pháp lý của tất cả các văn bản quy phạm pháp luật mang tên là "Ủy ban nhân dân" quận, phường. Đây là vấn đề lớn, tốn kém và cũng rất phức tạp. Hơn nữa, trong quá trình xây dựng Nghị quyết về thí điểm mô hình chính quyền đô thị đối với Hà Nội đã nêu phương án đổi tên Ủy ban nhân dân thành Ủy ban hành chính và Quốc hội cũng đã cân nhắc và quyết định giữ nguyên tên của Ủy ban nhân dân và chưa đổi thành một tên khác./.