VIỆC QUYẾT ĐỊNH CHUYỂN ĐỔI HÌNH THỨC ĐẦU TƯ CÁC DỰ ÁN THÀNH PHẦN CẦN ĐẢM BẢO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT ĐẦU TƯ CÔNG

10/06/2020

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội nghe thẩm tra việc điều chỉnh chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Theo đó, ý kiến Ủy ban thẩm tra nêu rõ, việc quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án thành phần phải đảm bảo quy định của Luật Đầu tư công.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, theo Tờ trình số 282/TTr-CP, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (Nghị quyết 52). Căn cứ Điều 34 Luật Đầu tư công, cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án thì có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đó. Vì vậy, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án là đúng quy định.

Về trình tự, thủ tục, hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư, theo quy định tại Điều 21 Luật Đầu tư công, hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia phải được gửi đến cơ quan chủ trì thẩm tra chậm nhất là 60 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, ngày 14/5/2020, Chính phủ mới có Tờ trình và hồ sơ kèm theo gửi tới cơ quan thẩm tra, do đó, đề nghị rút kinh nghiệm về vấn đề này. Hồ sơ Dự án cơ bản đáp ứng danh mục tài liệu theo quy định tại Điều 20 Luật Đầu tư công về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định. Đề nghị Chính phủ bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.

Đối với các kiến nghị của Chính phủ, ý kiến của cơ quan thẩm tra cho biết, về kiến nghị giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án thành phần trong trường hợp đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc sau 6 tháng (kể từ thời điểm ký kết hợp đồng dự án) nhà đầu tư không huy động được nguồn vốn tín dụng để triển khai dự án. Ủy ban Kinh tế cho rằng Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là dự án quan trọng quốc gia, vì vậy khi điều chỉnh nội dung của Nghị quyết này cần trình Quốc hội xem xét, quyết định, hơn nữa việc thay đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công còn phải cân đối bổ sung vốn đầu tư công thuộc thẩm quyền của Quốc hội; đây cũng là quy định tại Điều 34 Luật Đầu tư công. Do đó, kiến nghị nêu trên là chưa phù hợp.

Về kiến nghị cho phép cấp quyết định đầu tư dự án trước đây (Bộ Giao thông vận tải) tiếp tục thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư để thực hiện điều chỉnh dự án và các trách nhiệm khác của người quyết định đầu tư. Ủy ban Kinh tế nhận thấy, theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết 52 và trong quá trình triển khai thời gian qua thì 11 dự án thành phần của Dự án được thực hiện theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư là dự án độc lập theo quy định của Luật Đầu tư công. Trong trường hợp cả 03 dự án thành phần được chuyển sang hình thức đầu tư công sẽ thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia thì phải thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công. Theo đó, thẩm quyền quyết định đầu tư dự án thuộc Thủ tướng Chính phủ, quy định tại Điều 40 Luật Đầu tư công.

Về vốn đầu tư công bổ sung cho việc điều chỉnh và nội dung khác, Ủy ban thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo dự toán đã được phê duyệt của Dự án và số vốn kết dư từ 02 dự án Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn để Quốc hội có cơ sở cân đối và phân bổ cho việc điều chỉnh trong trường hợp các dự án thành phần được chuyển đổi, tránh phải nợ lớn vốn đầu tư công sang kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn sau. Trường hợp các dự án thành phần được cho phép chuyển đổi, đề nghị Chính phủ có các giải pháp bảo đảm công khai, minh bạch và bình đẳng cho các nhà đầu tư, do mỗi nhà đầu tư chỉ tham gia một hoặc một số dự án thành phần, nên khi dự án phải chuyển sang đầu tư công, nhà đầu tư đã qua vòng sơ tuyển của dự án đó sẽ không có cơ hội tham gia các dự án thành phần khác.

Mặc dù Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 52 cho phép các dự án thành phần được áp dụng cơ chế triển khai độc lập, nhưng đến nay đã gần hết kỳ kế hoạch 2016 - 2020 tiến độ thực hiện Dự án vẫn chậm, do đó, Ủy ban thẩm tra đề nghị Chính phủ cần khẩn trương có giải pháp quyết liệt hơn trong triển khai thực hiện Dự án. Đặc biệt, đối với các dự án thành phần nếu được chuyển đổi cần bảo đảm tiến độ triển khai theo đúng dự kiến tại Tờ trình của Chính phủ, không để lặp lại tình trạng chậm tiến độ, chất lượng không bảo đảm và tăng tổng mức đầu tư như nhiều dự án đầu tư công thời gian qua.

Trên cơ sở Báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Ủy ban Kinh tế báo cáo và đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến về nội dung này trong quá trình thảo luận tại tổ và hội trường của Kỳ họp thứ 9./.

Hồ Hương